TTVH Online

Thông điệp về đồng tính trên báo: Hãy thông cảm hơn

19/02/2009 16:16 GMT+7

Được chú ý nhất tại hội thảo là bảng thống kê và phân tích của một nhóm chuyên gia xã hội học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

(TT&VH Online) - Tổ chức bởi iSEE (Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) và Học viện Báo chí Tuyên truyền sáng 17/2, có thể coi đây là hội thảo đầu tiên về mối tương tác giữa người đồng tính và cách nhìn nhận họ của giới truyền thông.

Công Khanh và Thái Nguyên, đôi đồng tính Việt Nam đầu tiên tổ chức đám cưới


Được  chú ý nhất tại hội thảo là bảng thống kê và phân tích của một nhóm chuyên gia xã hội học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cơ sở của thống kê này là 502 bài báo xuất hiện trong khoảng thời gian 4 năm kể từ 2004 (đều thuộc những tờ báo in hoặc báo mạng có số độc giả cao). Nhận xét ban đầu: theo thời gian, những bài viết về người đồng tính càng xuất hiện với mật độ cao hơn, những bài báo do cá nhân nhà báo thực hiện trong bối cảnh Việt Nam cũng tăng dần. 41% bài báo tỏ thái độ kì thị với người đồng tính, 18% tỏ thái độ bênh vực, số còn lại không xác định quan điểm. Và dù bớt dần theo thời gian, thái độ kì thị này vẫn được thể hiện qua khá nhiều yếu tố: cách thể hiện hình ảnh người đồng tính, cách nói về nhu cầu tình dục lớn tới mức thiếu kiềm chế của họ, thậm chí là những kiến thức sai lầm, chẳng hạn như coi100% người đồng tính đều là dạng bóng lộ (có xu hướng thiên về giới tính phụ nữ), nhầm lần giữa người đồng tính và người chuyển giới tính, cho rằng đồng tính là một căn bệnh, một lối sống đua đòi và người đồng tính có thể được chữa khỏi để trở về với cuộc đời thường.

Một nghiên cứu khác do iSEE thực hiện trên mạng trực tuyến cho thấy, đây là cuộc điều tra triển khai trên 5 diễn đàn lớn dành cho người đồng tính tại Việt Nam và thu hút trên 6800 người tự nguyện tham gia. Khoảng 3200 người trong số này đảm bảo được yêu cầu tối thiểu để trở thành đối tượng khảo sát: là những nam giới,sống tại Việt Nam, trên 18 tuổi và có quan hệ tình dục với nam giới trong vòng 12 tháng qua.

Theo kết quả điều tra này, có 2,5 % số người được hỏi đã công khai về giới tính của mình, cộng thêm chừng 5,3 % trong số họ ở dạng “gần như công khai”. Các lý do được được đưa ra để trả lời cho sự e ngại này: sợ gia đình không chấp nhận (gần 40%), sợ bị trêu chọc, bắt nạt (gần 30%), sợ xã hội kì thị (hơn 40%), sợ mất việc (gần 10%). Trong số người tham gia trả lời có khoảng 70% đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng hoặc các trường dạy nghề.

Một mặt cung cấp những tư liệu khoa học để chứng minh đồng tính luyến ái không phải là một căn bệnh (điều đã được khẳng định trên thế giới), một mặt iSEE cũng gợi mở những thảo luận bước đầu về các biên pháp giúp dư luận xã hội - mà đại diện là các phương tiện truyền thông đại chúng - có cái nhìn thông cảm và khách quan hơn về cộng đồng giới tính thứ ba. Hiện Viện này đang lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho một số nhà báo quan tâm tới đề tài đồng tính, như chia sẻ thông tin với chuyên gia tình dục học, nhà hoạt động xã hội trong ngoài nước; gặp gỡ các tổ chức và cá nhân trong giới đồng tính để  có  kiến thức đúng và chuẩn xác.

Hoàng Nguyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN