TTVH Online

Chỉ có chiếu Cần Vương lần thứ nhất là thật?

03/06/2008 21:32 GMT+7

Theo TS Nguyễn Quang Trung Tiến, “Chiếu Cần vương lần thứ 2” (19-9-1885) được biết đến lâu nay cũng là “giả”

TS Nguyễn Quang Trung Tiến
(TT&VH) - Không những cho rằng văn bản này có thể là “giả”, mà theo TS Nguyễn Quang Trung Tiến, “Chiếu Cần vương lần thứ 2” (19-9-1885) được biết đến lâu nay cũng là “giả”. Ngoài ra, ông còn đưa ra giả thuyết về chủ nhân thực sự của những bức chiếu này, và phỏng đoán về việc tại sao lại có chi tiết vua Hàm Nghi đi cầu viện nước Đức.

1. TS. Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết: 13 năm trước (1995) nhà nghiên cứu Võ Quang Yến ở Paris đã gởi bài về Việt Nam giới thiệu văn bản này (được đăng trên tạp chí Huế Xưa & Nay).
Trong khoảng 15 năm trở lại, các nhà nghiên cứu chuyên sâu lịch sử cận đại Việt Nam qua các hội thảo khoa học ở TP.HCM và Huế đã đi đến xác định: chỉ có văn bản thứ nhất, gọi là dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, phát đi từ Tân Sở thuộc huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị ngày 13-7-1885 là thật (Văn bản này xưa nay bị sử sách gọi sai là chiếu Cần Vương lần thứ nhất, cần phải sửa lại là  dụ Cần Vương cho đúng nguyên bản và đúng với thể loại chuyển tải mệnh lệnh bắt buộc của hoàng đế).

Còn văn bản được gọi là “chiếu Cần Vương lần hai” phát từ Hà Tĩnh ngày 19-9-1885, do Gosselin đăng bằng tiếng Pháp (không có nguyên bản chữ Hán) trong cuốn Le Laos et le protectorat française (Lào và chế độ bảo hộ của Pháp) xuất bản tại Paris năm 1900, là văn bản giả.


Nguyên bản Chiếu cần vương?

Ở văn bản 3-7-1889 này (tức Chiếu Cần Vương lần thứ 3 được xem là “nguyên bản”- TT&VH), hình thức trình bày có khác với mạch văn của thời đó, ở chỗ ngày tháng lại đưa ra phần đầu (bên phải) chứ không nằm ở cuối (bên trái) như thường thấy ở văn bản Hán cổ; đó là điều hơi đáng ngờ. Nội dung văn bản chỉ nhằm mục đích kêu gọi quan viên dân chúng miền Nam ủng hộ kinh phí kháng chiến chứ không buộc toàn dân đứng lên giúp vua như Dụ Cần Vương 13-7-1885.

Văn bản lại có nhiều điểm mâu thuẫn, như đoạn đề cập không đúng về Nguyễn Văn Tường. Hơn nữa, thời gian phát xuất văn bản 3-7-1889, tức 8 tháng sau ngày vua Hàm Nghi bị bắt (1-11-1888) và đã bị Pháp lưu đày sang ngoại ô thành phố Alger ở Algérie. Do vậy, khỏi cần suy nghĩ cũng có thể khẳng định đó không phải là văn bản do / hoặc của vua Hàm Nghi ban hành.

2. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng nếu vua phái cận thần, thuộc hạ đi cầu viện thì cũng xem như vua đi cầu viện. Ở đây tôi có thể nói rằng vua Hàm Nghi đã từng cử Nguyễn Quang Bích đi cầu viện nhà Mãn Thanh (nhưng bất thành); sau đó vào tháng 2-1886 Tôn Thất Thuyết đại diện vua Hàm Nghi tiếp tục sang Trung Quốc cầu viện nhà Mãn Thanh, nhưng bị Pháp câu kết với Mãn Thanh quản thúc ông tại Quảng Đông, không trở về Việt Nam được và mất ở đó năm 1913.

Còn việc vua Hàm Nghi có cử người đi cầu viện ở đâu nữa thì chưa, hoặc không thấy tư liệu nào đề cập. Dẫu vậy, khó thể có chuyện vua tôi Hàm Nghi đi cầu viện Đức quốc và được nước Đức nhận lời như văn bản 3-7-1889 nói.

Cuối cùng, tại sao bức chiếu lại đề cập việc cầu viện Đức quốc thành công để kêu gọi quan viên dân chúng miền Nam? Thiết nghĩ năm 1870 cuộc chiến tranh Pháp - Phổ  diễn ra vào thời điểm chỉ mới Nam Kỳ vừa mất vào tay Pháp.

Sự thắng lợi của người Đức là nỗi ám ảnh nhục nhã của nước Pháp, đồng thời là hy vọng mong manh của người Nam Kỳ về sự rút quân của người Pháp lúc đó. Tuy nước Pháp cuối cùng đã vượt qua thất bại để đi lên, nhưng hình ảnh nước Đức ở cuối thế kỷ XIX vẫn tạo nên những cảm xúc ngược chiều trong ý nghĩ của người Pháp và người Việt. Sự “hí lộng quỷ thần” về cầu viện Đức quốc thành công trong văn bản 3-7-1889 có thể vì lý do như đã nói.

3. Theo TS Tiến, văn bản này là giả; dù có thể chất liệu, mực, son và dấu ấn, triện trên văn bản có niên đại cùng thời vua Hàm Nghi. Lý do như đã nói là thời gian xuất hiện văn bản nằm sau ngày vua Hàm Nghi bị bắt khá lâu, trong khi vua bị ở xa tổ quốc và bị Pháp quản thúc chặt chẽ, không còn liên hệ với phong trào Cần Vương trong nước.

Vậy văn bản nói trên có thể là của ai? TS Tiến cho biết: Ngoài văn bản này, từ lâu các nhà nghiên cứu cận sử Việt Nam cũng đã phát hiện một số chỉ, dụ, sắc phong ký tên vua Hàm Nghi sau khi vua đã bị bắt. Thậm chí đến thời điểm 1892 vẫn còn xuất hiện những văn bản đó. Giải thích hiện tượng này như thế nào cho dễ chấp nhận?

Người Pháp rất vui mừng khi bắt được vua Hàm Nghi vào 1-11-1888. Họ lập tức loan tin vua Hàm Nghi bị bắt một cách rộng rãi, với mục đích làm nản lòng tướng sĩ Cần Vương. Trong thực tế, nhiều thủ lĩnh Cần Vương đã tự sát hoặc giải tán lực lượng ra đầu thú Pháp khi biết vua không còn.

Do vậy, khả năng người Pháp tạo ra văn bản Hàm Nghi giả rất thấp, thậm chí bằng không; bởi không có lợi gì cho nền thống trị của họ, phủ nhận chính thông tin họ đang cố gắng tuyên truyền, đồng thời sẽ tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng và lòng quyết tâm đấu tranh của sĩ dân Việt Nam.

Điều dễ suy luận là các văn bản ký tên Hàm Nghi xuất hiện sau ngày vua bị bắt thường không có lợi cho Pháp nhưng có lợi cho kháng chiến (ngoại trừ những nội dung sai lệch về cá nhân, sự kiện). Do vậy, chính các thủ lĩnh trong hàng ngũ Cần Vương là những người được nghi vấn nhiều nhất, đặc biệt là cụ Phan Đình Phùng.

Đặc điểm của mối quan hệ vua tôi, chủ tớ thời phong kiến là cần có một người bề trên (minh chủ) để điều hành công việc chung; nếu không, chẳng còn ai phục ai và mọi sự thống nhất sẽ không còn. Do vậy, các văn bản ký tên Hàm Nghi giả chủ yếu vì mục đích nuôi dưỡng niềm tin (chí ít là gieo nghi hoặc) để phong trào không tan vỡ và có tiếng nói chung, nên đó có thể là sự đóng góp hơn là phá hoại.

Tuy nhiên, đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa đủ cứ liệu lịch sử, vì thế chỉ là nghi vấn chứ chưa thể nói đích xác người tạo nên các văn bản giả Hàm Nghi.

Khang An

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN