TTVH Online

Cẩn trọng khi sử dụng cây lược vàng

03/04/2009 11:31 GMT+7

Cây lược vàng không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng caragenin, đặc biệt còn gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao.

(TT&VH) - TS Nguyễn Minh Khởi - Viện trưởng Viện Dược liệu - cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều người dân hỏi về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng. Trước thông tin này, tháng 9/2008, một nhóm các nhà khoa học của viện đã tiến hành nghiên cứu về thành phần hoá học và tác dụng sinh học của loại cây này. Kết quả thật bất ngờ: cây lược vàng không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng caragenin, đặc biệt còn gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao.
 
 
Chữa bệnh theo lối truyền miệng!

Chị Thúy ở phố Thụy Khuê (Tây Hồ - Hà Nội) mấy ngày trước còn khoe: đau răng, đau bụng nhai lá lược vàng này là thấy đỡ liền. Chị Thúy còn hướng dẫn cho nhiều hàng xóm xung quanh. Gia đình chị Thúy ở Thanh Hóa nên từ đợt về quê, thấy người nhà tuyên truyền rằng cây này chữa được nhiều bệnh nên đã đưa ra Hà Nội “nhân giống”. Trước thông tin của Viện Dược liệu khẳng định, nếu sử dụng nhiều cây lược vàng này còn gây ra nhiều bệnh, chị Thúy kinh ngạc nói: “Cách đây vài năm tôi cũng thấy một tờ báo lớn đưa thông tin cây này chữa bách bệnh nên chúng tôi mới mang cây về nhà trồng”.
Theo nhóm nghiên cứu cây lược vàng của Viện Dược liệu, trên thế giới, có rất ít các công bố khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng. Tại Việt Nam, cây lược vàng chưa được nghiên cứu mà chủ yếu mới chỉ được dùng chữa bệnh theo kinh nghiệm. Người dân sử dụng lá và thân cây lược vàng làm thuốc để chữa nhiều bệnh khác nhau như viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, viêm tiết niệu, viêm khớp, đến các bệnh tim mạch, huyết áp, ung bướu.
Trước khi tiến hành nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cho rằng dược liệu này có thể có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, các kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng cho thấy lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococus aureus nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Ngoài ra, kết quả đánh giá độc tính cấp (liều gây chết ngay) cho thấy lược vàng có thể gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao.
 
Theo dược sĩ chuyên khoa II Đỗ Huy Bích thì cây lược vàng có nguồn gốc ở Mexico, được di thực sang nước Nga, rồi đến Việt Nam (đầu tiên là tỉnh Thanh Hóa), nay đã phát triển rộng ra nhiều tỉnh khác, đặc biệt là Hà Nội. Cây còn có tên khác là lan vòi, địa lan vòi, lan rũ, tên khoa học là Callificia fragrans, thuộc họ thài lài (Commelinaceae) do Viện Dược liệu xác định. Thoạt đầu, lược vàng được coi là một loại cây cảnh như cây thiết mộc lan, vạn niên thanh. Về công dụng, cách dùng và liều lượng nêu trên của cây được coi là “thần dược” chỉ để tham khảo, cần được các nhà khoa học nghiên cứu, chứng minh cụ thể.
Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý?
Với cây lược vàng, liều sử dụng trên súc vật thí nghiệm không phải là liều sử dụng cho người. Nếu so với liều dùng bình thường, như người dân sử dụng 6 lá/ngày thì liều độc gây chết (50%) thì phải gấp 1.000 lần như thế. Do đó với cách sử dụng như người dân vẫn thường “mách nhau” hiện nay, không thể gây chết ngay. Hiện tại, nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định rằng người dân sử dụng với liều lượng 5 - 6 lá/ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Các kết quả nghiên cứu dược lý ban đầu chưa làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng nhưng cũng đã cho thấy rằng lược vàng phải chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh thì mới có ảnh hưởng rõ đến chuột thực nghiệm.
Được biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực nghiệm thử về kháng khuẩn, thử chống viêm trên mô hình khác (gây viêm bằng các tác nhân khác), thử tác dụng hạ đường huyết và khả năng trên hệ miễn dịch xem có khả năng kích thích hệ miễn dịch hay không. Đặc biệt, sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật thí nghiệm trong thời gian dài. Sau đó sẽ làm xét nghiệm sinh hóa kiểm tra trên tế bào gan thận, xem có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể hay không.
Theo TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế, không thể có một loại thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Trong Đông y, cách sử dụng thuốc cũng không bao giờ giống nhau, việc gia giảm là khác nhau đối với từng thể trạng. Vì vậy, sẽ rất nguy hại nếu người dân cứ chữa bệnh theo lời đồn thổi.
PGS.TS Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Việt Nam cho biết, cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng sinh học, liều dùng và cả độc tính của cây lược vàng. Không rõ loại cây này được đưa vào nước ta từ khi nào, nhưng trong các sách về hệ thực vật cũng như sách về cây thuốc Việt Nam thì không tìm thấy tên cây.
Trước những thông tin về cây lược vàng chữa được bách bệnh, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo: Tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng chưa được chứng minh và có thể gây độc cho cơ thể. Được biết, Viện Dược liệu sẽ tiếp tục thử nghiệm trên súc vật nhằm kiểm tra khả năng tăng cường miễn dịch, thử tác dụng hạ đường huyết, hạ huyết áp, chống viêm, thử trên tế bào ung thư...
 
Vân Khánh- Bảo Yên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN