TTVH Online

Người ta làm gì trên sân khấu ?

19/11/2008 05:00 GMT+7

Rất nhiều fan ruột của Céline đã sửng sốt thốt lên: "Tại sao lại phải làm quá như thế? Đâu có cần lộng lẫy như vậy? Chúng tôi tới đây để nghe Céline hát thôi mà, ..."

(TT&VH Cuối tuần) - Trong phóng sự đặc biệt kèm theo ấn bản đặc biệt DVD A new day…, tức đĩa hình ghi lại show diễn đã làm thay đổi cả kinh đô giải trí Las Vegas, tạo ra các chuẩn mực mới về sân khấu live show, ca sĩ Céline Dion – nhân vật chính của show này - kể rằng ngay sau đêm công diễn, các chuyên viên của chương trình đã trà trộn vào giữa khán giả ở tiền sảnh để nghe các nhận xét của họ về những gì vừa diễn ra. Rất nhiều fan ruột của Céline đã sửng sốt thốt lên: “Tại sao lại phải làm quá như thế? Đâu có cần lộng lẫy như vậy? Chúng tôi tới đây để nghe Céline hát thôi mà, với chúng tôi thế là đủ rồi!”

Người ta đã làm những gì trên sân khấu?
 
 Celine Dion trong liveshow
A New Day
Nhưng nếu xem tiếp các phóng sự khác trong bộ đĩa được thực hiện rất công phu này, thì sẽ thấy chính những người “đủ rồi” đó lại thuộc hàng… chăm chỉ đi Las Vegas xem A new day… nhất. Có người đã đi xem tới… 85 lần, toàn mua vé hạng nhất. Cái bóng của A new day…còn phủ tới tận sân khấu Duyên dáng Việt Nam 19 tại Nhà hát Hoà Bình hồi đầu năm 2008, vài tuần sau khi show diễn tại Las Vegas chấm dứt và đĩa DVD đã được phát hành, giúp nhiều người không cần đến Mỹ vẫn thấy bóng dáng show diễn Céline ở… Sài Gòn.
 
Dẫn A new day… ra để mở đầu cho bài viết này - một bài không dài mà phải thâu tóm sự tiến hóa của công nghệ tổ chức biểu diễn quốc tế và so sánh với “hiện trạng” ở Việt Nam - có thể coi là cách so sánh theo kiểu đưa cái cao nhất ra so với cái chắc là không thấp nhất nhưng luôn ở trong tình trạng lẹt đẹt, một lý do khác, Céline là cái tên vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam, ảnh hưởng đến rất nhiều ca sĩ Việt. Tất nhiên, cũng có người không thích show diễn đó (vì cho rằng lòe loẹt phô trương), hoặc thích đến mức nghẹn ngào như có ca sĩ (Hồ Quỳnh Hương) lên báo kể rằng đi xem mà nước mắt giàn dụa vì… tủi thân. Nhưng qua trường hợp show diễn của những kỷ lục này, chúng ta thấy công nghệ tổ chức biểu diễn tầm quốc tế đã tiến xa đến mức nào rồi, phải nói là… rất xa. Khi ở Việt Nam đến giờ vẫn còn những tranh cãi tầm phào kiểu live show để nghe hay để xem, thì ở… ngoài kia, mối quan tâm lớn nhất là làm sao cho hay, cả “xem” lẫn “nghe”. “Hay” ở đây tức là đòi hỏi những sáng tạo luôn mới mẻ và đủ sức gây bất ngờ với khán giả mà đa số trong đó có trình độ hiểu biết, nền tảng văn hóa cao, dễ dàng bắt vở, bóc mẽ những sao chép lộ liễu, những trò trưng trổ tầm thường.
 
 
Vẫn trường hợp Céline Dion, ngay sau show diễn kéo dài gần 5 năm tại một nhà hát được xây dành riêng, đã tiếp tục ngay một tour diễn vòng quanh thế giới, và một nhân vật được ưa chuộng hàng đầu trong giới đạo diễn, dàn dựng chương trình biểu diễn đã được “trưng dụng”: Jamie King (khán giả Việt Nam chắc còn nhớ anh này, nhất là từ show diễn của Rain tại Sân vận động Quân khu 7). Jamie King đã thiết kế 3 chương trình khác nhau cho cùng một tour Taking Chances của Céline Dion, mỗi chương trình có đặc trưng riêng từ sân khấu, phục trang, vũ đạo, danh mục bài hát… để thích hợp với các quy mô sân khấu khác nhau, từng thị trường âm nhạc khác nhau. Nói cách khác, mọi việc đã được sắp xếp vô cùng chặt chẽ từ “ở nhà”, để hành trình một năm của tour diễn đó diễn ra suôn sẻ, cái nào vào đúng trật tự cái đó.
 Barbra Streisand
“Cái nào vào cái đó” là phương châm phổ biến của các đạo diễn sân khấu ca nhạc quốc tế. Vì thế, chúng ta sẽ thấy bên cạnh những show diễn choáng ngợp về quy mô dàn dựng, về kỹ xảo và sự phô trương kỹ thuật thì cũng có những live show tạo cho người xem cảm giác rất giản dị, có sự giản dị mang màu sắc sang trọng, nhưng cũng có những trường hợp giản đơn bỗ bã thân mật. Có hai điều quan trọng trong phương châm này: Thứ nhất, đạo diễn tài năng phải tự sáng tạo ra tất cả những điều mới mẻ phục vụ ý tưởng của mình và yêu cầu của nghệ sĩ chứ không phải cóp chỗ này, nhặt chỗ kia một tí; thứ hai, không phải lúc nào sự trưng trổ khoa trương cũng cần thiết, người ta nói tới sự “lạm dụng” chính là trong trường hợp này. Một sự đơn giản nhưng thích hợp với bài hát, với ca sĩ, với thời điểm trên sân khấu đáng được ca ngợi hơn một cú khoe mẽ lạc loài.
 
Những live show của Madonna thì bao giờ cũng lộng lẫy choáng ngợp với nhiều ý tưởng kết hợp điện ảnh - tour đang diễn ra của cô quảng bá cho album Hard Candy là một cuộc kết hợp kỳ thú của các phong cách âm nhạc hoang dã với hiện đại, của điện ảnh hồi cố với kỹ xảo tân kỳ. Ở Pháp, địa vị nữ hoàng sàn diễn (và bán đĩa nhiều nhất ở đây, hơn bất kỳ ca sĩ nào) là Mylène Farmer đã vài lần làm choáng váng cả những giám đốc sáng tạo tài năng nhất khi thực hiện những kỹ xảo sân khấu tưởng như bất khả - chẳng hạn làm một màn hình bằng nước, và tạo hình, tạo chữ bằng chính các dòng chảy, giọt nước từ trên xuống (chứ không phải kiểu chiếu hình như sân khấu nhạc nước), thực sự rất khó mô tả bằng chữ, người quan tâm có thể tìm DVD Mylène Farmer - Live à Bercy 2006 để thấy công nghệ dàn dựng biểu diễn, về khía cạnh kỹ thuật hỗ trợ đã tiến hóa đến mức nào.
 
Tất nhiên công nghệ cao thì đòi hỏi tiền cũng… nhiều. Céline Dion có được màn hình LED trong nhà lớn nhất thế giới để thoải mái diễn trong những khung cảnh thần thiên tạo ra bằng hình ảnh 3D, nhiều lúc giống y như thật. Nhưng để được thế thì đã có 10 triệu đô-la được chi ra để lắp riêng cái màn hình đó (chưa tính tiền làm ra các hình ảnh để chiếu trên đó). Nhưng cũng có những show rất… đầm ấm, rất truyền thống mà giá vé bán ra cao gấp nhiều lần các show “tân kỳ” kia, chẳng hạn, để xem Barbra Streisand diễn, sân khấu thường bài trí rất tiết kiệm, người xem có khi phải trả từ 700 đến 2500 USD cho một chỗ ngồi tốt. Ngoài các chương trình opera thượng thặng, làm gì có ca sĩ nhạc pop nào bán được vé giá cao như thế!
 Mylene Farmer
Vậy tóm lại, cầu kỳ như thế để…làm gì?
Trả lời cho câu hỏi làm live show để làm gì, vào thời kỳ đầu của công nghệ live show ở Việt Nam, các ca sĩ thường chọn lý do là đánh dấu mốc hoạt động nghệ thuật, sau này có thêm lý do quảng bá album mới, không thấy ai nói đến khía cạnh kinh doanh thương mại, trong khi đó là một trong những “chức năng” quan trọng của lĩnh vực biểu diễn sân khấu. Show thương mại nổi tiếng nhất đã được nhắc đến ở trên, là A new day…, thuần túy bán vé thu lợi nhuận, không kèm theo việc quảng bá một album nào hết, tuy thỉnh thoảng Céline Dion có hát vài bài trong các album phát hành trùng thời gian cô biểu diễn ở Las Vegas. Barbra Streisand nhiều năm không có album mới, nhưng tour diễn mới đây diễn ra trong 2 năm 2006 – 2007 cũng chỉ để bán vé và tranh thủ có thêm đĩa ghi âm live.
 
Đến đây, thấy thêm một khả năng thu lợi nữa của live show là đĩa ghi âm trực tiếp show diễn (live album). Với các nghệ sĩ lớn, nhu cầu của công chúng được nghe họ hát live cũng cao không kém sở thích nghe album trong studio, vì thế, dù có khi danh mục bài hát có khi chẳng khác nhau bao nhiêu, các album live vẫn bán ầm ầm. Các fan ruột còn săn tìm những đĩa live này ráo riết vì thường ca sĩ vẫn hay cho vào đó vài bài hát chưa từng ghi âm ở đâu hay những bản cover độc đáo.

Nhưng lý do phổ biến nhất cho một live show quốc tế vẫn là để quảng bá album mới. Đây là trường hợp nhất cử lưỡng tiện, vừa có show thương mại bán vé - với những tên tuổi lớn, lợi nhuận thường rất cao, vừa giới thiệu - nhân đó bán luôn - các đĩa mới ra lò, mà bán ở đây là bán thực sự, bán rất nhiều chứ không phải theo kiểu nhân thể thì bày một quầy như thường thấy ở một số liveshow trong nhà ở Việt Nam. Các ca sĩ quốc tế họ khôn lõi ra, ngoài cái album mới phát hành mà ai cũng có thể mua được, họ vẫn thường bán các ấn bản chỉ phát hành tại các liveshow, thường là thêm vài bài hát hay thêm quà tặng, hay cũng có khi làm nguyên một album mới chỉ bán cho khách đi xem live show, không có bất kỳ chỗ nào khác (Sarah Brightman đã làm như thế với đĩa Fly II, chỉ bán trong tour Harem).

Vậy là dù với mục đích nào thì yếu tố kinh doanh, thương mại vẫn bao trùm lên các live show. “Thương mại” ở đây không phải nói về khái niệm “thương mại hóa” lấn át nghệ thuật, mà đơn giản live show là một lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật, nghệ sĩ và nhà sản xuất cũng cần phải thu hồi vốn, có lãi để tiếp tục làm các show khác mà thỏa mãn quần chúng bỏ tiền mua vé. Mà để kéo được người ra đến xem, rút ví ra mua vé, thì show phải hay, phải hấp dẫn theo các chuẩn mực mà người xem đã… thuộc lòng, đừng hòng lừa họ. Điều này khác với ở Việt Nam, khi mà phần lớn live show vẫn luôn được xác định trước là sẽ… lỗ, và mọi người cứ yên tâm làm để được lỗ vì nhắm tới mục tiêu đánh bóng hình ảnh ca sĩ nhiều hơn. Sự đánh bóng đương nhiên là cần thiết, ai phản ứng lại chỉ thuần túy dị ứng từ ngữ chứ bản chất sự việc là không khác nhau. Sau khi đánh bóng rồi thì hy vọng tên tuổi sẽ sáng hơn, sẽ bán được đĩa mới, sẽ có nhiều show để chạy, để có tiền rồi lại… làm show để lỗ. Công nghệ kiểu này ngày trước ở thế giới họ còn dùng để lăng-xê ca sĩ mới, nhưng giờ thì tình hình kinh tế xuống dốc, không ai mạo hiểm thế nữa, bởi không có gì đảm bảo một show thất bại về doanh thu - tức là không được nhiều khán giả ủng hộ - lại có thể giúp ca sĩ chính của show đó trở thành ngôi sao được hâm mộ. Trừ trường hợp trở thành ngôi sao trên báo chí, vào mỗi live show, như ở Việt Nam.

Nguyễn Minh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN