Khánh thành Bảo tàng Hà Nội: Đã xong “vỏ”, còn hoàn thiện “ruột”

07/10/2010 11:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua (6/10), Bảo tàng Hà Nội - công trình văn hóa được chờ đợi nhất trong dịp Đại lễ - đã khánh thành và đón khách quan. Kể từ ngày khởi công 19/5/2008, sau rất nhiều nỗ lực, công trình đã về đích đúng tiến độ.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Tính tới thời điểm hiện tại, có thể nói, Bảo tàng Hà Nội là bảo tàng có diện tích lớn nhất (diện tích xây dựng khoảng 11.925m2 trên tổng số 53.963m2) và có kết cấu hiện đại nhất trong số các bảo tàng trên cả nước.

Trải nghiệm không gian trưng bày liên hoàn


Không gian liên hoàn của Bảo tàng Hà Nội

Công trình gồm 4 tầng với hình dáng kim tháp ngược. Không gian đồ sộ hàng ngàn m2 của bảo tàng với cầu thang hình xoáy trôn ốc kết nối từ tầng 1 đến tầng 4 thành một khối liên hoàn. Du khách có thể đi hết một vòng tầng 1 lên cầu thang vào tầng 2, tiếp tục tham quan và cứ như thế đi lên tầng 4.

Có thể nói, đây là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt đối với những người yêu thích bảo tàng ở Việt Nam. Vì các bảo tàng cũ của chúng ta thường chia thành từng phòng trưng bày nhỏ trên một diện tích và thiếu tính liên hoàn.

Tại Bảo tàng Hà Nội, tầng 1 trưng bày mô hình Cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật thời Lý - Trần - Lê, tư liệu khoa học về nội dung Thăng Long thời Đại Việt và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng thành Thăng Long.

Tầng 2 là khu trưng bày Tự nhiên và khu trưng bày Tiền Thăng Long với điểm nhấn là trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương.

Ở tầng này có nhiều hiện vật trực quan sinh động giúp cho người xem hiểu thêm về Hà Nội. Dù đó không phải là những cổ vật nhưng lại rất thu hút người xem. Như bộ xương rùa Hồ Gươm, tiêu bản tôm Hồ Tây (loại tôm thường để làm món bánh nổi tiếng Hà thành - bánh tôm), cá lăng (để làm chả cá Lã Vọng); những cành hoa sữa, bằng lăng - những loài hoa gắn bó với Hà Nội.

Tầng 3 trưng bày các hiện vật của Bảo tàng, bộ sưu tập của nhà sưu tầm cổ vật Bùi Đình Sử và Vũ Tấn, Hội Cổ vật Thăng Long.

Tầng 4 triển lãm ảnh về Hà Nội xưa và trưng bày các hiện vật của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam.

Để về đích đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ đơn vị thi công mà những người thiết kế và trưng bày hiện vật đã phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Cho đến tận đêm 5/10 các nhân viên vẫn còn phải miệt mài thực hiện nốt công đoạn còn lại để chuẩn bị cho ngày hôm sau khánh thành.

Về cơ bản công trình này đã hoàn thành nhưng vẫn còn phải chỉnh trang cảnh quan xung quanh bảo tàng và quan trọng nhất là bổ sung “ruột” cho bảo tàng.


Bảo tàng Hà Nội kiến trúc hình kim tự tháp ngược
“Ta đừng biến nó thành cái kho”

Hiện tại, với số lượng hàng vạn hiện vật trưng bày có thể nói là khá dày dặn và đa dạng. Tuy nhiên, đúng như kế hoạch, phần trưng bày này được thực hiện để kịp hoàn thành dịp Đại lễ, và tiếp tục hoàn thiện sau đó. Vì thế, không gian trưng bày còn khá rộng rãi, và cách trưng bày tạo cảm giác hơi xa cách với người tham quan. Để hoàn thành chức năng bảo tồn, khai thác, phát huy và quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.

Trong lễ khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Có lẽ đây là bảo tàng lớn nhất nước... Khi chưa có bảo tàng chúng ta mơ ước có bảo tàng. Bây giờ nó đã được xây xong, nhưng đó chỉ là cái vỏ, ta đừng biến nó thành cái kho. Trách nhiệm của Bảo tàng là phân loại, trưng bày làm sao để du khách trong và ngoài nước hiểu được về lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bảo tàng phải thực hiện tốt chức băng bảo tồn, khai thác phát huy và quảng bá”.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - GĐ Bảo tàng Hà Nội - Bảo tàng sẽ mở trong vòng 3 tháng sau đó đóng cửa để trình bày các hiện vật theo đúng “kịch bản”. Được biết, thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội do Công ty tư vấn Story Inc (New Zealand) đề xuất và đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.

Pho sách đồng gửi 100 năm sau

Hôm qua, với hình thức một pho sách cổ bằng đồng, hiện vật duy nhất Gửi tới mai sau của TP Hà Nội đã được trưng bày tại tầng 1 - Bảo tàng Hà Nội. Pho sách gồm 3 trang, trong đó có bìa trước, bìa sau và trang ruột.


Pho sách đồng gửi 100 năm sau
Về hình thức, bìa sách được chạm khắc hoa văn tinh xảo với hình Khuê Văn Các, Rồng thời Lý, hoa sen, mây ngũ sắc... Nội dung của bức thư Gửi tới mai sau, gồm 1.000 chữ quốc ngữ đúc trên nền hoa văn trống đồng, do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp tham gia soạn thảo cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa...

Thư chỉ được mở sau 100 năm, và TP Hà Nội giữ bí mật cả những nghệ nhân tham gia quá trình thực hiện tác phẩm.


Hải Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm