TTVH Online

Văn hóa thưởng thức cũng cần được tập dượt

05/01/2009 12:29 GMT+7

Chứng kiến sự thiếu văn hóa của nhiều người khi tham quan Lễ hội Phố Hoa cảm thấy một nỗi đau lòng và hơn nữa là sự… xấu hổ.

Vài tỉ đồng được đầu tư cho Phố Hoa Hà Nội. Bao tâm huyết của các nghệ nhân hoa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt; bao mồ hôi của các nghệ nhân quạt Chàng Sơn, nghệ nhân gốm Bát Tràng... được đổ vào các công trình kỷ lục tại phố Hoa như quạt khổng lồ, khu phố gốm dài nhất, đôi rồng hoa kỷ lục, cổng quạt hoa khổng lồ... Nhưng rồi, tất cả công lao đã “đổ xuống sông xuống bể”, chỉ vì ý thức “không giống ai” của một số người được miễn phí hưởng thụ những giá trị văn hóa có một không hai này...
 
>> Lễ hội phố Hoa bị xâm hại - Ai còn dám làm lễ hội cộng đồng!
>> Viết cho lễ hội phố hoa Hà Nội năm 2010
Mặc dù bị lực lượng bảo vệ nhắc nhở, người phụ nữ này vẫn còn nói "người ta lấy, tôi cũng lấy"

Khi trong Lễ hội hoa Anh Đào hồi tháng 4/2008, do Sứ quán Nhật Bản tổ chức; cảnh tượng các cây hoa Anh Đào đã bị vặt trụi hoa đã để lại ấn tượng không đẹp. Và những cánh hoa rụng lả tả dưới gốc không chỉ là nỗi đau lòng của nhà tổ chức, mà còn là nỗi “xấu hổ” như nhiều người trong cuộc đã thốt lên vì sự thiếu văn hóa của những người “hưởng thụ”. Rất nhiều báo chí, rất nhiều diễn đàn trên mạng… đã lên tiếng về sự kiện này…

Những hình ảnh buồn tại lễ hội hoa Hà Nội
Nhưng, dường như chẳng ai “chịu nhớ” về cái gọi là ý thức giữ gìn, là nét thanh lịch “Tràng An”, cái gọi là “bài học” về văn hóa thưởng thức khi đến với Phố Hoa Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức, như một hoạt động “tập dượt” cho sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội này. Đêm 31/12/2008, đêm khai mạc Lễ hội Phố Hoa, ngay trong khi BTC đang tổ chức lễ khai mạc hoành tráng tại sân khấu trước tượng đài Lý Thái Tổ, thì cũng là lúc phía ngoài đường Đinh Tiên Hoàng và dọc theo Bờ Hồ Hoàn Kiếm, những công trình, tiểu cảnh hoa đã “được” những người xem tàn phá. Có lẽ, cũng hiếm khi mới có những công trình hoa ấn tượng, với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy… rất “ăn hình”; và cũng hiếm khi người Hà Nội được tận mắt thấy xe đạp hoa, xe kéo hoa, quạt hoa… nên tất cả đều khao khát "ghi dấu" lại hình ảnh của mình trước những tiểu cảnh hoa. Nhưng nếu chỉ là đứng phía ngoài và chụp ảnh cùng tiểu cảnh hoa thì không có gì phải nói. Cái nhu cầu “sờ tận tay, day tận mặt” khiến rất nhiều nam thanh, nữ tú đã thản nhiên trèo vào giữa tiểu cảnh hoa, ngồi trên tấm thảm hoa để… chụp ảnh cho đẹp. Rồi níu cành hoa, túm vào lá… để chụp ảnh... cho sinh động. Cũng khối người, chẳng biết tò mò gì với những bông hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, hoa bắp cải… vốn khá phổ biến ở các cửa hàng hoa của Hà Nội, mà nhất định phải… bứt thử để xem nó thế nào. Vườn lau đẹp ngút ngàn thì càng là “sự khao khát” của họ, để tựa lưng chụp ảnh, và để… trộm một cành mang về…

Mỗi người một tay sờ, tay ngắt, mỗi người một lần nhảy vào để chụp ảnh như thế, không ai chịu kém cạnh ai… Và thế là, những công trình hoa của Phố Hoa vì thế “tan nát” ngay sau một tiếng đồng hồ, khi tấm băng khai mạc vừa mới được… cắt xong. Mà không chỉ là giới trẻ thiếu ý thức, nhiều bà mẹ đi thăm Phố Hoa cùng cô con gái, thay vì dạy con giữ gìn công trình chung, lại hăng hái… mở túi nilon cho con cất hoa vào để... mang về. Cũng “háo hức” không kém là đôi trai gái vừa gửi xong xe đầu đường Đinh Tiên Hoàng, vội lao ra hỏi hai phụ nữ trung niên đang sung sướng ôm hai cụm hoa to, vẫn còn tươi rói rằng “lấy ở đâu thế, cô ơi?”, rồi hăng hái… chạy vào Phố Hoa để… lấy hoa!

Tan hoang phố hoa

Thật sự đau lòng cho những nghệ nhân hoa, khi những tác phẩm hoa của họ: Áo dài hoa, xe hoa, quạt hoa, thuyền hoa… với những bông hoa tươi kết thành; rồi thậm chí những hồ sen bằng hoa giả… đều trở nên xơ xác, tả tơi, xiêu vẹo. Những phụ kiện của công trình hoa cứ mất dần, hoa đẹp thì bị “bứng cả cụm” theo những “thượng đế” ba chân bốn cẳng chạy khỏi Phố Hoa; hoa xấu thì bị ném ngổn ngang ngay dưới chân công trình hoa… “Ngay trong đêm 31/12, các nghệ nhân đã phải bắt tay vào thiết kế lại những công trình hoa của mình, ‘bồi da đắp thịt’ thêm để sáng 1/1/2009, Phố Hoa lại lộng lẫy đón khách tham quan. Nhưng chỉ tới trưa, lại đâu vào đấy, hoa lại tan nát, chậu lại đổ ngả nghiêng, những phụ kiện bị lấy đi hoặc dày xéo tơi bời. Ngày 1/1, chúng tôi lại phải tiếp tục bổ sung hoa và làm lại các công trình để phục vụ người dân”- một thành viên BTC xót xa cho biết.

Không phải là một nghệ nhân có công trình tham dự Lễ hội Phố Hoa, nhưng chứng kiến sự thiếu văn hóa của nhiều người khi tham quan Lễ hội Phố Hoa, cũng cảm thấy một nỗi đau lòng và hơn nữa là sự… xấu hổ. Phải gọi đó là "vô văn hóa", khi mà thay vì tôn trọng những giá trị văn hóa, thay vì nâng niu những gì được dành tặng; lại đang tâm phá hoại, đang tâm tàn phá những công trình nghệ thuật, kể cả đôi rồng hoa mang ý nghĩa linh thiêng chầu hai bên tượng Lý Thái Tổ.

Những cánh hoa khi chưa hết hội
Và đau lòng hơn, khi không ít nụ cười mãn nguyện xuất hiện sau khi thêm một bông hoa - mà thật ra là một vảy rồng, lại bị ngắt đi… Cứ giữ nguyên sự “vô văn hóa” thế này, không biết tới 1.000 năm Thăng Long, người Hà Nội sẽ đi tới đâu? Chợt nhớ tới đường hoa Nguyễn Huệ của Thành phố Hồ Chí Minh năm nào cũng tổ chức, Lễ hội hoa Đà Lạt năm nào cũng rực rỡ sắc hoa… nhưng chưa từng một lần bị tàn phá. Và phân vân với câu hỏi, tại sao mà tại đất thanh lịch "Tràng An" lại thế?
 
Theo Tuyết Anh
Báo Tin Tức
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN