TTVH Online

“Muốn có các tay golf giỏi thì phải đào tạo ngay từ nhỏ”

22/09/2007 00:00 GMT+7

Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Golf Việt Nam, Đoàn Mạnh Giao, đã nhận định khả năng phát triển golf ở Việt Nam và bộc bạch tham vọng phát triển đào tạo bài bản cho giới golf trẻ.

(TT&VH Online) - Trong cuộc đối thoại với TT&VH sau khi mới được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Golf Việt Nam, ông Đoàn Mạnh Giao đã thẳng thắn nhận định về khả năng phát triển golf ở Việt Nam và bộc bạch tham vọng phát triển đào tạo bài bản cho giới golf trẻ.  
 
 
Ông Đoàn Mạnh Giao
trên sân golf
* Một lý do (đã được ghi vào tài liệu họp trù bị) khiến cho quá trình thành lập Hiệp hội bị kéo dài suốt 7 năm qua là chưa tìm được ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch. Vậy xin chúc mừng ông đã được đông đảo cộng đồng golf ở Việt Nam tín nhiệm. Xin ông cho biết suy nghĩ sau khi được bầu vào chức vụ này?

- Việc vận động thành lập Hiệp hội Golf Việt Nam, tổ chức chính thức đại diện cho những người chơi golf, kinh doanh golf và các sân golf đã bắt đầu từ năm 2000. Tôi nghĩ rằng việc Hiệp hội ra đời vào thời điểm hiện nay là thực sự chín muồi. Được anh em tín nhiệm như vậy nên rất vinh dự nhưng thú thực lập tức tôi cũng cảm giác trách nhiệm rất nặng nề. Hiệp hội là một bước tiến lớn của golf ở Việt Nam. Không chỉ đại diện cho giới chơi golf, đây cũng là hội đoàn chính thức được công nhận và sẽ có vai trò nối kết các hội golf, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của giới chơi golf cũng như các sân golf ở Việt Nam, phát huy đóng góp của golf ở góc độ là một môn thể thao cũng như ở góc độ kinh tế xã hội. Tổ chức mới, rất nhiều việc phải làm và vì thế, tôi cảm nhận rõ vinh dự và trách nhiệm.

* Để trở thành môn thể thao mạnh, nhiều nước trên thế giới đã phát triển golf thành môn chơi phổ biến với loại hình sân công cộng. Theo ông, mô hình đó có khả thi ở Việt Nam?

- Tôi có cơ hội tới nhiều nước và quả thật ở nhiều nước châu Âu và Mỹ đã có rất nhiều sân công cộng. Mức phí chơi rất rẻ và ai cũng có thể tiếp cận được. Việt Nam cũng cần có những sân như vậy. Tuy nhiên cũng cần ý thức được thực tế là golf mới phát triển ở Việt Nam và trước mắt chúng ta chưa đủ điều kiện để thực hiện ngay loại hình sân này. Để golf phát triển và có những đóng góp vào thể thao nước nhà như bất kỳ môn thể thao nào khác, tôi cho rằng một trong những vai trò của Hiệp hội là đẩy mạnh xã hội hoá môn golf. Trong đó, Hiệp hội cũng sẽ thành lập một số đơn vị hoạt động không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Đồng thời, tôi cho rằng chú trọng huấn luyện golf từ sớm cũng là một ưu tiên quan trọng. Về lâu dài, chắc hẳn Việt Nam cũng sẽ có cả sân golf công cộng bên cạnh hệ thống sân tư nhân để mọi người đều có thể chơi.

* Hiện nay, việc học và dạy chơi golf ở Việt Nam chủ yếu là các khóa hướng dẫn của CLB và đa số mới chỉ dành cho giới doanh nhân?

- Tôi cho rằng muốn có các tay golf giỏi thì phải đào tạo ngay từ nhỏ. Tôi hy vọng rằng Hiệp hội golf sẽ đứng ra phối hợp với các đối tác khác cũng như cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý thể thao của nhà nước để cùng mở trường, cơ sở bồi dưỡng, đào tạo cho các tay golf. Để có được đỉnh cao sự nghiệp golf như hiện nay, Tiger Woods đã học chơi khi mới lên 4 tuổi. Nếu chú trọng đào tạo các tay golf nhỏ tuổi ngay từ bây giờ, tôi tin rằng trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể có các tay golf thi đấu giải tầm cỡ quốc tế. Golf là môn thể thao không đòi hỏi nhiều về sức lực mà cần sự khéo léo, ý chí và tính kiên nhẫn. Do đó nó rất phù hợp với thể chất của người Việt Nam, thậm chí hứa hẹn nhiều hơn các môn thể thao khác về khả năng giành thành tích cao.
 
Ông Đoàn Mạnh Giao
- Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam Nhiệm kỳ đầu tiên: 2006-2010
- Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
- Hội viên sân golf Tam Đảo, Vĩnh Phúc 
* Ở Việt Nam hiện nay, golf chưa phát triển mạnh với tư cách một môn thể thao với các tay golf chuyên nghiệp, nhưng đang phát triển mạnh như một trào lưu xã hội và giới chơi golf chủ yếu là các doanh nhân. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Golf không thuần tuý là một môn thể thao mà nó là môn thể thao giải trí, đồng thời có tác dụng rèn luyện tinh thần, đạo đức cho người chơi, cũng như đang được xã hội hoá cao độ và đóng góp lớn vào công tác xã hội. Nhờ đối tượng chơi golf chủ yếu hiện nay là các doanh nhân, rất nhiều giải golf đã làm rất tốt công tác xã hội, từ thiện. Ví dụ điển hình là giải golf từ thiện do Hội golf Thành phố Hồ Chí Minh và Hội bảo trợ trẻ em thành phố tổ chức. Sau 8 lần tổ chức giải, tới nay hoạt động này đã quyên góp được khoảng 500.000 USD ủng hộ cho quỹ từ thiện. Một ví dụ khác, ngay trong Đại hội thành lập Hiệp hội golf Việt Nam hôm 17-8 tại Hà Nội, đông đảo giới doanh nhân, đầu tư, kinh doanh sân golf và giới chơi golf đã quyên góp tại chỗ và ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt thiên tai khoản tiền tới 500 triệu đồng.

* Thưa ông, hiện nay rất nhiều giải golf lớn nhỏ được một số công ty đứng ra tổ chức, trong đó có những giải mang tên quy mô và tầm cỡ giải lớn quốc gia. Liệu Hiệp hội golf Việt Nam có điều chỉnh thực tế này không?

- Đó chắc chắn là vấn đề mà Hiệp hội cần quan tâm và thảo luận. Tuy nhiên, Hiệp hội vừa thành lập cách đây một tháng và hiện còn chưa thiết lập xong bộ máy tổ chức. Ban chấp hành Hiệp hội đang thường xuyên họp bàn về các bước triển khai tiếp theo nhưng chưa thể bàn luận ngay những vấn đề này.

* Một số ý kiến cho rằng ở Việt Nam có tình trạng một tay golf lại có nhiều handicap (giải thích ở khung dưới – TT&VH Online) khác nhau do các nhiều nơi cấp. Điều này không hẳn thuận lợi cho các tay golf Việt Nam nếu thi đấu các giải quốc tế?

- Handicap chỉ là một trong những vấn đề mà Hiệp hội cần và sẽ phải làm. Hiệp hội sẽ thành lập các Ban chuyên môn, kỹ thuật, pháp chế… để điều chỉnh golf Việt Nam phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiệp hội sẽ đứng ra, với sự góp sức của các chuyên gia trong nước và thế giới, để cấp chứng nhận handicap chuẩn, thống nhất để sau này các tay golf của chúng ta khi đã có handicap đó hoàn toàn có thể tham dự các sự kiện golf ở nước ngoài.

* Xin cảm ơn ông!

Handicap (còn gọi là điểm chấp): là số gậy của một người chơi golf nghiệp dư, vượt quá số gậy chuẩn 72. Thông thường, kết quả chơi thường xuyên của mỗi tay golf nghiệp dư cứ sau 18 lỗ golf đều được ghi lại. Số gậy trung bình thừa ra so với số gậy tiêu chuẩn 72 chính là handicap của người đó, phản ánh trình độ của người chơi.

Handicap sẽ ảnh hưởng tới kết quả thi đấu của các tay golf nghiệp dư và việc phân định ngôi vị của các tay golf trong một giải golf mà họ tham gia. Việc chọn người thắng cuộc được tính bằng tổng số gậy họ đánh trong giải đó trừ đi chỉ số handicap, để tính ra được điểm Net. Ai có số điểm Net thấp hơn sẽ thắng cuộc.

Các tay golf chuyên nghiệp bắt buộc phải có handicap bằng 0 hoặc âm thì mới được tham dự các giải đấu chuyên nghiệp. Hiện nay, tại các nước trên thế giới, việc chứng nhận handicap chỉ do một cơ quan điều hành golf duy nhất ở quốc gia đó có thẩm quyền và uy tín cấp.

 
 Thanh Phong (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN