TTVH Online

“Hồi ký âm nhạc” của Ái Vân

01/03/2009 10:32 GMT+7

Hôm 28/2, bạn bè đồng nghiệp và những khán giả yêu mến Ái Vân đã gặp nhau tại Hà Nội để chia sẻ những cảm xúc về DVD đầu tiên trong cuộc đời ca hát của chị

(TT&VH) - Hôm qua, 28/2, bạn bè đồng nghiệp và những khán giả yêu mến Ái Vân đã gặp nhau tại Hà Nội để chia sẻ những cảm xúc về DVD đầu tiên trong cuộc đời ca hát của chị, cũng là sản phẩm chị dày công thực hiện suốt hơn năm nay – đó là DVD Hoa hồng ký ức.
 
“Không chỉ dừng lại ở vị trí của một DVD mà còn hơn thế, đây là bộ phim ca nhạc nhiều ý nghĩa” - nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha nhận xét.

* Tìm lại hoa hồng trong miền ký ức

Chị đã nói như vậy khi mở đầu album này. 10 ca khúc được xâu chuỗi bằng những lời tự sự của Ái Vân do chính chị thể hiện. Bắt đầu bằng ký ức về Hà Nội với Nhớ mùa Thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), dĩ nhiên là không thể không nhắc tới phố Huế, nơi gắn với tuổi thơ êm đềm của chị trong gia đình có truyền thống nghệ thuật.

Triệu bông hồng - ca khúc gắn với tên tuổi chị, được chị trân trọng gọi là “một phần của cuộc đời” với những hình ảnh chị trở về biểu diễn năm 2002 sau 12 năm đằng đẵng xa nhà, trong vòng tay thân thương đón chào của người thân, bạn bè và khán giả Hà Nội. Tôi còn nhớ như in chị đã bật khóc trong ngập tràn hoa ở sảnh Cung Văn hoá Hà Nội sau đêm diễn đó. Nhiều người tưởng chị không hát hay được như xưa nữa, tưởng Vân sầu buồn với dáng điệu hao gầy trong các chương trình hải ngoại…

Ký ức của Ái Vân còn được dệt bằng Bảy ngày đợi mong (Trần Thiện Thanh), ở đó có cô gái áo xanh “hẹn anh cuối tuần, chờ anh nơi cuối phố” trẻ trung, lãng mạn và hay dỗi hờn; rồi Ngậm ngùi (Phạm Duy, thơ Huy Cận) xót xa thân phận…; cả tiếng gọi rất đỗi thân thương của cô em Ái Xuân để hai chị em song ca trong ca khúc Ai ra xứ Huế được dàn dựng mang đầy phong vị của một đêm hát chốn kinh kỳ…

Bên cạnh Ái Vân trẻ trung và nồng nàn trong những ca khúc sôi nổi, còn là Ái Vân của những Đêm ả đào (Phú Quang) nức nở nghẹn ngào; Tình cầm (Phạm Duy, thơ Hoàng Cầm) thiết tha, nuối tiếc; Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu) nhớ thương khắc khoải…

Ái Vân trong phần hình ảnh ca khúc Nhớ mùa Thu Hà Nội

Với Dạ cổ hoài lang, chị dường như trút hết vào đó nỗi nhớ mong ngày về, không chỉ của “chàng” mà của chính chị sau những năm dằng dặc xa cách quê hương. “Em luống trông tin chàng/Ôi gan vàng quặn đau/Đường dù xa ong bướm/Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang”. Cùng với Đêm ả đào được thực hiện tại Phủ Thành Chương, phần hình ảnh đậm đặc chất Nam Bộ nay được quay khá công phu đem đến cho người xem cảm xúc mới mẻ với ca khúc đã quen thuộc. “Cuộc đời tôi sẽ đi theo một hướng khác nếu hồi đó tôi trở thành nghệ sĩ cải lương như má” - chị tâm sự trước khi bắt đầu clip này.

* Ký ức đâu chỉ có hoa hồng

Cuộc đời tôi có biết bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng tuyệt vọng”, chị bộc bạch trong DVD. Có lẽ, đây là lần đầu tiên chị cho công bố những hình ảnh Ái Vân phải cạo trọc tóc do căn bệnh ung thư. Dù đã được nghe chị nhiều lần tâm sự với báo chí nhưng câu chuyện chị dám “đùa giỡn với tử thần” như lời ông bác sĩ nói với chị lúc đó, khi hoãn kế hoạch mổ khối u để tìm thấy niềm vui trong tiếng hát, trong tình cảm gia đình với những hình ảnh thân thương, vẫn khiến người xem xúc động.

Bên lề cuộc gặp, NSƯT Mạnh Hà – nguyên giám đốc Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ TƯ (nay là Nhà hát Nhạc nhẹ VN) cho biết, khi Ái Vân sang Đức học và quyết định ở lại, trong thư gửi về, chị vẫn nói đi vì hoàn cảnh riêng chứ không bao giờ bỏ quê hương. “Lúc Vân sang đó, ở nhà mới tiến hành thủ tục li dị cho Vân. Vân đi cũng theo xu hướng lúc đó khi bức tường Berlin sụp đổ chứ không có ý định từ trước”, ông nhớ lại.

Ông nhắc đến việc, khi làm hồ sơ gửi Ái Vân du học, bên tổ chức của ngành văn hoá lúc đó có ý đào tạo và bồi dưỡng chị trở thành cán bộ. Chị đã được thử thách về khả năng quản lý khi dẫn đoàn đi biểu diễn ở Lào và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Vân có tố chất quản lý, khéo léo nhưng tình cảm nên được nhiều người yêu quý. Nếu Vân ở lại thì đường quan lộ của Vân chắc sẽ thênh thang” - ông nói.

Trong cuộc gặp, khi cùng nhau thưởng thức album, nhiều người nhắc đến những kỷ niệm với Ái Vân. Nhạc sỹ Lân Cường khi đó đang thực tập ở Viện Hàn lâm CHDC Đức, kể: “Ái Vân là nghệ sỹ đầu tiên của đoàn đoạt giải thưởng lớn tại LH Âm nhạc quốc tế Dresden (CHDC Đức) với ca khúc “Bài ca xây dựng” của Hoàng Vân và một bài hát tiếng Đức, gây tiếng vang trong giới biểu diễn ca nhạc".

Dường như mỗi ca khúc trong album đều có một người đàn ông bên cạnh Ái Vân. Khi nồng nàn tình tứ, lúc buồn bã chia ly… Có những hình ảnh tư liệu đen trắng về chị của một thời, về gia đình lớn và gia đình nhỏ của chị. Nhưng tuyệt nhiên không thấy Ái Vân nhắc đến những người đàn ông ngoài đời thực của chị. Trong thời gian vào Nam, ra Bắc làm album, chồng chị từ Mỹ về động viên vợ và cũng theo đoàn phim đến một số bối cảnh. Có lẽ Ái Vân muốn lưu giữ những “ký ức hoa hồng” của thời đó, với album chất chứa nhiều tâm sự này.

NSND Quang Thọ song ca với Ái Vân ca khúc Hãy đến với anh trong không gian trang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, có mặt tại buổi gặp cùng vợ. Anh vừa cười vừa nói: “Tôi nói đùa với Vân: Em đến với nhiều người và nhiều người đã đến với em. Nhưng chả ai đến với em như anh đến với em đâu”. Chị Ngọc Thanh, vợ anh, là người bên cạnh Ái Vân trong suốt hành trình thực hiện album, mỉm cười. Loáng thoáng những người đàn ông nói vọng lên: “Xinh đẹp và hát hay như Ái Vân, đàn ông hồi ấy ai mà chả mê. Tôi còn mê nữa là ông”.

Từ cách xa nửa vòng trái đất, Ái Vân gửi về những dòng tâm sự. Chị gọi điện cảm ơn thật chân thành. Bạn bè chị cho biết, chị hẹn sẽ thực hiện album tiếp theo. Những “bí mật” của chị sẽ được mở hay vẫn chỉ lả “ký ức hoa hồng”?

Hải Đông

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN