TTVH Online

Charlie Nguyễn: Cái yếu nhất của điện ảnh là thiếu chuyên nghiệp

15/03/2009 02:00 GMT+7

Từng gây ấn tượng với Dòng máu anh hùng, nay đạo diễn Charlie Nguyễn lại chọn làm phim truyền hình Chuyện nhà tôi như phép thử với khán giả màn ảnh nhỏ.

Từng gây ấn tượng với người xem qua thành công của phim nhựa Dòng máu anh hùng, nay đạo diễn Charlie Nguyễn lại chọn làm phim truyền hình Chuyện nhà tôi như phép thử với khán giả màn ảnh nhỏ.

* Với lợi thế là một đạo diễn từng thành công ở thể loại phim hành động, khán giả màn ảnh nhỏ chờ đợi những phim truyền hình hành động mang thương hiệu Charlie Nguyễn?  

Sẽ khó có thể thực hiện được một bộ phim truyền hình hành động đúng nghĩa trong điều kiện làm phim truyền hình ở Việt Nam như hiện nay: trang thiết bị thiếu, thời gian quy định cho mỗi tập phim cũng rất ngắn. Không ai có thể làm phim hành động hay mà chỉ quay với tốc đốc độ 2 ngày/tập. Cứ thử làm một phép so sánh: Bạn có thể làm một món ăn ngon trong một khoảng thời gian 6 giờ chẳng hạn. Nhưng nếu bạn chỉ có 2 giờ để làm điều đó thì hãy tự hỏi rằng bạn có thể hoàn thành tốt món ăn đó mà không có sơ suất gì không? Hay chỉ cho ra đời một sản phẩm dở tệ? Làm phim truyền hình hành động mà bị quy định về thời gian thì cũng tương tự như vậy.

* Vì vậy mà anh chọn đề tài khá nhẹ nhàng về gia đình, như Chuyện nhà tôi, khi làm phim truyền hình?

Thật ra tôi cũng không mê phim hành động lắm. Tôi thích nhiều thể loại phim khác nhau. Kịch bản phim Chuyện nhà tôi (dài 200 tập, do Hãng phim Chánh Phương sản xuất) là câu chuyện khá nhẹ nhàng, xây dựng những nhân vật, những mối quan hệ trong một đại gia đình bốn thế hệ. Từ cách sống, cách nghĩ khác nhau giữa các thế hệ mà nảy sinh ra nhiều xung đột khá khôi hài, vui nhộn. Kịch bản ban đầu không hẳn thiên về yếu tố hài hước, nhưng tôi lại muốn xoay chiều bộ phim theo kiểu pha lẫn giữa bi kịch và hài kịch. Và cố gắng làm sao để khai thác nhân vật đến nơi đến chốn.

* Đối với những đạo diễn người Việt xa xứ, khi làm phim thường bị áp lực do phải xử lý yếu tố văn hóa Việt trong phim. Anh có là ngoại lệ? 

Tôi nghĩ vấn đề ở đây là tùy vào cá nhân đạo diễn. Một bộ phim cũng là góc nhìn của đạo diễn về một vấn đề nào đó trong xã hội, nhưng đó không thể là góc nhìn chỉ thỏa mãn cho cá nhân đạo diễn. Nếu đạo diễn làm phim mà không đồng cảm được với khán giả thì bộ phim đó chắc chắn sẽ thất bại. Người làm phim phải tạo được niềm tin với khán giả bằng những tác phẩm của mình. Và giả dụ bộ phim không thành công thì cũng không thể đổ lỗi cho bất cứ lý do gì.

* Vậy anh không lo là mình sẽ phạm những sai lầm khi khai thác cách sống, nếp nghĩ của những nhân vật thuộc nhiều thế hệ trong phim Chuyện nhà tôi?

Tôi không lo vì đã có trong tay kịch bản của các tác giả người Việt. Mặc dù tôi cũng phải chỉnh sửa nhiều chi tiết, phân đoạn cho thích hợp với ý đồ của mình, nhưng kịch bản vẫn là nền tảng sẵn có. Hơn nữa, cùng làm việc với tôi là đạo diễn Thái Hòa. Tôi không nghĩ bộ phim truyền hình - dù là lần đầu - của mình sẽ quá tệ. Tôi chỉ thực hiện 20 tập thôi, 180 tập còn lại sẽ do đạo diễn Thái Hòa và Hữu Thịnh tiếp tục làm.

* Từ bao giờ, niềm đam mê điện ảnh có trong anh? 

Hồi nhỏ, khi có được một máy quay phim 8 ly, tôi và Trí (Johnny Trí Nguyễn), mỗi khi rảnh rỗi, lấy máy ra, đặt chân máy lên bàn, một đứa đứng nhìn vào ống kính, điều chỉnh khung hình; một đứa chạy ra phía trước máy quay xem ở vị trí đó đã “vô khung” chưa. Rồi cả hai “diễn tưng bừng” trước ống kính, chủ yếu... đánh nhau là chính. Quay xong phim là đem khoe với mọi người trong nhà. Ban đầu chỉ để vui thôi, nhưng càng lúc tôi càng cảm thấy mình có nhu cầu kể chuyện cho người khác nghe bằng hình ảnh. Và tôi đi làm phim.

Charlie Nguyễn sinh năm 1968, hiện sống tại thành phố Buena Park, California, Mỹ. Charlie sinh ra tại Sài Gòn, sau đó cùng gia đình sang Mỹ từ năm 1982. Yêu thích phim võ thuật và bắt đầu sự nghiệp điện ảnh bằng những phim hành động ngắn, đến năm 1992, Charlie Nguyễn cùng bạn bè thành lập công ty sản xuất phim riêng mang tên Cinema Pictures. Bộ phim đầu tiên của anh, Hùng Vương thứ 18 (do anh làm đạo diễn, viết kịch bản, sản xuất kiêm biểu diễn võ thuật), tạo được khá nhiều ấn tượng về đề tài phim võ thuật và lịch sử Việt Nam. Những bộ phim Charlie Nguyễn từng tham gia sản xuất và đạo diễn, có thể kể đến Vật đổi sao dời (tiếng Anh: Chances Are), Finding Madison,... Và đặc biệt với bộ phim Dòng máu anh hùng, Charlie Nguyễn trở thành một đạo diễn được đông đảo khán giả Việt Nam yêu thích. Bộ phim đã mang về cho anh giải thưởng của ban giám khảo thể loại phim truyện tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương - Los Angeles lần thứ 23, giải Bông sen bạc (không có vàng) và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Ngô Thanh Vân tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15

Tôi làm phim bằng tất cả lòng yêu nghề và nhiệt tâm, chứ không muốn lao vào điện ảnh chỉ bằng cái nhìn xa lạ.

* Sớm tiếp cận với điện ảnh Mỹ, vì sao bộ phim đầu tay anh làm lại là Hùng Vương thứ 18 mà không phải là một đề tài nào khác – về cuộc sống hiện đại trên đất Mỹ chẳng hạn?

Tôi thích làm phim lịch sử Việt Nam, 14 tuổi tôi mới sang định cư ở Mỹ. Suốt những năm tháng còn học ở Việt Nam, tôi đã được học và được nghe kể nhiều về những trận chiến chống ngoại xâm hào hùng của cha ông. Tôi đã đọc những câu chuyện về các vị anh hùng lịch sử với một niềm say mê thật sự. Khi mình còn là một đứa bé, những cảm nhận của mình về các vị anh hùng đều rất đẹp, rất bi hùng và in vào trí nhớ rất sâu. Hiện tại tôi cũng mong muốn ngày nào đó có thể làm được phim về lịch sử Việt Nam. Nước ta cũng có những trận chiến có thể dựng hoành tráng không thua gì trận Xích Bích của Trung Quốc.

* Đã từng dự nhiều liên hoan phim quốc tế, anh thấy điện ảnh Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới? 

Nếu so sánh điện ảnh thế giới là một ngọn núi thì tôi có thể thấy nền điện ảnh Việt Nam vẫn còn đang cố gắng leo lên đỉnh từ... chân núi. Ở nhiều nơi tôi đến dự liên hoan phim, người ta vẫn còn rất xa lạ, mơ hồ với điện ảnh Việt Nam. Cái thiếu nghiêm trọng nhất của điện ảnh chúng ta là sự chuyên nghiệp. Để có thể giới thiệu tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến với rộng rãi bạn bè quốc tế không phải là điều dễ dàng.
 
Theo NLĐ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN