TTVH Online

Bài 2: Gặp người con quốc tịch Trung Quốc của tướng Nguyễn Sơn

02/10/2008 10:02 GMT+7

Kế thừa zen di truyền của người cha, ông Trần Hàn Phong thật không hổ danh là người con trai của "lưỡng quốc tướng quân" trên đất Trung Quốc.

(TT&VH) - Từng làm trong Quốc hội Trung Quốc và hiện đang là Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc; ông Trần Hàn Phong (sinh năm 1944), thật không hổ danh là người con trai của "lưỡng quốc tướng quân" trên đất Trung Quốc.
 
Ông khá giống người cha "văn võ song toàn" của mình ở chỗ, bên cạnh hoạt động chính trị, ông đồng thời còn là một "nhà văn hóa", một người nghiên cứu và có khả năng thuyết giảng về công cuộc cải cách ở Trung Quốc, về lịch sử cách mạng Trung Quốc; và đương nhiên là cả về triết học nữa vì đấy là chuyên ngành học của ông. Chưa kể ông đã từng làm những bài văn đầy cảm xúc bằng tiếng Việt.
 
»»Bài 1: Cuộc đời "lưỡng quốc tướng quân" qua ảnh

 Ông Trần Hàn Phong tại Hà Nội, 30/9
Ngồi trò chuyện với ông tại Hà Nội nhân dịp ông về Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 100 năm tướng Nguyễn Sơn, tôi có cảm giác thời gian quả thật là ngắn ngủi. Thoáng chốc, từ cậu bé Trần Hàn Phong 1 tuổi được người cha phong trần, râu ria như một chiến binh vừa trở về từ trận mạc, bế bổng trên tay (trong bức ảnh chụp tại Diên An, 1945), vậy mà thoắt cái, "cậu bé" năm xưa đã là một chính khách Trung Quốc bệ vệ ngồi đây. Dù vậy từ con người, phong thái của ông Trần Hàn Phong vẫn toát lên một sự giản dị, thân mật, một cái "chất" rất Việt Nam…

* Thưa người con của tướng Nguyễn Sơn, đầu tiên, tôi muốn biết công việc hiện tại của ông ở Trung Quốc là gì?

- Tháng 4/2008, bắt đầu làm Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc (Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc). Công việc của tôi là nắm bắt tình hình cuộc sống của người Hoa ở nước ngoài và những người Hoa kiều đã trở về Đại lục - thu thập ý kiến, nguyện vọng của họ, để bảo vệ lợi ích cho họ. Từ đó đến nay liên tục đi Quảng Đông, Thượng Hải, Triết Giang… để tìm hiểu vấn đề trên. Tôi cũng vừa đi Đức để tìm hiểu về tình hình Hoa kiều ở bên đó, và cả tình hình người Hoa kiều ở Châu Âu nói chung. Sau đó tôi về nước và dự cuộc gặp mặt học sinh trường Quân sự Hoàng Phố - đây là trường quân sự đầu tiên do Tôn Trung Sơn thành lập năm 1924 mà cha tôi là học sinh khóa 4 của Trường này…

* Trở lại trường Quân sự Hoàng Phố, ông thấy tướng Nguyễn Sơn được biết đến tại ngôi trường nổi tiếng này như thế nào?

- Học tại trường Quân sự Hoàng Phố có rất nhiều học sinh nước ngoài, như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Myanma. Nhưng tới nay, biết là có nhiều học sinh nước ngoài, nhưng giữ lại được các thông tin về thân thế, sự nghiệp của họ thì Nguyễn Sơn là tiêu biểu. Vì thế, tướng Nguyễn Sơn như là đại diện cho các học sinh người nước ngoài của trường này. Tháng 12 năm ngoái, kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Quảng Châu, và 83 năm thành lập Trường Quân sự Hoàng Phố, tôi cũng tham dự. Họ đã mời tôi lên giới thiệu về cha tôi trong thời gian học tại Trường và tham gia khởi nghĩa. Khi nghe tôi kể về tướng Nguyễn Sơn họ vô cùng cảm kích. Hiện nay, tiếng tăm của Nguyễn Sơn ở Trung Quốc là rất lớn, càng ngày càng có nhiều người biết đến sự nghiệp và câu chuyện cuộc đời ông. Và điều đó minh chứng rằng Trung Quốc chưa bao giờ quên công lao của Nguyễn Sơn; và các hoạt động tôn vinh ông chính là thúc đẩy tình hữu nghị giữa 2 nước.
 
Cha con Nguyễn Sơn - Trần Hàn Phong tại Diên An (Trung Quốc), 1945

* Trong lịch sử cách mạng VN, tướng Nguyễn Sơn được biết đến rất nhiều, còn trong sử sách ở Trung Quốc thì sao?

- Rất nhiều bài viết trong sử sách, báo chí đề cập đến ông. Ở hầu hết những nơi ông đã từng sinh sống, làm việc, thì các bảo tàng ở đó đều lưu giữ ảnh hoặc kỷ vật của ông. Như Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu thì để ảnh, khắc tên và lưu giữ chiếc chăn dạ của ông. Ở Bảo tàng Quân sự Trung Quốc có tượng đồng của ông, ở Bảo tàng cách mạng Trung Quốc có ảnh... Báo chí Trung Quốc nói đến ông rất nhiều, nhất là sau khi kỷ niệm 60 năm kháng Nhật (vì Nguyễn Sơn là một trong số ít người nước ngoài tham gia kháng Nhật)…. Đến nỗi mà nay tôi đi công tác ở các tỉnh Quảng Đông, Triết Giang, Giang Tây, Sơn Tây và nhiều tỉnh khác, đi đến đâu, lãnh đạo cấp huyện chỉ cần nói đến chữ Hồng Thủy (tên của tướng Nguyễn Sơn ở Trung Quốc) là họ đều biết ngay.

* Là con tướng Nguyễn Sơn, ông có gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống cũng như trong công tác?

- Những "thuận lợi" do bố mẹ tôi mang đến như anh nói, thì chính là… tăng thêm cho tôi nhiều nhiệm vụ thôi(cười). Thật ra, về cuộc sống cá nhân, thì sau khi bố tôi mất (1956), Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã chăm lo đến đời sống của chúng tôi: anh em tôi được trợ cấp 20 nhân dân tệ/tháng, tương đương với lương của một công nhân lúc bấy giờ. Đến khi tôi tốt nghiệp Đại học và em tôi đi làm thì mới dừng khoản trợ cấp này.

Còn trong công tác thì là do nỗ lực của cá nhân là chủ yếu chứ không có "sự chăm sóc đặc biệt". Tất nhiên, theo suy nghĩ của tôi thì khi tôi được điều từ tỉnh Sơn Tây lên Trung Ương (làm trong Quốc hội) thì còn do có được "hồng phúc" của cha tôi. Khi đó đồng chí Chủ tịch Quốc hội vốn là lãnh đạo của cha tôi năm xưa. Đồng chí ấy ghi nhận những công lao của cha tôi, cho nên đã "điều" tôi về Bắc Kinh. Và tôi cũng nghĩ rằng tháng 4 vừa rồi, khi tôi được làm Ủy viên Chính Hiệp cũng là do những cống hiến của cha tôi tại Trung Quốc. Trong 1,3 tỷ dân Trung Quốc, chọn ra 3000 đại biểu để làm ủy viên Chính hiệp, còn tôi thì được "mời đặc cách".

* Ông có nghĩ rằng một ngày nào đó khi về già, ông sẽ có thêm một quốc tịch ở đất nước quê cha- tướng Nguyễn Sơn?

- Ở Trung Quốc có quy định nếu muốn nhập quốc tịch khác thì phải từ bỏ quốc tịch Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc cho phép song song 2 quốc tịch thì có lẽ là không vấn đề gì. Nhưng theo tôi nghĩ, với một người như tôi, nên cố gắng được hết sức mình cho tình hữu nghị 2 nước là điều quan trọng nhất. Ngoài công việc của tôi ở Chính Hiệp, tôi cũng có nguyện vọng được đến các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị nghiên cứu, học tập ở Việt Nam để thuyết trình về những kinh nghiệm và bài học trong công cuộc cải cách của Trung Quốc. Tôi đã làm 20 năm ở Quốc hội Trung Quốc nghiên cứu về công cuộc cải cách này. Tôi cũng có thể giới thiệu với các nhà nghiên cứu, các học sinh, sinh viên, và người dân về tổ chức của Quốc hội Trung Quốc, về lịch sử cách mạng Trung Quốc và cả triết học nữa vì ngành học của tôi là Khoa Triết, ĐH Bắc Kinh. Tôi có thể đóng góp rất nhiều cho các hoạt động hữu nghị giữa hai nước về văn hóa giáo dục, nhưng rất tiếc là… tôi chưa được ai tìm cả (cười to)!

* Nghe nói là ông đã từng học Tiếng Việt?

- Đúng vậy, tôi đã học tiếng Việt 2 tháng từ người cháu ở Việt Nam của tôi. Sau khi học xong tôi viết được 9 bài văn bằng tiếng Việt, 1 bài đăng trên báo VN, 1 bài đã được phát ở trên Đài phát thanh của Trung Quốc (bằng tiếng Việt) - nhưng sau đó tôi cũng không có điều kiện ôn lại, thực hành, nên cũng không nhớ được nhiều nữa. Sau này có điều kiện tôi hy vọng sẽ học lại tiếng Việt và vẫn sẽ nhận cô cháu tôi là "thầy". Bởi vì khi cô ấy học ở Trung Quốc thì tôi đã giúp cô cháu học tiếng Trung rất nhiều, nên đương nhiên là cô sẽ phải giúp lại học tiếng Việt vì tình hữu nghị! (cười)

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN