TTVH Online

Lộ đề thi khối A: "Tiểu xảo” của một nickname?

09/07/2008 10:01 GMT+7

Trước tin đồn lộ đề thi khối A kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, hôm qua 8/7 BCĐ thi Bộ GD&ĐT đã họp với cơ quan an ninh, trung tâm an ninh mạng - ĐH Bách khoa HN.

(TT&VH Online) - Tin đồn về “lộ đề thi khối A” ngay sau đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa diễn ra khiến dư luận xôn xao và để trấn an, một vị trong BCĐ thi Bộ GD&ĐT đã khẳng định “trùng hợp tình cờ”. Nhưng dù nói vậy, ngay cả những thành viên BCĐ cũng không thể ngồi yên. Hôm qua 8/7, một cuộc họp khẩn giữa BCĐ thi Bộ GD&ĐT với cơ quan an ninh, trung tâm an ninh mạng - ĐH Bách khoa HN... đã diễn ra.

“Chuyện lạ” trên diễn đàn toán trung học

Diễn đàn Toán trung học VN có địa chỉ www. toanthpt.net có mục “Giờ G của thi ĐH năm 2008” cho phép các nickname có thể post lên những câu hỏi Toán học mang tính gợi ý cho thí sinh chuẩn bị thi ĐH, CĐ môn Toán. Nhiều thí sinh đã vào diễn đàn này để tham khảo trước khi đi thi. Chuyện lạ là sau kỳ thi, có một số thí sinh đã so sánh và phát hiện có 3 câu hỏi trong đề thi Toán khối A giống gần như nguyên xi với 3 câu hỏi đã được đưa lên diễn đàn trên lần lượt từ ngày 21/6 đến 2/7, trước ngày thi ĐH đợt 1 vài hôm.
 
Thí sinh làm đề thi khối A

Cụ thể câu hỏi và gợi ý được post lên ngày 21/6 trùng với ý 2, câu II trong phần chung dành cho tất cả thí sinh. Ý 2 câu IV của đề thi, trùng với gợi ý “một bài toán nhỏ” được post lên ngày 28/6. Ý 1 câu VI của đề thi trùng với gợi ý “thử tính tích phân” trên diễn đàn ngày 2/7. Ở phần đề thi riêng dành cho thí sinh phân ban cũng có một câu giải phương trình giống với câu được tải lên mạng trên ngày 29/6.

Chuyện “dự đoán đề thi” hoặc gợi ý ôn tập nếu có giống cũng chỉ là cách thức, dạng câu hỏi. Nhưng sự trùng lặp tình cờ ở cả những con số của các câu hỏi trên thì quả là lạ. Từ sự việc này thông tin “lộ đề” được loang ra.

Xác minh  
Trang web toanthpt.net thông báo đóng cửa có thời hạn hôm qua

Theo thông tin do Thanh tra Bộ GD&ĐT cung cấp, trung tâm an ninh mạng của ĐH Bách khoa HN đã vào cuộc và phát hiện ra nickname Phukhanh (Nguyễn Phú Khánh, cư trú tại số nhà 42B/11- Hai Bà Trưng - TP. Đà Lạt) là người tạo nên cú “scandal” lộ đề. Theo giải thích của đại diện trung tâm an ninh mạng, trước đó Khánh có post lên diễn đàn trên những câu hỏi gợi ý toán học. Nhưng sau khi kỳ thi diễn ra, Khánh đã chèn một số câu hỏi có trong đề thi vào phần đã post lên từ trước. Hành vi này được an ninh mạng xác nhận thực hiện vào 12h42 phút và 12h56 phút ngày 4/7 (ngay sau khi thi xong môn Toán). Với “tiểu xảo” này, Khánh đã làm cho người truy cập tưởng đó là câu hỏi đã đưa tung lên từ trước ngày thi. 

Kết quả xác minh cho thấy là không có sự lộ đề

Nhưng dư luận vẫn băn khoăn vì những câu hỏi gợi ý post lên vào các ngày 21/6, 28/6, /29/6 và 2/7 được nhiều thí sinh đọc tham khảo. Nếu thế thì phải có nhiều thí sinh sau này “làm chứng” được cho việc câu hỏi gợi ý đã bị chèn thêm dữ liệu mới. Được biết cơ quan an ninh sẽ tiếp tục làm việc với Nguyễn Phú Khánh để làm rõ sự việc.

Nhân thể nói thêm về nguy cơ “lộ đề”
Hơn 850.000 thí sinh bước vào kỳ thi đợt 2
 
Hôm nay 9/7, hơn 850.000 TS cả nước bước vào kỳ thi đợt 2 vào 89 trường ĐH, Học viện thuộc các khối B, C, D. Tại TP.HCM, đợt thi này có 219.808 TS dự thi ở 30 trường ĐH. Trường ĐH Nông Lâm TP có lượng TS đăng ký dự thi cao nhất với 38.469 TS. Tiếp theo là các trường ĐH Y Dược - 26.564 TS, ĐH Sư phạm - gần 19.000 TS, ĐH Mở - hơn 17.000 TS, ĐH KHXH-NV - gần 15.000 TS. Theo Bộ GD&ĐT đây là đợt thi có nhiều khối thi, môn thi, trong đó đa phần là các môn tự luận. Do vậy, mức độ khó khăn, phức tạp trong khâu coi thi sẽ tăng lên. Vì vậy, trước đó Bộ này đã yêu cầu hội đồng tuyển sinh các trường rà soát lại kỹ toàn bộ công tác chuẩn bị cho đợt thi này. Các thí sinh thi vào khối D, môn ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, năm nay còn bổ sung môn tiếng Đức và tiếng Nhật, thi theo hình thức trắc nghiệm nâng tổng số các môn thi trắc nghiệm năm 2008 lên làm 9 môn.
Thái Nguyên

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cùng thời điểm có thông tin lộ đề môn Văn ở nhiều nơi: Hà Tây, Thanh Hoá, Hải Phòng... Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định “Đó là sự trùng lặp ngẫu nhiên”. Lý giải thêm cho việc này, một cán bộ thanh tra Bộ này cho rằng: Vì nhiều năm nay chương trình phổ thông chỉ quanh đi, quẩn lại một số tác phẩm nên người có kinh nghiệm thi dễ dự đoán. Hơn nữa chỉ khi thông tin phát ra đúng “nguyên xi 100%” thì mới được coi là “lộ” còn tin đồn thi vào nhân vật A thuộc tác phẩm B chẳng hạn thì chỉ là “trùng lặp”.

Tại Hải Phòng một cô giáo dạy Văn cho biết: tối trước ngày thi, HS kéo đến nhà cô ầm ầm mang theo nội dung được đồn là “đề thi”. Giải thích thế nào HS cũng không nghe. Thế nhưng, hôm sau, thật ngạc nhiên là đề thi na ná như “phiên bản” HS chuyền tay nhau hôm trước. Theo cô giáo này thì “giả sử có người làm lộ đề, họ không cần phải thông tin nguyên xi, chỉ cần nghe rỉ tai thi vào phần nào, tác phẩm nào là GV lâu năm có thể biết ngay đề thi sẽ hỏi xoáy vào đâu và kịp thời tư vấn cho HS”.

Kể câu chuyện “hậu thi” này để thấy nguy cơ lộ đề cũng rất nhiều. Cho dù cơ sở in sao đề thi có 3 vòng độc lập, người tham gia bị cách ly, nhưng ai dám chắc không có chuyện rỉ tai nhau giữa các “vòng độc lập”? Vì xét cho cùng người làm việc ở khâu “đề thi” cũng là con người. Vấn đề cần nói ở đây là việc đổi mới cách ra đề, là ý thức của người dạy, người học.
 
 

Nguyên Sao
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN