TTVH Online

Giải thưởng Việt Nam học đầu tiên: Trao cho cả “ta” lẫn “Tây”!

13/02/2009 14:00 GMT+7

Theo những thông tin mới nhất từ BTC Giải thưởng Việt Nam học 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, vào ngày 28/3 tới đây, giải thưởng này sẽ chính thức được trao tặng.

(TT&VH) - Theo những thông tin mới nhất từ BTC Giải thưởng Việt Nam học 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, vào ngày 28/3 tới đây, giải thưởng này sẽ chính thức được trao tặng, bao gồm một giải cho học giả (hoặc nhóm học giả) nước ngoài và một giải cho học giả Việt Nam. Có lẽ, cách trao giải như vậy là điều tất yếu, khi mà bản chất của chuyên ngành Việt Nam học trong những năm gần đây vẫn là khái niệm gây nhiều tranh cãi.

Hai giải thưởng Việt Nam học

Theo một thành viên của Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh - đơn vị tổ chức giải thưởng VN học, “vào chung kết” cho giải thưởng này là công trình của một số nhóm học giả đến từ Nga, Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Trong số đó, công trình nghiên cứu của nhóm học giả Nhật Bản hiện được đánh giá cao. Đó là công trình nghiên cứu về bản chất văn hóa Việt Nam, thu hút một lượng rất đông học giả Nhật Bản. Cụ thể, với sự tiếp cận vấn đề từ cách lập luận rằng mô hình làng xã là hạt nhân của nền văn minh Việt cổ” và “nền văn minh Việt cổ có thể tạm coi như một ngôi làng lớn” nhóm tác giả này đã đi tìm và nghiên cứu một số mô hình làng xã mang tính đặc trưng nhất tại VN, từ đó đưa ra các nhận định về sự ổn định, cũng như tính uyển chuyển của bản chất văn hóa Việt…
 
Việt Nam học là chuyên ngành hiện đang phát triển
khá mạnh tại Việt Nam

Bên cạnh đó, với giải thưởng dành cho các học giả trong nước, Hội đồng giải thưởng cũng đang gấp rút làm việc để chọn ra một công trình nghiên cứu xuất sắc nhất. “Thật tiếc vì theo tiêu chí của chúng tôi, giải thưởng Việt Nam học chỉ có thể trao cho các tác giả còn sống. Bằng không, những công trình nghiên cứu của các học giả Cao Xuân Hạo, Trần Đức Thảo, Từ Chi… đều rất xứng đáng để nhận giải thưởng này” - ông Ngô Tự Lập, Giám đốc Quỹ, cho biết.

Cũng theo ông Lập, ngoài 7 thành viên thường xuyên của Hội đồng giải thưởng VN học 2008, BTC đã mời thêm 2 học giả khác cùng tham gia xét duyệt tác phẩm là GS sử học Phan Huy Lê và GS Vũ Minh Giang ( Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, song song với giải thưởng VN học, Quỹ Phan Châu Trinh cũng trao giải thưởng Tinh hoa dịch thuật quốc tế 2008.

Khái niệm Việt Nam học: không dễ thống nhất

Hai lý do ra đời Giải thưởng Việt Nam học

Khi đổi tên quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, chúng tôi tổ chức giải thưởng Việt Nam học vì hai lí do. Thứ nhất, vào cuối năm 2008, Hội thảo VN học quốc tế được tổ chức tại VN và tạo tiếng vang khá lớn. Thứ hai, trong những năm gần đây, chuyên ngành này cũng khá phát triển và được nhiều đối tượng học giả quan tâm.

Hiện tại, giải thưởng VN học 2008 có giá trị là 15 triệu đồng. Đó không phải là một số tiền quá lớn. Bù lại, chúng tôi muốn xây dựng được thương hiệu và uy tín của giải thưởng thường niên này, để nó có thể được công nhận như một sự đảm bảo cho trình độ và năng lực của các học giả nhận giải
 
(GS Chu Hảo - Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh)
Dù là một giải thưởng đáng quý và rất cần thiết, dường như các thành viên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cũng đã tự chọn cho mình một cái khó riêng khi tổ chức Giải thưởng Việt Nam học đầu tiên này. Bởi, với việc mở rộng đối tượng xét giải tới toàn bộ các học giả trong và ngoài nước có công trình nghiên cứu về VN, BTC đồng thời cũng phải giải quyết câu hỏi “VN học là chuyên ngành dành cho “ta” hay “Tây”- điều vẫn chưa hề được thống nhất sau những tranh luận trong thời gian qua.

Về khái niệm Việt Nam học, GS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cho rằng: Tôi phần nào thiên về cách hiểu: Việt Nam học gắn với ngành học dành cho những người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về VN. Bản chất của ngành học ấy cũng phục vụ cho việc VN được thế giới biết tới như một nước có cốt cách và bản sắc văn hóa riêng. Từ các trung tâm giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho người nước ngoài, khái niệm Việt Nam học được biết tới và phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Ông Ngô Tự Lập cũng đưa ra những kiến giải của mình: Khái niệm Việt Nam học ra đời chưa lâu, nhưng lịch sử nghiên cứu về VN trên thế giới đã có một thời gian rất dài. Có thể nhìn vào điều đó qua 3 mốc lịch sử. Thứ nhất, trong thời kì Pháp thuộc, viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập tại VN. Thứ hai, trong thời kỳ chống Mỹ, VN trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới… Và thứ ba, là xu hướng nghiên cứu Việt Nam dưới tư cách một quốc gia hoàn chỉnh trong những năm gần đây, khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Như vậy, rõ ràng về bản chất, Việt Nam học thiên về dành cho các học giả quốc tế hơn.

Tuy nhiên, ông Lập cũng nhận xét: nhiều người bảo rằng ngành VN học không dành cho đối tượng VN, vì nói cho cùng, bất cứ môn học nào ở VN cũng đều là… Việt Nam học cả rồi. Nói vậy thì đúng, nhưng cũng chưa đủ. Người VN ta vốn không có truyền thống tự nghiên cứu mình, đơn cử là việc chúng ta chưa có một cuốn từ điển bách khoa nào về VN như Từ điển Larouse của người Pháp. Bởi vậy, tiếp cận ngành Việt Nam học, người VN có thể phần nào tự nhận thức lại mình…
 
Hoàng Nguyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN