TTVH Online

Cụ già làm tượng cổ Chămpa

10/04/2009 14:41 GMT+7

Nghệ nhân Lê Bền là một cụ già mực thước, mắt sáng, chòm râu dài bạc trắng. Cụ chỉ sẵn sàng chia sẻ về tượng Chăm với những người am hiểu và thực sự có tâm với văn hóa Chăm.

(TT&VH) - Như bao cơ sở làm đá thủ công mỹ nghệ ở Non Nước, cơ sở Vững Bền cũng bày bán phía trước rất nhiều những tác phẩm hiện đại bằng đá tinh xảo, đẹp mắt. Nhưng ít ai biết rằng, sân sau của ngôi nhà ấy, là một vạt đất rộng trưng bày và cũng là nơi chế tác rất nhiều tác phẩm mô phỏng những bức tượng Chăm cổ chỉ có trong Bảo tàng.

Qua sự giới thiệu của người bạn công tác ở bảo tàng Chămpa (Đà Nẵng), tôi có dịp được gặp cụ già mực thước, mắt sáng, chòm râu dài màu trắng trông rất đẹp lão. Người mà tôi nhắc đến là cụ ông Lê Bền (80 tuổi), nghệ nhân điêu khắc cổ truyền, ở 71 - Huyền Trân Công Chúa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng – chủ của cơ sở sản xuất Vững Bền.
 
Cụ Bền say sưa nói về những bức tượng Chămpa

Cũng như công việc lặng lẽ của mình, lại tuổi cao sức yếu nghệ nhân ngại tiếp xúc với giới truyền thông. Tôi hỏi cụ, vì sao không gặp càng nhiều phóng viên để tên tuổi cụ được nhiều người biết đến hơn và sản phẩm mà cụ làm ra cũng sẽ bán được nhiều hơn. Sau một hồi trầm ngâm, cụ mới trả lời: Tôi làm cái nghề này, mục đích chính không phải là kinh doanh làm giàu; mà cốt là để lưu giữ và quảng bá những nét văn hóa truyền thống cổ Chămpa. Không phải hễ ai có tiền đến đây cũng đều có thể sở hữu được một bức tượng, mà phải là người đồng cảm và có chút am hiểu về văn hóa Chăm.

Thật vậy, sau khoảng 30 phút nói chuyện, thấy tôi cũng có đôi chút kiến thức về văn hóa Chămpa và đặc biệt rất tha thiết được chứng kiến tận mắt các sản phẩm nghệ thuật quý giá. Ông Bền mới đồng ý dẫn tôi ra sau nhà, trong khu vườn rộng khoảng 200m2, có độ dốc thoai thoải dựa vào vách núi. Hàng trăm bức tượng Chăm với nhiều kích cỡ khác nhau được bày trí hợp lý. Đó là một thế giới thần linh kỳ bí, những câu chuyện bằng hình ảnh, tượng thần Indar, thần Siva, tượng vũ nữ, bò Nadin, Chim thần Garuda… đặc biệt không thể thiếu được trong nghệ thuật điêu khắc Chăm đó là những biểu tượng tôn giáo Yoni và Linga. Tất cả những bức tượng này qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân khiến cho sự khô khan của đá dường như có hồn. Khu vườn nhà cụ đúng là một thế giới nghệ thuật điêu khắc Chăm thu nhỏ, sinh động và gần gũi.

Cụ Bền cho biết, nghề điêu khắc tượng cổ Chămpa của gia đình đã truyền được 4 đời. Từ khi vào nghề đến nay đã hơn nửa đời người, cụ không nhớ nỗi có bao nhiêu bức tượng Chăm đã được bán và tặng cho du khách trong và ngoài nước. Chỉ biết rằng, nó đều được trao cho những người am hiểu và muốn lưu giữ chút gì đó hương sắc của một nền nghệ thuật độc đáo. Cụ bảo, dù trước đó đã từng dạy cho nhiều học trò làm tượng cổ, nhưng do cơn bão thị trường và chạy theo lợi nhuận, số học trò của cụ theo nghề này giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hạnh phúc lớn nhất của cụ là cả 3 người con trai trưởng thành đều nối nghiệp mình. Hiện tại, ở vùng đất nổi tiếng về điêu khắc đá mỹ nghệ này, chỉ còn duy nhất gia đình cụ theo đuổi nghề phục chế tượng cổ Chămpa.

Văn hóa Chămpa với Mỹ Sơn và Trà Kiệu một thời vàng son liệu có bị chìm vào quên lãng? Là một người yêu mến nghệ thuật Chămpa nói chung và điêu khắc Chămpa nói riêng, tôi thầm cảm ơn cụ đã góp phần lưu giữ và truyền bá nghệ thuật độc đáo này đến với những ai yêu mến.

Trường Nguyễn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN