TTVH Online

Gặp người ngâm bài thơ Núi Đôi hay nhất

17/11/2008 17:01 GMT+7

Cô giáo Lê Thị Thức – người từng được chính nhà thơ Vũ Cao khen ngợi là người ngâm bài thơ Núi Đôi hay hơn bất kì nghệ sĩ nào ông đã từng nghe.

(TT&VH) - “Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng…”- những câu thơ của Vũ Cao về một tình yêu bất tử đã vượt qua không gian và thời gian để đằm sâu trong tâm trí bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ dù họ mới có những cảm giác rung động đầu đời hay đã đi qua mọi cung bậc của tình cảm lứa đôi. Về đất thăm quê hương của người con trai, con gái đã đi vào thơ ca ấy (Phù Linh-Sóc Sơn-Hà Nội), chúng tôi rất bất ngờ khi gặp cô giáo Lê Thị Thức - người từng được chính nhà thơ Vũ Cao khen ngợi là người ngâm bài thơ Núi Đôi hay hơn bất kì nghệ sĩ nào ông đã từng nghe.

Rung động từ chính trái tim mình
 
 Cô giáo Lê Thị Thức tại Núi Đôi
Cô giáo Lê Thị Thức (trường THCS Phù Linh) sinh ra ngay trên chính trên mảnh đất Phù Linh, nơi đã đi vào Núi Đôi với câu: Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo/ Em còn trẻ lắm nhất làng trong… Ngay từ ngày còn bé, cô đã có năng khiếu về văn nghệ, đặc biệt cô có một chất giọng ngâm thơ mượt mà, đầy cảm xúc. Người dân nơi đây ai ai cũng truyền tụng câu chuyện người nữ du kích Trần Thị Bắc, người con trung kiên của Sóc Sơn đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp để cứu đồng đội và gìn giữ sự bình yên cho quê hương. Từ câu chuyện này, nhà thơ Vũ Cao đã viết nên bài thơ Núi Đôi nổi tiếng. Bởi vậy, cô đặc biệt yêu thích bài thơ này.

Năm 1975, khi vừa tròn 17 tuổi, đúng với cái tuổi của cô du kích trong bài Núi Đôi, cô Thức đã hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ ở địa phương. Một lần các bạn học sinh miền Nam học ở Vĩnh Yên lên thăm Núi Đôi, cô đã ngâm bài thơ này cho các bạn nghe – cho dù lúc đó chưa biết nhiều về nhà thơ Vũ Cao cũng như chưa hề được gặp mặt tác giả. 16 khổ thơ dài tương ứng với 84 câu qua sự thể hiện của cô như có hồn khiến các bạn học sinh miền Nam đều khóc thương cho sự hy sinh mất mát của những đôi lứa trong chiến tranh và tình yêu cao cả, vĩ đại của họ.

Kể từ ngày đó, mỗi cuộc hội nghị, hội diễn ở địa phương cô Thức đều được mời đến để ngâm bài thơ nổi tiếng này. Trong tất cả những lần đó, cô đã thể hiện bài thơ bằng tình cảm chân thành và sự rung động từ chính trái tim mình. Nhất là trong những lễ kỉ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ, nhìn những bà mẹ, những người vợ có chồng để lại thân thể mình ở chiến trường đều xúc động nghẹn ngào khiến cô thấy mình như được động viên, chia sẻ.

Ngâm Núi Đôi cho chính tác giả bài thơ

Nhưng kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ nhất đối với cô chính là lần được mời đến ngâm bài thơ Núi Đôi cho chính nhà thơ Vũ Cao nghe trong một lần ông về thăm huyện Sóc Sơn. Nhà thơ đã rất xúc động khi nghe cô trình bày và ngay sau khi cô chấm dứt câu cuối cùng, ông tâm sự đại ý là ông đã từng được nghe nhiều nghệ sĩ ngâm bài thơ này ở những thời điểm khác nhau nhưng chưa thấy ai thể hiện một cách sâu lắng kì lạ đến vậy.
 Bót Núi Đôi
Tuy nhiên, khi nhà thơ Vũ Cao bảo cô rằng: Cháu còn ngâm sai nhiều từ trong bài thơ, cô Thức cũng đã thành thật thưa lại với nhà thơ rằng, cô chưa bao giờ được tiếp xúc với văn bản bài thơ mà chỉ thuộc theo con đường truyền miệng mà thôi. Cô nói xong, nhà thơ Vũ Cao lặng đi, ông không ngờ một người ngâm bài thơ hay đến vậy mà lại chưa một lần có điều kiện tiếp xúc với văn bản bài thơ. Ngay sau đó, ông đã gửi tặng cô tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội có đăng bài thơ Núi Đôi của ông. Và, cô đã xem nó như là một món quà thật đặc biệt - một kỷ vật của nhà thơ...

Cũng có thể vì tìm được sự đồng cảm thực sự mà sau này, cô Lê Thị Thức và gia đình đã nhiều lần được gặp riêng nhà thơ, có lần thì Vũ Cao về Sóc Sơn rồi đến thăm gia đình cô và cùng cô đến thắp hương cho liệt sĩ Trần Thị Bắc; có lần thì gia đình cô về thăm ông tại nhà riêng ở phố Hoàng Hoa Thám. Đến nay, dù nhà thơ Vũ Cao đã đi xa nhưng những kỉ niệm về ông vẫn chưa thể phai nhòa trong tâm trí cô.

*

Giờ đây, đã hơn 50 tuổi với cháu nội, cháu ngoại vui vầy và cũng đã trải qua mấy chục năm trong nghề nhưng cô giáo Lê Thị Thức vẫn mang một bầu nhiệt huyết với nghề và với những vần thơ mượt mà, sâu lắng. Trong mỗi giờ dạy của mình, cô vẫn ngâm những bài thơ trong sách giáo khoa để mang đến cho học sinh một sự tiếp cận mới với bài giảng, đồng thời qua đó truyền tình yêu quê hương đất nước, yêu văn học cho các em.
 Tấm bảng của các bạn trẻ

Cần gắn bảng di tích cho Núi Đôi

Nhắc tới hai chữ “Núi Đôi” nhiều người Việt Nam thường nhớ ngay tới bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Cao. Bài thơ dài, gắn với cuộc đời của liệt sĩ Trần Thị Bắc (sinh năm 1932, tại thôn Xuân Dục Đoài, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội). Ngọn núi huyền thoại này nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Núi Đôi gồm 2 ngọn núi với những cây thông xanh rì, làm tôi nhớ tới những đồi thông xứ cao nguyên Đà Lạt . Bám vào những cây thông xù xì, chúng tôi trèo qua những ụ đất để lên đỉnh núi. Tại đây hiện vẫn còn nhiều lô cốt, tháp canh, hầm hố khá kiên cố mà thực dân Pháp đã dựng lên hồi những năm 50 của thế kỷ trước . Thời gian chảy trôi, hiện nhưng lô cốt của một thời máu lửa rêu đã phủ, cỏ đã mọc xanh rì. Vẻ hoang tàn đã hiện hữu. Thậm chí sự xuống cấp và mất vệ sinh đã bắt đầu xuất hiện quanh những lô cốt này.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn, là quanh khu vực này không thấy hiện hữu một tấm bảng (biển) mang tính thông báo đây là chính là Núi Đôi. Lại càng không thấy bất cứ thông tin gì về lịch sử của khu di tích này. Tìm kiếm mãi, chúng tôi bắt gặp một tấm biển viết rất vội vàng của mấy bạn trẻ trong chương trình truyền hình Hành trình kết nối những trái tim. Có lẽ, cũng “khám phá” ra rằng khu vực này chưa hề có tấm biển nào nên các bạn trẻ đã rủ nhau viết ra tâm bảng gỗ này. Họ có tấm lòng, nhưng trong trường hợp này tấm lòng thôi chưa đủ. Đối với một địa danh như Núi Đôi, thiết nghĩ cần có một tấm biển trang trọng và đúng với tầm vóc của khu di tích này .

Hương Thy

 
Bài và ảnh: Hoàng Thu Phố
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN