Phim 'Dành cho tháng Sáu': Quay bằng máy ảnh vẫn cảm xúc

19/05/2012 14:24 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Với quy mô, kinh nghiệm và mức đầu tư của đoàn phim độc lập còn nhiều hạn chế, chắc chắn Dành cho tháng Sáu sẽ gây bất ngờ cho giới làm nghề nhiều hơn là khán giả thông thường. Bởi với thể loại phim về bóng rổ vốn “khó nhai”, ít ai nghĩ đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn và ê-kíp của mình lại làm sinh động đến như vậy.

Phim chia làm 3 phần rõ ràng: Thứ nhất, đó là tình bạn, sự gắn kết của Kiên, Minh và Hoàng với đội bóng rổ trường Duy Tân. Thứ hai, dù chàng đội trưởng Kiên được nhiều cô gái yêu thích nhưng anh lại chỉ nghĩ đến Minh, cô bạn thân từ lâu và có nhan sắc bình thường. Trước trận đấu loại trực tiếp với đội đương kim vô địch Lý Thường Kiệt và cũng là trận cuối cùng của Hoàng, vì khi lên lớp 12, bạn này phải tập trung cho việc học, thì Minh từ chối lời tỏ tình khiến Kiên bỏ lên Thái Nguyên. Thứ ba, trước ngày thi đấu, Hoàng và Minh quyết định đi tìm, nhưng Kiên không về, khi vào trận, đội bóng như rắn mất đầu, bị dẫn trước và có nguy cơ thua. Ở những phút cuối, Kiên bất ngờ xuất hiện và giúp đội gỡ hòa tỷ số, phim kết thúc ở đó. Câu chuyện này sẽ là ngô nghê nếu cách kể vụng về, thế nhưng, họ đã biết kể một cách rất điện ảnh, với nhiều góc quay khó - đa dạng, dựng phim thông minh, diễn xuất đạt liều lượng.



Quay sinh động các pha bóng rổ là điểm đáng khen của Dành cho tháng Sáu.

Vượt qua nỗi sợ

Đầu tiên phải nói đến việc quay các pha đẹp của môn bóng rổ, dân trong nghề nghe đến là muốn “nhức mỏi”, vì việc sắp xếp diễn xuất và đặt góc máy không hề đơn giản. Nhiều pha ở trên phim chỉ có mấy giây, tại phim trường có khi quay mất mấy ngày. Bởi ngoài khó khăn về kỹ thuật đặc thù của bóng rổ; sự di chuyển tốc độ cao, đầy lắt léo của các cậu thủ rất khó cho việc ghi hình; thì sức khỏe và cảm xúc của các diễn viên là điều đáng quan tâm, vì quay quá nhiều sẽ bị “đơ”. Nguyễn Hữu Tuấn nói 15 phút footage (cảnh quay thô, chưa chỉnh sửa) của các trận đấu mà phải ghi hình mất 12 ngày. Đoàn phim có được sự thành công này vì họ đã được các cầu thủ trẻ và các thành viên chủ chốt của Hiệp hội Bóng rổ không chuyên Hà Nội cố vấn và thể hiện các pha bóng nhanh, đẹp.

Khó khăn vừa kể nếu với ê-kíp quay chuyên biệt và máy quay chuyên dụng thì giải quyết dễ suôn sẻ hơn. Phim này được quay toàn bộ bằng máy ảnh Canon 5D Mark II, khó khăn đương nhiên sẽ nhiều hơn máy quay chuyên dụng, vì mục đích chính của dòng máy này vẫn là chụp hình. Máy này ghi hình theo phương thức “đọc quét”, nếu di chuyển quá nhanh thì có thể rơi vào mấy hạn chế: hình ảnh bị nghiêng hoặc gãy; đôi lúc mất hoặc thiếu nét vì độ lấy nét không được sâu; nhiều khi không thống nhất tốc độ giữa tiền ảnh và hậu ảnh. Nhóm quay phim này tỏ ra thông thạo dòng máy nên đã biết cách khắc phục, đôi chỗ còn biết vin vào sai sót để tạo ra cảm xúc. Họ cũng biết tận dụng ưu điểm nhỏ gọn của thân máy để linh hoạt trong các pha bóng khó, qua đó tạo ra những khung hình rất xi-nê. Chính cách làm này một lần nữa khẳng định máy móc chỉ là phương tiện, vấn đề còn lại là việc sử dụng phương tiện đó hiệu quả đến mức nào mà thôi.

Diễn xuất tự nhiên

Giới xem phim thường đồng ý với nhau một luận điểm: Sự diễn xuất của phim Việt (rõ hơn ở các phim miền Bắc) vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của kịch nói và sân khấu nói chung, nên việc “diễn quá” vốn không xa lạ. Ê-kíp Dành cho tháng Sáu đặt trọn vẹn tại Hà Nội, thế nhưng đạo diễn đã chọn lối diễn xuất rất tự nhiên, phù hợp với xu thế xem phim của giới trẻ; những khán giả xem phim “truyền thống” có thể khó chịu với cách này, vì họ nghĩ diễn viên “lười diễn”.

Bản lĩnh nhất vẫn là Thiên Tú (vai Minh), khi nhân vật này phải trải qua những trạng thái tâm lý khá phức tạp và tinh tế. Đó là sự biến chuyển tình cảm từ vô tư vui vẻ sang e dè, lo lắng và dằn vặt. Thiên Tú (sinh 1991) từng vào vai Ngô trong Áo lụa Hà Đông và Trinh trong Huyền thoại bất tử của đạo diễn khó tính Lưu Huỳnh nên đủ bản lĩnh để xử lý vai này.

Sự tự nhiên trong diễn xuất còn đến từ quan điểm của đạo diễn về tình yêu tuổi học trò, anh không nghiêng về hướng phê phán sự bồng bột và cũng không nghiêng về sự ủng hộ dễ dãi. Một điểm đặc biệt nữa là có khoảng 23 ca khúc được cất lên, rất ca nhạc, nó vô tình trở thành “kỷ lục” của phim thể thao. Các ca khúc không chỉ bù đắp vào khoảng lặng của vài trường đoạn đơn điệu, mà còn tạo hiệu quả rất tốt trong việc diễn đạt sự biến chuyển tâm trạng của các nhân vật, đặc biệt của Kiên. Phim chính thức công chiếu trên toàn quốc vào ngày 18/5.

Văn Bảy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm