TTVH Online

Lễ kén vợ của vua Swaziland: Không thể vui

31/08/2008 09:16 GMT+7

Hàng năm người Swaziland tổ chức Lễ hội Lau sậy để tôn vinh tiết hạnh của người phụ nữ. Lễ hội năm nay Vua Mswati III lại lựa chọn một cô gái để cưới làm vợ thứ... 14 của ông.

(TT&VH) - Hàng năm người Swaziland tổ chức Lễ hội Umhlanga (Lễ hội Lau sậy) để tôn vinh tiết hạnh của người phụ nữ. Lễ hội Umhlanga năm nay trở nên đặc biệt vì tại đó lần đầu tiên kẻ từ 4 năm nay, Vua Mswati III lại lựa chọn một cô gái để cưới làm vợ và đó là người vợ thứ... 14 của ông.

Liệu có thể vui?

Được lệnh vua ban, những ngày qua 50.000 trinh nữ của cả nước Swaziland bắt đầu thu hoạch sậy cho một vũ hội sẽ tưng bừng diễn ra trước cung điện của vua vào ngày 6/9 tới, ngày kỷ niệm tròn 40 năm ngày Swaziland giành độc lập từ thực dân Anh (6/9/1968). Vào ngày vui kép đó, đức vua – vừa tròn 40 tuổi hồi tháng 5 vừa rồi - sẽ chọn hoàng hậu thứ 14 của mình trong số 50.000 trinh nữ khiêu vũ mình trần trước cung điện (chế độ đa thê vẫn được định rõ trong hiến pháp của Swaziland sau lần chỉnh lý 2007).
 
Vua Mswati III và người vợ thứ 13

Tóm lại nền quân chủ tuyệt đối ở đất nước nhỏ thứ nhì lục địa đen này (chỉ rộng 17.636 km2, có 1,1 triệu dân) đang chuẩn bị tự chào đón mình với một lễ hội xa xỉ. "Ta kêu gọi các thần dân hãy hành xử một cách đẹp mắt và kính cẩn để thu hút du khách quay trở lại", chiếu vua ban ra như vậy. Liệu du khách có chiều lòng vua không, thực ra đó là một câu hỏi dễ trả lời: không!

Vũ hội truyền thống hàng trăm năm tuổi của Swaziland nổi bật với những cây sậy cao quá đầu người có ý nghĩa tôn vinh cuộc sống kiêng khem tình dục của các thiếu nữ trước ngày cưới. Và đức tính ấy có lẽ hôm nay lại càng cần hơn bao giờ hết: 42% dân Swaziland mang trong người mầm bệnh thế kỷ AIDS (con số của 2005), loại trừ người già và hài nhi ra thì tỉ lệ này phải là 63% - cao nhất thế giới, đồng thời ngày một tăng nhanh. Kỷ lục buồn thảm này lại là nguyên nhân trực tiếp cho một kỷ lục nữa: người Swaziland có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới – 29 (trước đây 20 năm còn là 65 tuổi). Cơ cấu xã hội sẽ bị phá vỡ trong một ngày gần đây, khi số trẻ em mồ côi chiếm hơn 10% dân số và 50% đã qua tuổi 50.

Khoảng 2/3 thần dân của vua Mswati III có mức sống dưới 1 USD/ngày, song đó có lẽ không phải là chuyện để Mswati III để tâm. Ngài còn bận rong ruổi ở Trung Đông với 13 cô vợ để sắm đồ diện ngày quốc khánh, nhân thể mua thêm 40 ô tô mới hạng sang.

Đất trắng

Lượng người ở độ tuổi lao động tốt nhất không còn bao nhiêu, số trí thức vốn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay đổ xô đi tìm tương lai ở nước láng giềng Nam Phi hay thậm chí Mozambique. Trong cái nắng chết người chỉ còn lại các ông bà già xoay xở nuôi lũ cháu trong một môi trường chết chóc. Cái chết lặng lẽ len vào các túp lều ổ chuột bao quanh những villa trắng và mấy khách sạn hoành tráng ở thủ đô Mbanane. Tuổi thọ trung bình phản ánh khả năng tồn tại của một dân tộc, tỉ lệ người bệnh cho thấy sức đề kháng, và số người thất nghiệp thể hiện tài lực quốc gia. Tất cả các chỉ số đó hiện tại cho thấy Swaziland sau khi thoát khỏi ách thực dân Anh đã đi đến phụ thuộc 100% vào hàng xóm Nam Phi. Từ năm 2001- 2003, một chu kỳ hạn hán khủng khiếp ở hầu hết các nước miền Nam châu Phi cũng không bỏ qua Swaziland. Mùa màng, chủ yếu là mía, và súc vật bị cướp đi gần hết.
 
50.000 trinh nữ ngực trần nô nức tham dự lễ Umhlanga, với hy vọng được làm vợ của một đức vua đã có 13 bà vợ và 23 đứa con.

Stephanie Nolen, một nữ tác giả người Canada, vừa viết cuốn "28 câu chuyện về AIDS ở châu Phi" chấn động dư luận. Trang phóng sự đầu tiên viết về Siphiwe Hlope sống trong một túp lều lợp tôn ở miền Bắc Swaziland. Năm 2003 cô còn mạnh khỏe và có một mảnh vườn gần nhà để trồng rau. Chồng Siphiwe hằng ngày đi đến các làng lân cận kiếm việc nuôi vợ cùng mấy đứa con. Từ khi góa bụa, cả nhà Siphiwe chỉ ngồi chờ chết. "28 câu chuyện tôi viết ra là điển hình cho 20 triệu người châu Phi sắp chết trong 5 năm tới vì căn bệnh thế kỷ AIDS, và đây là cuộc diệt chủng trước sự bàng quan của thế giới", Stephanie Nolen nói. Và cũng của người trong cuộc.

Tuyệt chủng vì thờ ơ

13 hoàng hậu được vua chia cho mỗi người một xe BMW cộng lái xe, cung điện và thẻ tín dụng không hạn chế. Mặc cho tình hình ảm đạm trong nước, vua Mswati III vẫn được coi là một hình tượng có sức cảm hóa cao độ (!?). Có lẽ một phần vì ông là người thân thiện và lịch thiệp sau khi du học lâu năm ở "mẫu quốc" sương mù, song hình như cũng vì người Swaziland vốn có bản tính bàng quan thờ ơ với chính tương lai của mình.

Vì bi quan trước những vấn đề mà người Swaziland "tự gây ra cho mình", cộng đồng EU đã quay lưng lại với đất nước này từ năm 2004 sau khi thấy mọi viện trợ kinh tế không đem lại biến chuyển gì và thảm họa hạn hán đã tạm thời qua đi. Thậm chí tổ chức Chữ thập đỏ cũng không thấy cớ gì để duy trì sự hiện diện ở đất nước này. Sự hỗ trợ duy nhất giờ đây chỉ còn đến từ WFP và Tổ chức cứu trợ lương thực của Liên hợp quốc, cho 200.000 trẻ em nghèo nhất và 60.000 đối tượng khác ở tình trạng già lão hay bệnh tật.
 
Đức Lê
 
 
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN