TTVH Online

Đức Tuấn và cuộc hành trình “ngược gió”

16/05/2008 11:03 GMT+7

Đức Tuấn sẽ ra mắt album nhạc cổ điển vào tháng 6 tới.

(TT&VH) -Giữa dòng xoáy của nhạc thị trường uỷ mị, ca sĩ Đức Tuấn dám tách hẳn mình ra khỏi đám đông xô bồ ấy với những dự án nhạc cổ điển, hy vọng không chỉ phục vụ khán giả trong nước mà còn chinh phục ở những thị trường xa xôi hơn. Vào đêm 13/5/2008, tại phòng trà Không tên TP.HCM, anh sẽ có một chương trình mang tên My secret passion, biểu diễn các bản tình ca quốc tế.

Bước ngoặc của Đức Tuấn

Là ca sĩ có lợi thế cả về hình thức lẫn nội dung nhưng Đức Tuấn không chọn cho mình một lối đi dễ dãi, mặc dù lối đi ấy có thể tạo cho anh một chỗ đứng rộng rãi hơn trong lòng công chúng cũng như nó sẽ mang lại cho anh những khoản thù lao đầy đặn hơn. Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của ca sĩ Đức Tuấn, ấy là lần anh sang New York và được xem những vở nhạc kịch vào năm 2003. Những vở nhạc kịch đã khơi dậy niềm đam mê trong Đức Tuấn và đó cũng là cái mốc để thay đổi hoàn toàn con đường đi của anh.
 
Từ niềm đam mê ấy, ca sĩ Đức Tuấn đã tự mày mò học tập, tìm hiểu sâu hơn về dòng nhạc kịch bằng cách nghe, xem và tham khảo nhiều về nó. Cho đến hôm nay, có thể xem Đức Tuấn đã có đủ sức chạm được sâu hơn vào dòng nhạc này mà mở đầu là vào đêm 13/ 5/2008, anh sẽ có một chương trình biểu diễn mang tên My secret passion (tạm dịch là Niềm đam mê thầm kín của tôi) tại phòng trà Không tên TP.HCM.
 
Chương trình này sẽ bao gồm các bản tình ca quốc tế và đặc biệt là những ca khúc được trích ra từ những tác phẩm nhạc kịch Broadway (Mỹ) như: The Phantom Of The Opera, Love Changes Everything, Sunset Boulevard, Le Temps Des Cathédrales, Cant Take My Eyes Off You, Impossible Dreams, My Heart Will Go On, Pour Que Tu Maimes Encore, Sway, Unbreak My Heart...
 
Đáng lưu ý là chương trình này sẽ sử dụng hoàn toàn tiếng Anh và tiếng Pháp (từ hát đến dẫn chương trình) để phục vụ cho những khán giả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông Phú Hải (người quản lý của ca sĩ Đức Tuấn) cho biết đó cũng là hướng đi mới của ca sĩ Đức Tuấn. Hiện tại, ông còn phối hợp với ngành du lịch để đưa lượng khách nước ngoài đang tham quan và du lịch tại TP.HCM đến với những chương trình do Đức Tuấn biểu diễn. Trong tương lai, ông Phú Hải còn mong muốn làm thế nào để giới thiệu được văn hoá Việt dành cho du khách qua những chương trình như thế.

Lẽ ra, trong tháng 6 tới, Đức Tuấn sẽ trình làng một album nhạc cổ điển, nhưng vì có sự chậm trễ trong lần thực hiện dự án âm nhạc Văn Cao nên album này sẽ được dời sang tháng 9. Tháng 9 tới, ca sĩ Đức Tuấn cũng sẽ có một live show để giới thiệu con đường mà anh đang đi cũng như mong muốn mở rộng “biên độ” khán giả tại Nhà hát Thành phố. Đi với một dòng nhạc như thế nên rất ít khi người ta nghe đến chuyện Đức Tuấn làm live show, nếu có chỉ là những show nhỏ tại các phòng trà, những nơi có lượng khán giả tập trung nhất định.

Hành trình “ngược gió”

Nếu như các ca sĩ khác mỗi khi làm live show thường tập trung một lần thì cách mà e-kip của Đức Tuấn đang làm có thể xem là khá thông minh, thiết thực và hiệu quả về kinh tế. Đó là sau khi anh đã có sự phối hợp ăn ý với e-kip của mình cùng ban nhạc tại phòng trà Không tên. Sau nhiều show biểu diễn ở đây, ca sĩ Đức Tuấn sẽ đưa toàn bộ chương trình này đến Nhà hát Thành phố. Được biết, live show tới, Đức Tuấn sẽ trình bày nhiều tác phẩm cổ điển nổi tiếng, trong đó có các tác phẩm do nhạc sĩ Dương Thụ viết lời Việt.

Tuy nhiên, dù đã chạm vào dòng nhạc kinh viện của nhân loại, nhưng tất cả chỉ là một con đường vừa mới được bắt đầu nên hành trình trước mặt anh không thể nói là suôn sẻ. Để thực hiện cho các dự án nhạc kịch, Đức Tuấn sẽ phải học hỏi thêm rất nhiều từ các chuyên gia âm nhạc trong và ngoài nước. Sắp tới, anh sẽ học thêm cách hát của dòng nhạc này từ một giảng viên người Canada là cô Jane Davidson. Ông Phú Hải cho biết sẽ mời cô Jane Davidson sang Việt Nam để dạy cho ca sĩ Đức Tuấn một thời gian.
 
Theo như ông Phú Hải thì đó là cách để Đức Tuấn có thể vừa học vừa ứng dụng cách hát trong những lần biểu diễn, vì nếu sang Canada thì không phải lúc nào cũng có show. Việc học tập trung cũng hay nhưng việc được học và được trải nghiệm thực tế ngay tại quê nhà cũng có những mặt lợi của nó và phù hợp với hoàn cảnh của ca sĩ này. Tháng 8 tới, ca sĩ Đức Tuấn sẽ sang Canada để thu âm album nhạc kịch đầu tiên để trình làng tại Việt Nam và tất nhiên, anh cũng không giấu hy vọng những dự án âm nhạc của mình sẽ chinh phục những miền đất hứa. Tuy vậy, người quản lý của ca sĩ Đức Tuấn cũng không tránh khỏi sự lo lắng bởi trong bất kỳ dự án nào, sự may mắn bao giờ cũng là yếu tố quan trọng để quyết định cho sự thành công.
 
Song, có thể thấy, giữa một thị trường âm nhạc đang mỗi ngày một thiếu chiều sâu như hiện nay thì con đường mà Đức Tuấn đang đi có thể xem là dũng cảm. Dũng cảm bởi có nhiều nhận định cho rằng, tại Việt Nam hiện nay (và có thể là còn rất lâu sau đó) chưa có thị trường dành cho nhạc cổ điển. Dù trong những năm gần đây đã xuất hiện trên thị trường một số album của dòng nhạc này hay gần đây nhất là bộ tuyển tập 13 CD nhạc cổ điển chọn lọc của NSND Đặng Thái Sơn được phát hành tại Việt Nam, nhưng để khẳng định dòng này có chỗ đứng trong lòng công chúng Việt Nam hay không thì chưa một ai dám chắc chắn cả.
 
Sự dũng cảm ấy, không chỉ có riêng ở Đức Tuấn mà còn ở ông Phú Hải, nhà quản lý (cũng là nhà sản xuất) của Đức Tuấn. Cả hai cùng nhau gật đầu cho những dự án kén khán giả, ít lợi nhuận và đứng ngoài những cơn bão bình chọn, bầu bán bằng tin nhắn, bằng “click chuột” của phần đông công chúng trẻ hôm nay. Thế nên cách PR cho ca sĩ này được người quản lý thực hiện một cách rất “Đức Tuấn”, mỗi khi có chương trình biểu diễn, ông Phú Hải lại nhắn tin đến những khán giả ruột của ca sĩ Đức Tuấn (thay vì những chiến dịch quảng bá rầm rộ). Mỗi khi có ai tặng hoa cho Đức Tuấn, ông Phú Hải khuyên rằng hãy dành tiền mua hoa để mời một người bạn đến nghe Tuấn hát. Đó chẳng phải là một cuộc hành trình ngược gió hay sao!?
 
Cao Hải Hà
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN