TTVH Online

Những cô nàng 'lỡ cỡ' dở dở ương ương

15/08/2008 03:52 GMT+7

Không xinh không xấu, chẳng giỏi chẳng dốt, không ngoan hẳn mà cũng chẳng ra hư. Đó là điểm chung của nhiều cô gái "ương ương" thời nay.

Không xinh không xấu, chẳng giỏi chẳng dốt, không ngoan hẳn mà cũng chẳng ra hư. Đó là điểm chung của nhiều cô gái "ương ương" thời nay.

Ly ngồi cùng vài cô bạn ở quán cà fê, cô nàng nói: “Giờ mà đi làm mà chỉ kiếm được hai, ba triệu thì chẳng muốn đi!”. Ra trường đã gần một năm nay, Ly vẫn là kẻ “ăn không ngồi rồi”. Cô nàng chẳng tự mình xin được vào những công ty danh tiếng với mức lương bổng cao, song người nhà xin cho chỗ nào đó thì Ly lại chê là ít tiền, không “bõ”.

Đặc điểm và lợi thế của "ương ương cô nương"

Ảnh minh họa
Nếu chia con gái ra ba loại: yếu, trung bình, xuất sắc thì những cô gái như Ly thuộc loại thứ hai và không phải là hiếm, người ta gọi đó là các cô nàng “ương ương”. Đặc điểm chung của họ là mọi thứ đều có nhưng tất cả chỉ lỡ cỡ dở dang.

Ví dụ như Ly, không sở hữu cặp chân dài hay gương mặt khả ái, chỉ dễ nhìn, biết cách ăn mặc, có nụ cười duyên với hai má lúm đồng tiền nên cũng gây được ấn tượng với các chàng trai. Về học vấn, cô nàng chẳng giỏi giang nhưng với ít chữ nghĩa cũng coi là có học. Đại học bây giờ năm bẩy loại, Ly thi thố “trầy vẩy” song vẫn không đỗ được trường chính qui nào, cũng may, nhờ xét tuyển đợt hai, vớt vát vào được một trường dân lập. Học hành lắm khi hai ngày đi, ba ngày nghỉ. Thời gian còn lại, cô nàng có mặt ở những quán cà phê sành điệu, những chỗ chơi bời, hát hò cùng các anh chàng vệ tinh.

Học thì ít chơi thì nhiều. Các môn nợ be bét, song thi đi thi lại, học lên học xuống mãi rồi cũng qua. Khó khăn, chật vật mới tốt nghiệp được với tấm bằng trong tay, xếp loại trung bình. Ai biết đấy là đâu, ra đường, vẫn dơ cái mác là sinh viên, là dân trí thức. Chả thế mà cô nàng giờ đây đi xin việc làm luôn nghĩ cỡ trí thức như mình phải lương tính “vé” mới đi, không thì chả bõ.

Hay như Hương - một sinh viên trường Đại Học Công Đoàn. Dù gia cảnh xuất thân, không phải tiểu thư đài các, con nhà quí tộc song là con gái cưng “út ít” trong một gia đình công chức cơ bản nên Hương được mọi người trong nhà chiều chuộng nhất. Các ông bố bà mẹ bây giờ thường chỉ sinh từ một đến hai con, ai cũng mang tâm lí cố gắng không để con thua bạn kém bè nên đứa nào đứa nấy đều được chăm trút cho hết lòng. Ít nhiều các cô gái như Hương ở nhà cũng là con gái diệu. Vậy nên đôi khi các cô con gái diệu này mới “con nhà lính tính nhà… vua”.

Hương không xinh, không xấu. Chả phải ngoan ngoãn, hiền lành, đầu trắng xóa như tờ giấy pô-luya, cô nàng cũng biết vào các quán bar, vào sàn nhảy, có vài mối tình vắt vai để lại chút vốn kinh nghiệm trốn tình trường. Tuy nhiên, Hương không đến nỗi hư hỏng, thay người yêu như thay áo, chơi bời thâu đêm suốt sáng hoặc có mặt tại các động “lắc lư” nào. Ưu điểm của Hương là vui chơi rất biết điểm dừng. Thêm nữa, cô nàng có gương mặt rất ngây thơ, trong sáng cộng với tài ăn nói khéo léo, Hương để lại cho người khác ấn tượng mình là cô tiểu “chính cống”. Nên cô nàng cũng lắm cậu chàng theo đuổi.

Hương tự đặt ra tiêu chuẩn cho các “vệ tinh” của mình như: đã mời đi ăn là phải vào các nhà hàng sang trọng như Bobby Chinn, uống cà fê phải là những nơi như Ibox, buổi tối thì có thể dẫn cô nàng vào các bar, pub, câu lạc bộ có nhiều dân sành điệu. Về hình mẫu người đàn ông lí tưởng của Hương thì càng cao: Một người thành đạt, có học vị, biết xài tiền, chịu chơi… Nói chung là “ngất ngưởng” và Hương luôn tự cho rằng con gái có học, khéo léo, gia đình đàng hoàng, biết ăn biết chơi như cô, cỡ đàn ông thế mới “xứng”.

Trí tuệ của phụ nữ được cho là tỉ lệ nghịch với sắc đẹp. Các “mỹ nhân” vì mải chăm sóc dung nhan mà quên đi việc đầu tư vào bộ não nên… dốt là chuyện thường. Ngược lại, em nào tài giỏi thì dung mạo lại không mấy ưa nhìn. Còn các cô gái “ương ương”, họ dung hòa được cả hai điều đó.

Nếu gặp một phụ nữ tài ba, sắc sảo quá có lẽ đàn ông sẽ... sợ. Hoặc một cô nàng “hot” quá thì nam giới phải nhìn lại xem mình có đủ “trình” để cưa nàng không. Không quá cao mà cũng chẳng quá thấp khiến các cô nàng “tầm trung” trở nên “vừa miếng”, dễ lọt vào tầm ngắm của nhiều đối tượng. Nếu bạn là chàng trai “hơi thấp”, khéo léo một chút cũng có thể “với” được. Còn nếu bạn “cao” rồi, chuyện “nên duyên” càng trong tầm tay.

Ngoài ra, với đặc điểm pha nhiều màu sắc tính cách, các cô gái này cũng có thể giao tiếp với năm bảy loại đàn ông. Thực tế, nhiều mày râu tâm sự rằng muốn bạn đời là người cái gì cũng phải biết một ít, không được hư và cũng không cần quá ngoan. Bởi vậy số lượng vệ tinh của các nàng “ương ương” ngày càng tăng.

… đến việc chẳng biết mình là ai

Giả sử, là một người phụ nữ tài giỏi, xuất sắc, bạn hoàn toàn có khả năng làm chủ cuộc sống của mình mà không cần dựa dẫm vào ai, bạn có thể biến những giấc mơ của mình thành hiện thực. Hoặc nếu chẳng may, là cô gái bị xếp vào loại yếu thì có lẽ bạn sẽ tự biết thân, biết phận, tìm cho mình một tấm chồng phù hợp để nương tựa. Còn với các cô nàng “ương ương”, họ lại cũng mang những suy nghĩ… “dở dở” và một số thế mạnh khiến họ “đắt show” lại làm họ quên đi vị trí thực tế của mình để rồi thường viển vông, lơ lửng tận chín tầng mây.

Ly luôn nghĩ rằng Đại học như mình thì không thể làm mấy công việc vớ vẩn ít tiền. Vất vả thì không chịu được, tài cán lại càng không, cái duy nhất cô nàng có chỉ là một tấm bằng đại học dân lập loại “phèng phèng”, khả năng chuyên môn thực chất chẳng có nhiều. Đã thế lại lười, với chút dung nhan, có một số chàng theo đuổi, cô nàng hung hồn tuyên bố: “Con gái đi xin việc, xinh một tí là dễ bắt mắt các sếp nam, kiểu gì chẳng xin được công việc ngon lành!”. Lấy đâu ra chuyện ngồi mát ăn bát vàng thời nay. Họa chăng là con vua cháu chúa xa xưa mới có!

Ảnh minh họa

Nhìn chung là người, chẳng ai nghĩ mình yếu kém, cũng đều mang một “ước mơ vươn tới ngôi sao”. Song, các cô nàng như Ly có biệt tài là vẽ ra rất nhiều viễn cảnh đẹp mà lại quên mất mình phải cố gắng ra sao để đạt được nó. Từ mơ mộng đến thực tế là khoảng cách rất dài. Đâu phải ai cũng có khả năng đạt được ước mơ nếu không có tài cán hoặc sự chăm chỉ, nỗ lực.

Còn Hương, đã yêu một chàng trai gia đình khá giả, điển trai, công việc tuy không thật nhiều tiền nhưng cũng ổn định, đủ để sống bình thường trong thời “bão giá”. Song cô nàng vẫn cảm thấy người đàn ông đó chưa xứng, vẫn mong muốn một người phải kiếm được nhiều tiền hơn. Kể ra, Hương cũng có vài cậu chàng con nhà giàu theo đuổi, có điều kẻ thì xấu đến ma chê quỷ hờn, kẻ lại không có học, gia đình phức tạp nên nhìn đi nhìn lại Hương đành yêu “tạm” chàng trai “trung bình khá” kia của mình. Mặc dù thế, trong thâm tâm cô nàng vẫn chưa cam chịu.

Một điều cơ bản nữa mà các cô gái “trung tầm” ít nghĩ tới là “núi cao còn có núi cao hơn”, huống hồ tuýp như họ lại nhiều vô kể. Không tỉnh táo, khôn ngoan nhận ra điều đó, những cô gái dễ biến mình thành… lố bịch.

Và chẳng bao giờ thỏa mãn với chính mình

Đó có thể coi là bi kịch cuộc đời họ nếu không biết tự lượng sức mình.

Mỗi khi bạn bè hỏi, Ly luôn mang bài ca muôn thuở là chưa thích đi làm vì tiền ít chẳng bõ, đang đợi thời cơ. Vậy là Ly cứ thế sống lãng phí thời gian, thất nghiệp ở nhà hàng năm trời. Tiền bố mẹ cho chỉ có hạn, cô nàng thường xuyên ở tình trạng túng thiếu, eo hẹp. Giờ này ngồi chọn cá kén canh thì còn được, chứ mai mốt đến lúc bố mẹ về hưu thì không biết Ly tính sao đây?

Còn Hương, thời gian sau, cô bỏ người yêu nhưng người nói chia tay lại không phải cô. Bạn trai không thể chịu được kiểu tiểu thư nửa mùa của Hương. Anh ta mệt mỏi với những hoá đơn đi siêu thị hết năm, bảy trăm ngàn, những chiếc túi sách, quần jeans tính tiền đô hay những bữa ăn tối mà đắng cả mồm vì giá quá “chát”. Thêm nữa, phát hiện ra Hương từng âm thầm đi chơi cùng đàn ông khác, dù chỉ là đi chơi bình thường, song điều đó cũng làm anh càng thêm ngán ngẩm cô nàng “con nhà lính tính nhà vua” này. Tuy rất buồn nhưng cô nàng cố giấu kín và nói với mọi người: “Đằng nào cũng sẽ chia tay, tao cần một người đàn ông hơn thế!”. Chẳng hiểu, hành trình đi tìm bạch mã hoàng tử của Hương rồi sẽ đến đâu.

Người ta có câu: “Khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương”. Các cô gái “ương ương” giờ đây nhiều vô số, dù có thế mạnh nhưng cũng lắm nỗi nhiêu khê. Nếu không cẩn trọng, họ cũng dẫn tới “dở dở ương ương cho người ta ghét!”.
 
Theo Zing
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN