Những 'chuyện vớ vẩn' của 'bọ Lập'

10/10/2011 08:24 GMT+7 | Đọc - Xem

Sau cuộc trò chuyện chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ vì “bọ Lập” không khỏe, khoảng 200 cuốn Chuyện đời vớ vẩn đã được bán hết, còn dòng người nườm nượp vây quanh ông chờ xin chữ kí.

Không gian Café thứ bảy tối 8/10, dù trời mưa vẫn kín khách đến tham dự buổi giao lưu với nhà văn Nguyễn Quang Lập. Buổi gặp gỡ giữa nhà văn gốc Quảng Bình với khán giả Nam Bộ mang những nét hài hước rất đặc trưng vùng miền. Nhà thơ Đỗ Trung Quân phải làm nhiệm vụ “dịch” câu hỏi của bạn đọc cho tác giả hiểu và ngược lại. Nhưng một lúc sau thì mọi người dường như cũng quen dần với chất giọng miền trung đặc sệt của “bọ Lập”.

Hài mà sâu sắc
 
Chuyện đời vớ vẩn tập hợp những câu chuyện nho nhỏ: từ kỷ niệm với những người bạn như Phùng Quán, Trần Dần, Trần Tiến, Mai Hoa..., những chuyện hồi nhỏ về cô giáo, chơi trung thu, đi xem phim... cho đến những chuyện xã hội ngày nay, chuyện trong giới văn chương. Điều thú vị là, những câu chuyện “vớ vẩn” ấy luôn mang phong cách hài hước, bình dị và kèm theo những thông điệp ‎sâu sắc.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập ký tặng sách tại Cà phê thứ 7. Ảnh: K.V

Một độc giả đã đứng dậy cảm ơn “bọ Lập” vì “cả nhà tôi đều thích đọc văn của ông”. Nguyễn Quang Lập bộc bạch, đối với một nhà văn thì những lời khen của độc giả chính là liều thuốc bổ vô giá. Hồi mới tập tành blog, ông đã viết một entry để nói về cảm giác lâng lâng sung sướng như thế nào khi nhận được những lời bình cho mỗi bài viết, mà ông gọi là “sướng củ tỉ”. Có lẽ, không mấy ai hiểu sướng “củ tỉ” ra sao nhưng chắc cũng cảm nhận được cái sướng của ông. Vì thế, gần đây khi buộc phải khóa phần comment dưới mỗi entry, ông cảm thấy mất mát lớn. Ông thành thật: “Có những cái “còm” (comment) chuyện đâu đâu, chẳng liên quan gì đến chủ đề bài viết. Như thế cũng vui đi vì blog của mình trở thành diễn đàn cho họ. Nhưng đến khi xuất hiện những “còm” cãi lộn, chửi nhau vì không cùng quan điểm thì tôi buộc phải đóng lại, mặc dù tiếc lắm”.

Sự lạc quan hiếm thấy

Bị tai nạn xe máy gãy chân cả chục năm nay nên Nguyễn Quang Lập thường rất ít di chuyển, sức khỏe của ông cũng không được tốt. Tuy nhiên, khi đọc văn cũng như tiếp xúc, độc giả luôn thấy ở ông một tinh thần lạc quan khi nhìn sự việc qua lăng kính hài hước. Nói về chuyện sợ vợ, ông bảo: “Đàn ông biết sợ vợ mới đúng là người đàn ông. Chỉ những người nào sợ vợ mà không biết vì sao sợ mới không đáng”, làm cả khán phòng vỗ tay tán thưởng rần rần. Có người đề nghị ông tự họa chân dung, ông nói: “Câu hỏi rất hay nhưng quá muộn”. Khi tất cả còn đang ngơ ngác, ông chậm rãi tiếp lời: “Tại sao bạn không hỏi tôi hồi tôi 30 tuổi. Hồi đó tôi còn trẻ, nghe mọi người bảo là đẹp trai lắm”, khiến mọi người “ồ” lên thích thú. Bàn đến chuyện tiền bạc, ông thẳng thắn: “Tiền bạc ai mà không cần. Có cho tôi chức vụ mà không có tiền thì tôi cũng không nhận”. Hỏi, làm cách nào mà ông có thể vui vẻ trong mọi trường hợp, Nguyễn Quang Lập giải thích: “Nhà văn cần phải có một bộ mặt lạc quan trước đám đông. Sự lạc quan ấy luôn dẫn dụ mình vượt qua số phận”.


Nhưng sau mỗi câu nói đùa, “bọ Lập” không quên đưa câu chuyện về nghiêm túc. Ông quan niệm, nghệ sĩ khó mà nói được mình là ai, độc giả chỉ có thể thấy họ qua các tác phẩm của họ. Đối với một nhà văn, điều mà họ qu‎í hơn cả tiền bạc chính là sự đón nhận, chia sẻ của độc giả qua mỗi tác phẩm. Còn văn chương với ông, “không phải để chứng tỏ. Văn chương là để chia sẻ. Vì thế nên không có cái gọi là dạy dỗ, khuyên răn trong văn chương”.
 

Một khán giả trẻ không hiểu chữ “bọ” trong “bọ Lập” nghĩa là gì thì được nhà văn giải thích, “bọ” tiếng miền trung nghĩa là “bố”. “Bọ Lập” là cách gọi thân mật giữa những người thân, bạn bè ông. Lại có người thắc mắc vì sao ông chỉ viết những chuyện “vớ vẩn” như cách ông tự nhận. Ông cười bảo, chữ “vớ vẩn” ở đây chỉ mang nghĩa không quan trọng, đọc cũng được, không cũng không sao, bởi nó đơn thuần là những suy nghĩ, chia sẻ của ông về những chuyện hàng ngày xảy ra quanh mình.


Theo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm