TTVH Online

Bài cuối: Toàn cảnh về các khu nghỉ trên núi thời Pháp

03/11/2008 10:18 GMT+7

Để cái nhìn toàn cảnh về các khu nghỉ trên núi ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung, chúng tôi xin giới thiệu tóm lược bài viết của Chánh Sở Quy hoạch Đô thị và...

(TT&VH) - Trong 5 bài vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu khái lược về quá trình hình thành cũng như hiện trạng của một số khu nghỉ trên núi nổi tiếng thời Pháp thuộc như Ba Vì, Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo. Để có một cái nhìn toàn cảnh về các khu nghỉ trên núi ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung, chúng tôi xin giới thiệu tóm lược bài viết của Chánh Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương CERUTTI trên Tạp chí Đông Dương, số 164-165, ngày 28-10-1943.
 
>>Bài 4: Tam Đảo - hòn ngọc Đông Dương
 
Phát triển mạnh sau năm 1940
 
 Toàn cảnh Tam Đảo qua tờ rơi của KS Thác Bạc thời Pháp
Trước năm 1940, khi các mối quan hệ với bên ngoài tự do hơn thì chỉ có hai khu nghỉ mát Tam Đảo và Đà Lạt vẫn còn được yêu thích do nằm gần thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Đây là những địa điểm được binh lính trong quân đội thuộc địa - những người hiếm khi trở về Pháp và những ai vĩnh viễn ở lại xứ sở này đặc biệt đánh giá cao. Ngoài ra, rất nhiều người Âu mà chủ yếu là công chức có thời gian lưu trú tại thuộc địa trong thời gian ngắn thích vùng biển và các kỳ nghỉ trên núi cao hơn. Do vậy, vào thời điểm đó những khu nghỉ trên núi của Đông Dương còn phát triển sơ sài và mới chỉ hiện diện trên các bản vẽ và hình phác thảo nhưng lại thiếu ý tưởng chủ đạo cũng như chương trình tổng thể. Ngoại trừ trường hợp Đà Lạt: Những ý định tổ chức thành phố trong tương lai đã dẫn tới sự ra đời dự án Hébra vào năm 1923. Vì thế, vấn đề đặt ra khi đó là làm sao chuyển được thủ đô hành chính Đông Dương về Đà Lạt.

Vậy mà kể từ năm 1940, khi các mối quan hệ với bên ngoài bị huỷ bỏ, sự kéo dài thời gian lưu trú tại Đông Dương, nhu cầu nghỉ ngơi hồi sức, tìm kiếm sự trong lành của khí hậu vùng cao phù hợp với những cơ thể bị suy yếu hoặc kiệt sức do sống lâu tại thuộc địa, những người đang lại sức và một số bệnh nhân đã làm cho tỷ lệ người Âu đến sống tại các khu nghỉ trên núi ngày càng tăng. Song song với sự tăng trưởng dân số này là sự xuất hiện của những kẻ đầu cơ và nhiều cuộc nhượng địa ban đầu chỉ mang tính chất nông nghiệp sau nhanh chóng biến thành các lô đất. Điều này chỉ mang lại lợi nhuận cho những người được nhượng đất nhưng lại gây tổn hại lớn cho việc quy hoạch đô thị. Các nguồn vốn không được sử dụng đã được đầu tư tại đây.

Cũng vì thế mà phần lớn các khu nghỉ này được phát triển một cách vô kỷ luật do thiếu các dự án quy hoạch mang tính hợp pháp.
 

Những ý đồ bài bản

Ngay từ khi nắm quyền, Phó Đô đốc Decoux đã hiểu được sai lầm này đến từ đâu, mặt khác ông ta cũng nhận thức được vai trò quan trọng của các khu nghỉ này trong tương lai và đã quyết định chỉ đạo việc phát triển các khu nghỉ một cách hợp lý và theo các bản vẽ hài hoà. Hơn thế, ông ta còn áp đặt một số chương trình khác nữa.
 
Cũng kể từ giai đoạn này mà Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương ra đời và nhiệm vụ đầu tiên là nghiên cứu các trung tâm lớn, tiến hành quy hoạch và mở rộng các khu nghỉ trên núi cao. Cho đến nay, phần lớn các bản vẽ này vẫn được dùng để phục vụ các lợi ích công cộng.

Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương không chỉ tiến hành quy hoạch và mở rộng các trung tâm đã được thành lập như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo mà còn tiến hành nghiên cứu những khu nghỉ mới như Ba Vì với độ cao 1000 mét và Paksong trong tương lai.

Sự phát triển của Đà Lạt vượt qua khuôn khổ của một khu nghỉ thuần túy trên núi cao, trở thành một trong những trung tâm hấp dẫn của khu vực Viễn Đông.

Việc mở rộng Tam Đảo còn rất hạn chế do nằm trong một khoảnh đất trên chỏm núi. Vì vậy nó chỉ được phát triển về chiều cao nên đã có nhiều nhà cao tầng được mọc lên. Bản vẽ kèm theo đây sẽ cho bạn đọc thấy một cái nhìn bao quát về việc quy hoạch được dự kiến tại trung tâm này. Sân vận động, chắc chắn đẹp nhất Đông Dương được xây dựng vào năm 1942. Trạm nghỉ này còn có các khách sạn, sòng bạc, cửa hàng, một toà nhà hành chính…

Khu nghỉ mát Ba Vì với độ cao 1000 mới ra đời cách đây không lâu. Đầu năm 1942, nơi đây không có gì ngoài một dãy núi có rừng bao phủ, gồm ba đỉnh núi như tên gọi. Ba Vì khi đó được rất ít người hoặc gần như không ai biết đến. Xung quanh có vài con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo. Vào tháng 6 năm 1943, một con đường được mở chạy từ độ cao 600 mét lên tới 1000 mét. Tại đỉnh cao này có lô đất đầu tiên mà chúng tôi đang tái hiện và 24 lô khác đã được bán ngay lúc ấy. Đợt quy hoạch đầu tiên này là một phần trong sơ đồ tổng thể tập hợp 3 đỉnh núi trông ra phía quảng trường có đài phun nước và trò chơi quần, bao gồm việc xây dựng một tổ hợp các cửa hiệu, một trạm điện báo… thêm vào đó ở phía tây còn có một trạm xá... Trên các khu đất khác tạo thành chỏm tròn đỉnh núi là khu vực nhà nghỉ, biệt thự và một vườn trẻ. Ngoài ra, việc nghiên cứu quy hoạch các đỉnh núi khác bao gồm các dịch vụ chung của khu nghỉ vẫn được tiếp tục và tiến hành ngay sau khi thực hiện việc phân lô đầu tiên.

Các khu nghỉ khác ở Việt Nam và Đông Dương

Còn các khu nghỉ trên núi Bokor (còn gọi là núi Tà Lơn ở Campuchia), Bà Nà, Bạch Mã vốn được những người Âu ở Camphuchia và Việt Nam ưa chuộng thì cho đến nay do chưa phát triển nên vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu về mặt quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, khu nghỉ trên núi Bạch Mã do thu hút được nhiều khách du lịch nên Sở Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Trung Ương đã yêu cầu phải có một dự án quy hoạch và mở rộng.

Cuối cùng, Paksong nằm ở khu vực miền trung cao nguyên Bò Lô Vên (Hạ Lào), do sự phát triển của công cuộc khai thác thuộc địa của người Âu, nên khu nghỉ này đã được đề xuất trở thành thủ phủ hành chính của tỉnh Bò Lô Vên trong tương lai. Sơ đồ quy hoạch và mở rộng trung tâm này trong tương lai khi đó đang là đề tài của một số công trình nghiên cứu đặc biệt, bởi độ cao khoảng 1300 mét sẽ biến nó thành một nơi nghỉ mát phát triển mạnh không chỉ thu hút sự quan tâm của Đông Dương, đặc biệt là miền Trung, Hạ Lào và Camphuchia mà có thể còn thu hút cả khách du lịch Thái Lan và các nước khác. Thành phố mới sẽ nằm ở khu vực phía đông Paksong hiện nay trên vùng cao nguyên dốc thoải nối tiếp Phou - Thevada (núi Tiên thuộc huyện Paksong ngày nay), một vị trí đầy gió rất phù hợp với việc xây dựng và phát triển thành phố một cách hợp lý.
 
(*) Đầu bài và các tít phụ trong bài do TT&VH đặt
 
Hoàng Hằng (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN