TTVH Online

Dân gian & đương đại của Lê Cát Trọng Lý

16/01/2009 15:14 GMT+7

Chưa bàn đến việc Chênh vênh có đoạt được giải thưởng gì hay không, nhưng đây là một bản nhạc rất đáng nói vì được viết bởi một cô gái rất trẻ và có tài.

(TT&VH) - Tìm với cụm từ “Lê Cát Trọng Lý” trên Google, cái tên này xuất hiện trong hàng trăm bài viết trên các trang web, một số bản nhạc của cô cũng được nhiều người nghe trên các web nghe nhạc trực tuyến. Tuy nhiên điều sắp diễn ra với Trọng Lý là bài hát Chênh vênh trong chung kết Bài hát Việt 2008 tại Hà Nội vào 17/1. Chưa bàn đến việc Chênh vênh có đoạt được giải thưởng gì hay không, nhưng đây là một bản nhạc rất đáng nói…

Chênh vênh như một khúc dân ca

Thông thường để thể hiện sự sâu lắng hoặc nội tâm kịch tính, một bài hát thường dùng âm vực rộng, ở khoảng trầm và trung để thể hiện những giai điệu êm dịu, lắng đọng và khoảng cao dùng cho những giai điệu tha thiết hoặc kịch tính. Nhưng với bài hát Chênh vênh, các nốt nhạc chỉ trong vòng một quãng 7 (từ nốt Re đến nốt Do, chủ âm là Sol) nhưng cũng đầy cá tính âm nhạc. Theo Lê Cát Trọng Lý thì đây là bài hát được viết ra bởi cảm thán từ cuộc tình Tiên Dung - Chữ Đồng Tử. Nhưng nếu đọc lời bài hát, mọi người chỉ biết đó là cái “chênh vênh” của câu chuyện tình “khát say” giữa một “phận long đong” và một “phận ngọc”. Bài hát được viết với hình thức 3 đoạn đơn (a-b-a), mộc mạc như một khúc hát dân ca, giai điệu đa số là những quãng liền bậc, tiết tấu đơn giản (chủ yếu là nốt đen). Đoạn a giai điệu thong thả như một lời kể, lời tâm sự:

“Thương em anh trèo non cao/ Mua mưa thu mây tan mệnh bạc/ Thương anh em lội sông sâu/ Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc”.

Đoạn b dùng một âm hình tiết tấu khác (với những móc đơn), mang tính chất xáo động hơn, điểm nhấn là những nốt ngân dài từ một đảo phách, đủ để diễn tả cái “chần chờ”, “chênh vênh”:

“Còn chần chờ chi hỡi anh/ Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh/ Ừ tình là điên khát say/ Hôn em, ôm em sao nát chênh vênh”.

Sau đó đoạn a tái hiện với phần lời mới.

Bài này được Trọng Lý viết năm cô 19 tuổi, nhưng ca từ không khác gì một người đã trải nghiệm và có nền tảng về văn học. Đọc ca từ không ai nghĩ là sáng tác của một người ở tuổi 19.

Dân gian & đương đại

Trên văn bản ký âm của bài hát, giai điệu dựa trên thang âm ngũ cung: Re - Mi - Sol - La - Si, ở đoạn b có xuất hiện thêm nốt Do. Có thể giải thích, lúc này nó chuyển hệ (metabol) sang Re - Mi - Sol - La - Do, giai điệu là sự đan xen giữa 2 thang âm đó. Giai điệu chỉ quanh quẩn trong 6 nốt: Re - Mi - Sol - La - Si - Do, cực kỳ đơn giản. Chất dân gian của bài hát không dựa trên âm điệu, màu sắc của một làn điệu dân ca nào cả, nó chỉ dựa trên thang âm ngũ cung mà một số bài dân ca Việt Nam thường dùng. Thật ra, những thang âm ngũ cung như trong bài hát này, Trung Quốc và một số dân tộc khác cũng có. Cái khác là cách tiến hành giai điệu của từng dân tộc khác nhau để tạo ra những tác phẩm khác nhau mang tính đặc trưng của dân tộc đó. Cũng dạng thang âm này, nhưng một số bài nhạc xuất hiện trên thị trường hiện nay, nghe giống như nhạc Tàu (ví dụ một số bài hát của Duy Mạnh). Với giai điệu của bài Chênh vênh, nếu nói nó mang tính Việt Nam có lẽ còn hơi sớm, nhưng đó là một giai điệu do một người Việt Nam sáng tạo ra và không mang âm hưởng của Tàu hoặc Tây. Điều đó đã là quá quý và có lẽ cái dân gian & đương đại cũng chính là ở chỗ đó.

Bài hát kết trọn với chủ âm Sol, nhưng người nghe vẫn có cảm giác… chơi vơi, chênh vênh như một kết lửng. Đó cũng là điểm thành công của tác giả khi sử dụng thang âm điệu thức ngũ cung.

Trong phần đệm bằng guitar do chính tác giả trình bày, ta còn nghe được những hợp âm mang màu sắc phương Đông với những quãng 2 trưởng đặc trưng (thay vì toàn những quãng 3 trong cấu tạo hợp âm) - những “hợp âm” mà trong nhiều tuyển tập bài hát dân ca Việt Nam có phần đệm piano như: Cây trúc xinh, Ngồi tựa mạn thuyền, Hát ru, Nhớ thương (NXB Văn hóa, 1976, 1979, 1983) các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tài Tuệ, Chu Minh, Thụy Loan, Đặng Hữu Phúc… đã dùng.

Có thể nói, hiện nay chúng ta chưa có lý thuyết về hòa thanh cho những điệu thức ngũ cung Việt Nam và có lẽ Lê Cát Trọng Lý cũng chưa nghiên cứu những “hợp âm” trong những phần đệm piano ở các bài dân ca nói trên. Nhưng cái chất giai điệu và “hòa thanh” Việt Nam như ẩn chứa trong tư duy âm nhạc của cô. Đó là dân gian & đương đại của một “tri thức” âm nhạc mới, để có thể sẽ làm nên những ca khúc mang tầm cao nghệ thuật.

Có thể Chênh vênh chưa thực sự được đông đảo khán giả hiểu hết cái hay của nó, nhưng đó là một tác phẩm khá hoàn chỉnh, có chiều sâu về cả ca từ, giai điệu và hòa thanh, có cảm xúc âm nhạc làm lay động người nghe và có cá tính. Về mặt thể hiện, phần đệm không dùng nhạc cụ hoặc âm sắc nhạc cụ dân tộc mà dùng nhạc cụ Tây phương (guitar), nó cũng không dùng những tiết tấu hiện đại của nhạc nhẹ mà khai thác một yếu tố của bản chất ngôn ngữ âm nhạc - hòa thanh. Xét về nội dung và nghệ thuật, Chênh vênh là một tác phẩm dân gian đương đại rất đáng được biểu dương.
 
Hữu Trịnh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN