TTVH Online

Khu di tích cụ Phan Bội Châu xuống cấp nghiêm trọng

15/12/2008 13:44 GMT+7

Ngôi nhà ở của cụ Phan được trùng tu năm 1997 với mái nhà tranh, cột nhà gỗ, hơn 10 năm nay đã bị mục vỡ, dột nát.

(TT&VH Online) - Đuợc công nhận là di tích quốc gia năm 1991, nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu bao gồm khu nhà ở, lăng mộ và khu từ đường với tổng diện tích gần 5000 m2 nằm ở phường Trường An - Thành phố Huế đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Thực trạng này đỏi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc trước khi quá muộn.

Bức tượng cụ Phan đang bị nứt nẻ, sụt lún mỗi ngày


Ngập úng, sụt lún…

Ngôi nhà ở của cụ Phan được trùng tu năm 1997 với mái nhà tranh, cột nhà gỗ, hơn 10 năm nay đã bị mục vỡ, dột nát. Cô Phan Thị Hạnh Châu (là cháu dâu của cụ Phan), người trông nom khu di tích từ năm 1998 đến nay cho hay: “Cứ trời mưa là toàn bộ ngôi nhà bị dột từ nhiều chỗ khiến cho ngôi nhà càng trở nên thấp ẩm, mối mọt. Sợ nhất là các cột trụ trong ngôi nhà cũng đang yếu dần, nếu du khách không để ý va chạm mạnh tôi rất lo nó sẽ nghiêng ngả, đấy là chưa kể gió bão”.

Cạnh ngôi nhà tranh trống trải là nhà lưu niệm truyền thống được xây dựng bằng tiền quyên góp của đồng bào do luật sư Phan Văn Trường đứng ra tổ chức vận động, đến nay cũng dột bên này, thốt bên kia. Số hiện vật, tranh ảnh, tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Phan Bội Châu trong những năm hoạt động cách mạng trong và ngoài nước cũng rất ít. Sát đó là ngôi mộ của cụ Tăng Bạt Hổ và cụ Võ Bá Hạp là những người sát cánh cùng với cụ Phan hoạt động cách mạng.

Ngôi nhà trống trải hiện vật và đang xuống cấp trầm trọng


Bức tượng chân dung của cụ Phan được đúc bằng đồng từ năm 1989 (do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đúc) nặng 9 tấn đến nay hai bên mép và chân cũng đã bị nứt nẻ, bong tróc. Đặc biệt, do mùa mưa hệ thống thoát nước hầu như không hoạt động nên dẫn đến tình trạng sụt lún nền móng. Cô Hạnh Châu nói “2 năm trở lại đây, bức tượng càng ngày càng bị sụt móng nặng thêm nhưng chưa có cách nào khắc phục”. Chúng tôi quan sát thấy, cạnh đó nhà bia tưởng niệm Ấu Triệu (một chiến sỹ hoạt động cách mạng cùng chí hướng với cụ Phan) cũng rêu phong phủ xanh rờn.

Mặc dù được công nhận là di tích quốc gia nhưng khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu đến nay vẫn chưa được nằm trong tour du lịch nào của thành phố, du khách chủ yếu đi theo cá nhân, ai biết thì đến, mùa đông thì rất ít khách mặc dù mở cửa tuần 4 ngày trong tuần (thứ3, 5, 7 và Chủ nhật)

Nằm cách nhà lưu niệm cụ Phan 500 mét, ngược lên đường Điện Biên Phủ là khu bia mộ cụ Phan lập ra năm xưa với mong muốn chôn cất các đồng chí cùng chí hướng. Khu an nghỉ có tổng diện tích gần 500 m2, bao gồm 45 ngôi mộ do ông Lê Văn Thế quản lý (thân sinh ông Thế vốn là người giúp việc của cụ Phan). Quang cảnh khu bia mộ rậm rạp, âm u, cây dại mọc um tùm, cửa chính cổng luôn khóa trái. Theo lời nhiều người dân xung quanh đây thì ai muốn vào thì “dựng xe ở ngoài, đi theo đường mòn bằng cách dỡ bờ rào cây bụi là xong!”. 

Những ngôi mộ chôn ở đây đều là những người “đạt” chuẩn theo “Bia quy ước” mà cụ Phan lập ra. Ngoài cùng là ngôi mộ của cụ Nguyễn Chí Diểu do cụ Phan tự tay chôn cất năm 1939, còn có nhiều mộ của các danh nhân, nhà thơ, liệt sĩ như: nhà thơ Thanh Hai, nữ sĩ Đạm Phương, liệt sỹ Tự Nhiên… Ông Thế cho biết, ông trông nom khu bia mộ cũng đã được mấy chục năm nay, sức đã già tuổi đã cao nên mọi việc dọn dẹp, cắt cỏ, thu gom làm sạch khu bia mộ chủ yếu trông vào con cháu trong nhà nhưng ai cũng bận nên thành thử cả năm có dịp mới làm một lần.

Khu bia mộ um tùm cỏ dại mọc


Những mong mỏi…

Hiện nay, cô Châu được Bảo tàng Lịch sử Thành phố Huế hỗ trợ công trông nom khu di tích với mức lương hàng tháng 200 ngàn đồng. Tuy nhiên với cô Châu “được trông nom, săn sóc phần mộ cụ suốt quãng đời còn lại là tôi mừng và hãnh diện lắm rồi”. Có lần cô tự bỏ tiền túi ra cho các hoạt động “chăm” di tích rồi tiền mua hương khói. Cô tâm sự: “mấy tháng nay mừng lắm vì có các em học sinh hay lui tới dọn dẹp khu di tích”. 

Mong muốn lớn nhất của cô Châu lúc này là có kinh phí và biện pháp trùng tu, sửa chữa khu di tích của cụ Phan, tránh tình trạng người ngoài xâm lấn phần đất khu di tích. “ Năm ngoái cứ ngỡ có kinh phí từ trên xuống sửa chữa, di dời bức tượng của cụ Phan về nơi rộng rãi hơn ai ngờ đùng một cái sở Văn hóa sát nhập với sở Du lịch rồi kinh phí cũng “treo” tới giờ luôn!?” – Cô Châu buồn nói.

Phan Bá Mạnh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN