TTVH Online

Tắc đường, tắc cáp treo Yên Tử

28/11/2008 11:44 GMT+7

Theo thống kê ban đầu, số lượng tăng ni Phật tử, đồng bào đổ về đây trong ngày có số người lên tới 4 – 5 vạn.

(TT&VH) - Hôm qua 27/11 – đường vào Yên Tử và hệ thống cáp treo đi lên chùa Hoa Yên, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành đã tắc nghẽn trong ngày đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày đức vua nhập Niết Bàn.


Đông đảo tăng ni, phật tử cả nước đổ về Yên Tử

Theo thống kê ban đầu, số lượng tăng ni Phật tử, đồng bào đổ về đây trong ngày có số người lên tới 4 – 5 vạn.

Tư tưởng trọng dân

7h30 phút, đoàn xe hoa, lễ rước của tăng ni, Phật tử thập phương, dòng họ Trần Việt Nam và đồng bào bốn phương đã khởi hành từ chùa Trình tiến về quảng trường khai hội Yên Tử. Hai bên đường dẫn vào rợp bóng đạo kỳ.

Hành hương lên chùa Đồng

Sẽ đúc tượng đồng Trần Nhân Tông cao 10m và bảo đỉnh vàng 700 kg

Theo TS Phật học, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, dự án đúc tượng vua Trần Nhân Tông cơ bản đã được Bộ VH,TT&DL cùng Ủy ban tỉnh Quảng Ninh chấp thuận. Hiện đang chuẩn bị nguyên liệu, sẽ tổ chức đúc và hoàn thành trong năm 2009 vì đây sẽ là dịp kỷ niệm 710 năm ngày vua Trần Nhân Tông về núi Yên Tử tu hành.

Dự kiến, tượng vua được làm bằng đồng nguyên chất cao khoảng 10m, nặng trên 100 tấn và được đặt tại núi An Kỳ Sinh do những người thợ Ý Yên, Nam Định thực hiện. Tiêu chí bức tượng là giữ được thần thái của người theo nguyên mẫu là bức tượng  bằng đá quý của vua Trần Nhân Tông đặt trong tháp tổ chùa Hoa Yên (Yên Tử). Theo truyền thuyết, bức tượng này do vua Trần Anh Tông tạc đức vua cha năm 1309 sau khi Phật Hoàng mất. Tuy nhiên, pho tượng lớn lại đặt trên núi nên sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Những điều chỉnh này sẽ do Hội đồng các nhà khoa học, tâm linh tập trung đóng góp ý kiến.

Thượng tọa cũng cho hay, hiện đã có ý tưởng đúc Bảo đỉnh vàng để làm vật ghi dấu sự kiện nhà vua nhập Niết Bàn. Đỉnh sẽ được đúc theo mẫu đỉnh dân tộc, nặng 700 kg, mặt ngoài dát vàng, và được đặt trên bệ đá 5 bậc cao 1,258m (năm sinh của vua), rộng 2,008m (nhân 700 năm), cao 1,308m (năm mất), đường kính 0,750m (tính đến nay ngài 750 tuổi). Bảo đỉnh vàng sẽ được hoàn thành trước ngày khai hội Yên Tử (sau đại lễ 1 tháng).

Ít nhất 40.000 tăng ni, phật tử và khách thập phương đã có mặt tại đây để bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân đối với Vua Đời - Vua Đạo. Trước khi đại lễ chính thức bắt đầu, những người dự lễ đã được thưởng thức vở chèo Trần Anh Tông kế nghiệp và bài múa Lục cúng hoa đăng rực rỡ sắc màu, điệu múa “báu vật của ca trù” được cho là hình thành dưới thời đại nhà Trần.

9h, đại lễ chính thức cử hành với nghi lễ chào cờ và chào đạo kỳ Phật giáo. Tham dự đại lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hoà thượng Thích Thanh Sam.
 
Phát biểu khai mạc đại lễ, Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, vua Trần Nhân Tông là đại diện tiêu biểu cho tinh thần hoà hợp giữa đạo và đời. Người đã phát huy tinh thần đạo Phật xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị đồng thời luôn vun bồi, gìn giữ phật pháp bền vững, xương minh (làm cho hưng thịnh, phát triển rực rỡ), hướng con người đến với những giá trị chân thiện mỹ, khuyến khích những việc làm ích đời, lợi đạo. Ở cương vị đứng đầu đất nước hay nhà tu hành, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đều có những đóng góp to lớn. Đồng thời, việc xuất gia tu đạo của đức vua Trần Nhân Tông cũng làm cho việc chính trị nước nhà trở nên hài hoà, ổn định, nhân dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.

Trong văn tưởng niệm đức, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư Trần Nhân Tông vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc và sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hoà hợp, toàn dân phát huy đạo pháp và dân tộc Việt Nam.




Thiền sư Nhật Bản đánh giá về Phật hoàng Trần Nhân Tông

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày mất của Trần Nhân Tông chính tại vùng đất Yên Tử giàu cổ tích và huyền thoại - nơi Người đã tu hành đắc đạo. “Những Hội nghị Bình Than (1282), Hội nghị Diên Hồng (1285) nổi tiếng đã nói lên tư tưởng trọng dân, tin dân, cố kết nhân dân kiên quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù của người đứng đầu đất nước - một nhân tố cực kỳ quan trọng đảm bảo cho cuộc kháng chiến thắng lợi”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xuất gia tu hành của vua Trần Nhân Tông không chỉ đơn giản là tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Khẳng định chân giá trị tư tưởng hoà hợp, đại đoàn kết dân tộc của đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Chủ tịch tin tưởng rằng thế hệ hôm nay sẽ tiếp nối và phát huy tư tưởng đó với tinh thần hộ quốc an dân để xác lập nên một vị thế mới cho đất nước.




Tắc nghẽn các ngả đường hành hương

Đại lễ tưởng niệm được kết thúc bằng lễ dâng hương tưởng niệm đức vua và niệm hương cầu nguyện quốc thái dân an. 700 quả bóng bay và 700 chim bồ câu được thả lên trời mang theo ước nguyện hoà bình của nhân dân và tăng ni, phật tử Việt Nam nối nhau bay cao hơn, xa hơn.

Hoà thượng Yoshimizu Daichi (Nhật Bản) cho rằng: Phật Hoàng là Người duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã sáng lập ra dòng Phật giáo thuần nhất mang đậm bản sắc Phật giáo Việt. Ngài quả là một người đặc biệt trong giới Phật giáo vì trước khi xuất gia đã từng là một vị vua rất giỏi giang, nhưng đã không tiếc vinh hoa phú quý để sống đời đạo hạnh.

Sau Đại lễ tưởng niệm Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ đề nghị tổ chức Ngày mất của ông (1/11/1308) vào hàng năm như Quốc giỗ của Phật giáo và đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng trình lên UNESCO đề nghị công nhận Trần Nhân Tông là "Danh nhân văn hoá thế giới".



Từ đêm trước (26/11) do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời đã nổi gió rất mạnh ở Yên Tử. Khách hành hương ngủ đêm tại chùa Hoa Yên lại cho rằng, các vị liệt tổ liệt tông đã “đằng vân giá vũ” về đây trong ngày vui trọng đại này. Thậm chí có người còn cho rằng, Phật Hoàng đã hiển lộ con ngươi của mình trên bức tượng cổ. Gió mạnh đã khiến hai hệ thống cáp treo lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng không thể vận hành được, ngưng cho tới khoảng 10h30 sáng.

Hàng vạn khách hàng hương đã chọn cách đi truyền thống của hàng trăm năm trước lên Hoa Yên và chùa Đồng là đi bộ. Có lẽ đã lâu lắm rồi Yên Tử, khoảng 8 – 9 năm sau ngày có cáp treo, mới được chứng kiến dòng người vận sắc phục nâu sồng vừa đi vừa niệm Phật, chống gậy, tay cầm sẵn hương hoa để lên nơi đức vua tu hành. Buổi chiều, hệ thống cáp treo đã quá tải do lượng người chờ đợi quá đông, Đoạn đường trước chùa Lân tắc nghẽn trong suốt cả ngày vì khách hành hương bốn phía đổ về.


Dòng Phật giáo thuần nhất mang đậm bản sắc Phật giáo Việt Nam

Nếu như ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ hoàng cung xuất gia, sáng lập đạo Phật, thì cách đây hơn 700 năm, đức vua Trần Nhân Tông đã bỏ ngôi vị Thái Thượng Hoàng, vào núi Yên Tử tu Hạnh Đầu Đà, sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, một dòng thiền mang tư tưởng nhập thế, vì lợi ích an lạc cho dân Việt Nam. Ảnh hưởng của dòng thiền này vô cùng sâu rộng, cho đến nay Phật giáo Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng đó.

Nếu như ở Trung Quốc có Lâm Tế Thiền, Tào Động Thiền, Hồng Châu Thiền… với những đặc thù của Nông Thiền, Quan Thiền, Sĩ Đại Phu Thiền, tức thiền cho những người nông dân, giới quan chức, giới trí thức vừa làm việc vừa tu Thiền, thì ở Việt Nam ngoài 3 đặc thù trên lại xuất hiện một loại Thiền đặc biệt, đó là Trúc Lâm thiền với đặc thù: Đế vương thiền – dòng thiền mang tính bao dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các nền văn hóa, tư tưởng đương thời để hình thành một tư tưởng mới của dân tộc Đại Việt, mà Trần Nhân Tông là người đại diện. Hạt nhân cơ bản của lý luận thiền này là chữ Tâm. Chữ Tâm với nghĩa “Tâm tùy duyên”, “Tâm tùy tục”, “Tâm thiên hạ”, “Tâm vẳng lặng mà biết”… do chính Thiền sư Thường Chiếu, Đạo Viên và vua Trần Nhân Tông đưa ra. Chữ Tâm này vượt rất xa so với định nghĩa thông thường của Triết học Thiền Tông, nghĩa là tâm cứu độ chúng sinh, tâm giải phóng dân tộc, tâm hòa nhập cộng đồng. Nếu đem tâm này để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì sẽ trở thành tâm của một vị Hoàng đế, vì Đạo pháp, vì dân tộc. Các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Pháp Loa, Huyền Quang cùng các vị đế vương Triều Lý là những hành giả của Thiền phái này. Các vị Thường Chiếu Thiền Sư, Đạo Viên Quốc Sư, vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông.v.v. vừa là hành giả vừa là những người sáng lập ra Thiền phái kể trên.

Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ 3 triều Trần, sinh năm Mậu Ngọ (1258), 21 tuổi lên ngôi Hoàng Đế, đã hai lần trực tiếp cầm quân đánh tan xâm lược Nguyên Mông, năm 35 tuổi lên làm Thái Thượng Hoàng, năm 41 tuổi chính thức xuất gia tu hành tại chùa Hoa Yên – Yên Tử, lấy đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, về sau đổi là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, thừa kế Huệ Tuệ Thiền sư làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử. Từ đó thành danh và uy lực của Sơn Môn Yên Tử ngày càng lớn mạnh. Nhân Tông đổi tên Sơn môn Yên Tử thành Trúc Lâm Thiền Phái, tự mình làm Đệ nhất Tổ, với mục đích quy tụ ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc hướng về một thế giới tâm linh thuần thiện, thuần mỹ, từ đó hóa thành tinh thần đoàn kết mang tính tổng hợp của cả dân tộc Đại Việt. Tinh thần này được thăng hoa và làm kim chỉ nam, làm xương sống cho cả dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn để có được một quốc gia độc lập, dân tộc được tự do, hạnh phúc.

Giờ Tý ngày 01/11/1308 (Mậu Thân), sau khi căn dặn các đệ tử, Trần Nhân Tông nằm theo thế Sư tử nằm, lặng lẽ thị tịch, và Người được dân tộc tôn vinh là Phật Hoàng, Vua Đời – Vua Đạo.

(Theo Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh)


Nhóm phóng viên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN