TTVH Online

“Ngôi sao pop thế giới đầu tiên của Trung Quốc”

02/12/2008 08:40 GMT+7

Ở quê hương Trung Quốc, từ lâu cô đã là một ngôi sao. Mới đây Sa Ding Ding, 25 tuổi, đến với Châu Âu bằng một chuyến lưu diễn và ngay lập tức chinh phục được lục địa này.

(TT&VH Cuối tuần) - Ở quê hương Trung Quốc, từ lâu cô đã là một ngôi sao. Mới đây Sa Ding Ding, 25 tuổi, đến với Châu Âu bằng một chuyến lưu diễn và ngay lập tức chinh phục được lục địa này.

Sau chuyến lưu diễn vừa kết thúc tuần trước của Sa Ding Ding (qua Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hà Lan và Đức), báo chí châu Âu đã ca ngợi nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ đến từ Trung Quốc này không tiếc lời, thậm chí có vẻ hơi “quá mức”.

Tờ Sonntag (Thụy Sĩ) không ngại ngần gọi Sa Ding Ding là “Báu vật lớn nhất Trung Quốc”. Tờ Sueddeutsche (Đức) phong ngay cho cô là “Nữ hoàng Trung Hoa”. Tờ Guardian (Anh) đánh giá cô là “nhạc sĩ sáng tác ca khúc Trung Quốc đầu tiên nổi tiếng ở phương Tây”. Còn tờ Terra Espaca (Tây Ban Nha) quả quyết Sa Ding Ding là “ca sĩ pop đầu tiên của Trung Quốc trở thành ngôi sao thế giới”.
 
Thật ra Sa Ding Ding đã trở thành một hiện tượng âm nhạc thế giới kể từ hồi tháng 4/2008, khi Đài BBC trao giải World Music (khu vực châu Á - Thái Bình Dương) cho đĩa Alive của cô, một album mà riêng ở khu vực châu Á đã bán được 2 triệu bản. Khi đó, tờ Times (Anh) đã mệnh danh Sa Ding Ding là “Bjork của châu Á”.
 
Nguyên nhân thành công
 
Theo tờ Sonntag (Thụy Sĩ), Sa Ding Ding thành công trước hết là vì cô đã biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa âm nhạc dân gian đầy vẻ bí ẩn của phương Đông và âm thanh điện tử mạnh mẽ, hiện đại của phương Tây. Đó là điều dường như người ta không thấy ở các nhóm nhạc rock hay pop ra đời nhan nhản trong thời gian qua ở Thượng Hải hay Bắc Kinh. Các nhóm này chỉ đua nhau “bắt chước” những đồng nghiệp phương Tây. Sa Ding Ding đã tìm ra được đường đi riêng của mình: Trở về với cội nguồn văn hóa qua những làn điệu dân ca và các nhạc cụ cổ truyền (Sa Ding Ding chơi được nhiều nhạc cụ truyền thống), cô có thể bộc lộ những rung động trong sâu thẳm tâm hồn phương Đông của mình. Đồng thời với những tiết tấu và âm thanh điện tử, Sa Ding Ding lại phả được hơi thở cuộc sống hiện đại vào âm nhạc của một người sáng tác trẻ trong “thế giới phẳng” hiện nay.

Những giai điệu cổ xưa đầy huyền bí hàng nghìn năm tuổi của Phật giáo, Lạt Ma giáo hay Ấn Độ giáo đã được Sa Ding Ding làm sống dậy với sức mạnh của nhạc hiện đại. Một yếu tố khác khiến âm nhạc của Sa Ding Ding giàu sức lôi cuốn là cô đã “biểu cảm hóa” tiếng hát của mình. Sa Ding Ding hát bằng tiếng Phạn cổ, tiếng Tây Tạng, tiếng Lagu (thứ thổ ngữ Nội Mông gần như sắp biến mất) hoặc bằng một “ngôn ngữ” do cô tự tạo ra. Có nghĩa là người nghe không cần hiểu lời bài hát. Tiếng ca trong các nhạc phẩm của Sa Ding Ding chỉ là những âm thanh biểu đạt cảm xúc sâu lắng không thể diễn đạt bằng lời của cô.
 
Sự kết hợp giữa Đông và Tây trong âm nhạc thật ra không mới, bởi đã có khá nhiều người thử nghiệm. Nhưng không phải nhạc sĩ nào cũng có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn, mới lạ và sáng tạo như Sa Ding Ding. Đó chính là lý do vì sao âm nhạc của cô không chỉ thân thuộc với công chúng phương Đông, mà còn chinh phục được cả giới mộ điệu ở phương Tây.
 
Tất nhiên cũng có nhà phê bình châu Âu cho rằng nhạc của Sa Ding Ding chỉ là một thứ “nhạc sến vị chủng” (ethno-music), nhưng tạp chí Weltwoche (Thụy Sĩ) đã phải viết: “Chúng ta (chỉ phương Tây) và Trung Quốc bán hàng hóa cho nhau, cùng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính, thế nhưng chúng ta hiểu về Trung Quốc ít hơn nhiều so với họ hiểu về chúng ta. Với âm nhạc của mình, Sa Ding Ding đã tạo ra được một chiếc cầu nối”.
 
“Tôi muốn gây ảnh hưởng tới văn hóa pop”
 
 Sa Ding Ding sinh năm 1983 trong một gia đình đa văn hóa: Cha cô là một người Hán hiện đang làm việc cho chính phủ, còn mẹ cô là bác sĩ người thiểu số Mông Cổ. Khi Sa Ding Ding còn nhỏ, cha mẹ cô đi khắp Trung Quốc kiếm việc làm, để con gái sống một cuộc sống du mục với bà ngoại và đàn cừu, lang bạt từ đồng cỏ này này đến đồng cỏ khác ở Nội Mông. Sau này, nhạc của cô đầy sự mênh mang thảo nguyên, sự vô định về thời gian và không gian.
 
Năm 6 tuổi, Sa Ding Ding theo cha mẹ tới tỉnh Sơn Đông, rồi Tứ Xuyên. Từ khi Sa Ding Ding 17 tuổi đến nay, cả gia đình cô sống ở Bắc Kinh. Cuộc sống nay đây mai đó ấy đã khiến Sa Ding Ding mê say các ngôn ngữ, âm nhạc và trang phục cổ. Cô bắt đầu quan tâm tới Phật giáo, tự học tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn. Nhờ nổi danh về ca múa ở trường trung học của mình, nên cô đã được một nhà sản xuất khuyên nên đi dự cuộc thi âm nhạc do Đài Truyền hình Trung ương tổ chức và đã đoạt giải Nữ ca sĩ nhạc nhẹ hay nhất Trung Quốc. Sau đó, Sa Ding Ding bắt đầu tự sáng tác ca khúc và ngay từ hồi ấy, cô đã tìm cách pha trộn những lời ca như đồng dao trên giai điệu réo rắt của cây đàn nhị với các âm thanh, tiết tấu điện tử.
 
Năm 18 tuổi, với album đầu tay Dong Ba La, cô nhanh chóng nổi tiếng khắp Trung Quốc. “Tôi muốn thể hiện những kho báu văn hóa Trung Quốc theo cách hiện đại. Tôi muốn gây ảnh hưởng tới văn hóa pop, chứ không để nó ảnh hưởng tới mình”, Sa Ding Ding nói, “Tôi muốn làm sống dậy thời cổ xưa cho giới trẻ qua âm nhạc”.
 
Sa Ding Ding nói về mình
 
 * Nơi sống thời bé: Thuở nhỏ, tôi sống một cuộc sống du mục cùng bà ngoại. Mùa Xuân, chúng tôi sống trong một cái lều trên thảo nguyên ở Nội Mông. Mùa Đông, chúng tôi sống trong một căn nhà ở thị trấn Xilinhot, cách Bắc Kinh khoảng 650km về phía Bắc. Năm 6 tuổi, tôi về sống cùng cha mẹ.
 
* Ước mơ thời ấu thơ: Tôi muốn trở thành ca sĩ. Một ngày nọ, khi thấy tôi ký lên một mảnh giấy, mẹ hỏi: “Con làm gì vậy?”. Tôi đáp: “Con ký tặng cho fan của mình”. Hồi ấy tôi 10 tuổi và dĩ nhiên chưa định nghĩa được “fan” là gì, tôi chỉ biết mình là một fan của Michael Jackson.

* Nguồn cảm hứng lớn nhất: Tôi vào trường nhạc và học được triết lý của nghệ thuật. Âm nhạc là tự do và sự thanh thản. Triết lý ở đằng sau nó giúp tôi thể hiện cảm xúc. Đối với tôi, thế giới là âm nhạc và âm nhạc tạo ra sự tưởng tượng. Cô đơn là cách tốt nhất để tôi sáng tạo.
 
* Mỗi khi nhìn vào gương: Tôi thấy một người rất trung thực và đáng tin cậy, sự phản chiếu từ việc tôi là ai và làm gì. Công trình kiến trúc ưa thích nhất: Tôi thích cung Potala ở Lhasa, Tây Tạng, nơi sinh sống của các Dalai Lama.
 
*Bộ phim ưa thích nhất: Babel do Alejandro Gonzalez Inarritu đạo diễn năm 2006, trong đó có sự tham gia diễn xuất của Brad Pitt và Cate Blanchett.
 
* Một cuốn sách đã làm thay đổi bản thân: A Brief History Of Time của Stephen Hawking.
 
* Album mới mua gần đây nhất: We Are The Night của The Chemical Brothers, không chỉ vì thứ âm nhạc đầy sáng tạo, mà còn bởi khả năng kiểm soát công nghệ và âm thanh điện tử của họ là nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sĩ.
 
* Tác phẩm nghệ thuật ưa thích nhất: Đó là những bức tượng được tạc vào núi đá ở miền Đông Trung Quốc, vì quy mô đồ sộ của chúng.
 
* Điều bí mật lớn nhất của bản thân: Thực sự chẳng có gì tôi phải giữ bí mật. Cha mẹ đã dạy tôi làm cách nào để đưa ra được những quyết định đúng đắn, vì thế không có gì tôi làm mà thiếu sự cân nhắc kỹ càng.
 
* Về âm nhạc của mình: Tôi muốn thể hiện hết xúc cảm của bản thân. Vì thế tôi kết hợp nhạc cổ với nhạc hiện đại. Càng mở rộng sự kết hợp này, bức tranh của các cảm xúc mà tôi muốn thể hiện càng trở nên giàu màu sắc. Ngay cả khi người nghe, nhất là các thính giả nước ngoài, không hiểu lời bài hát thì họ cũng cảm nhận được cảm xúc của tôi.

Phan Đức


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN