Chậm tiền công, “vua sân cỏ” bức xúc

10/01/2012 11:48 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - “Cho đến hết ngày hôm nay (9/1), toàn bộ tiền di chuyển, ăn ở làm nhiệm vụ ở lượt trận thứ 2 Super League của tôi đều là tiền nhà mang đi. Chẳng rõ BTC Super League hay cao hơn là VPF xử lý chuyện tiền bạc như thế nào, nhưng dích dắc và rối rắm lắm”, một trọng tài (TT) xin được giấu tên tỏ ra bức xúc khi trao đổi qua điện thoại với PV TT&VH.

Với thời giá hiện nay (vé máy bay, chi phí di chuyển nói chung, tiền ăn, ở…), một chuyến công tác/lượt trận của các GS và TT dao động từ 10-15 triệu đồng. Ví như một TT từ Hải Phòng vào Nha Trang làm nhiệm vụ, tối thiểu cũng ngốn hết chục triệu đồng/2 lượt bay Nội Bài-Cam Ranh, taxi ở Hà Nội và TP.HCM, rồi xuống miền Tây còn có thể cao hơn... Tiền ứng trước (10 triệu đồng/4 trận-PV) của VPF như muối đổ bể.

“Chúng tôi có nhận được 2 loại thẻ, một là Visa Card (với sẵn tài khoản vài chục triệu đồng trong đó), thẻ còn lại là ATM. Theo đó, cứ sau mỗi lượt trận, anh em TT lại phải ra cột ATM kiểm tra xem tiền công mình nhận được bao nhiêu và đã chuyển vào chưa. Nhưng với Visa Card, thì đúng là bó tay. Chẳng phải ở đâu người ta cũng cho “quẹt” thẻ thanh toán”, vị TT này tiếp tục.


Các trọng tài đã nhận được câu trả lời thỏa đáng của đại diện VPF về vấn đề tiền nong

Để minh chứng cho sự phiền toái từ các thể loại thẻ, một ông “vua sân cỏ” khác lấy luôn ví dụ: “Làm việc ở các thành phố lớn còn đỡ, chứ nếu về Ninh Thuận, Bình Thuận hay vùng sâu xa, miền núi kiểu Dak Lak, Đắc Nông thì tìm đâu ra chỗ mà quẹt, tìm đâu ra chỗ ATM mà “rút”? Thanh toán bằng thẻ tiện thật đấy, nhưng công nghệ cũng chỉ dùng được đúng nơi, đúng lúc”. Kể cũng có lý!

Trước đây, các GS, TT thường có thói quen được nhận “tiền tươi thóc thật”, khi toàn bộ tiền phí di chuyển, ăn ở, tiền công, được giao về đầu mối là CLB chi trả. Tất nhiên, VFF sẽ tính riêng với các đội bóng về khoản chi này. Nhưng ai mà biết được số tiền cụ thể trong cái phong bì ấy là bao nhiêu?!

Tất nhiên, cơm không ăn, gạo còn đó, nhưng đi làm việc công mà phải ứng tiền nhà thì kể cũng ngán ngẩm. Bên cạnh chuyện tiền công bị “tắc”, đội ngũ TT cũng lên tiếng kêu ca khá nhiều về các khoản thuế (thu nhập) mà họ phải gánh. “Cái gì cũng bị trừ thuế và tính ra, thu nhập cho TT không cao như nhiều người nghĩ đâu”, vẫn lời ông “vua áo đen” này. Không biết cái sự “không cao” ở đây có bao hàm cả nghĩa bóng của nó?!

Trong nỗ lực làm sạch các giải đấu và tránh những tiêu cực phát sinh từ chuyện cái phong bì, nhà tổ chức Super League và giải hạng Nhất, cụ thể là VPF, đã đứng ra nhận khoản chi phí cho TT, đồng thời còn tăng tiền công/trận đấu lên mức kỷ lục (TT bắt chính ở Super League nhận 7,2 triệu đồng/trận sau thuế, với trợ lý là 4,5 triệu đồng/trận-PV). Và thay vì trả tiền mặt, VPF nghĩ ra chuyện quẹt thẻ cho tiện.

“Cần có thời gian để phối hợp công tác tổ chức các khâu và cũng cần có thời gian để giải quyết các chứng từ, giấy tờ, đó là lý do mà có thể tiền công buộc phải chậm đôi ba ngày. Chứ chúng tôi (VPF) không thiếu tiền trả cho đội ngũ điều hành các trận đấu”, Phó TGĐ Cty VPF Phạm Phú Hòa, người trực tiếp chịu trách nhiệm chung về công tác điều hành, tài chính của Cty “mẹ” giải thích.

Thay đổi thói quen, ở đây là phương thức thanh toán, không dễ, dù giới GS, TT phần lớn họ đều là những tín đồ của công nghệ. Có đủ những lý do khách quan, chủ yếu là về mặt địa lý, mà rất nhiều các GS, TT đã đưa ra để kêu khó nhà tổ chức.

Trong tình huống này, đại diện VPF (ở đây là Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa) cũng rất dũng cảm đứng ra nhận thiếu sót. “Vua sân cỏ” đã có câu trả lời thỏa đáng.

TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm