Nguy cơ "chiến tranh hóa học" ở Syria

13/08/2012 10:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Ngày 11/8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi thảo luận “các kịch bản tồi tệ nhất” ở Syria với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu có đề cập tới khả năng quân Chính phủ sẽ dùng vũ khí hóa học, một công cụ giết người hàng loạt. Nhưng giới phân tích đã đặt dấu hỏi rằng liệu chính quyền Syria có làm vậy và quan trọng hơn là liệu họ có khả năng tấn công bằng vũ khí hóa học như đã tuyên bố?

Đây không phải là lần đầu tiên người ta bàn tới khả năng quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy hoặc các mối đe dọa tới từ ngoại bang. Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 23/7, đích thân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria, Jihad Makdissi, từng đe dọa rằng Syria không ngại sử dụng các vũ khí “phi quy ước” chống lại sự gây hấn từ bên ngoài.

Những ẩn số quanh vũ khí hủy diệt của Syria

Phần lớn các chuyên gia đều tin Syria có một số chương trình vũ khí hóa học nhất định, theo sau cuộc chiến của Israel với thế giới Arab vào năm 1973. Đó là khi Ai Cập chuyển cho nước này một số loại khí mù tạt và tên lửa mang chúng. Kết thúc cuộc chiến với việc bị Israel đánh bại, Syria đã quyết định sẽ phát triển các loại vũ khí riêng có khả năng chống lại mối đe dọa từ quốc gia Do Thái này.

Nhưng ngoài thông tin trên, gần như tất cả các phát biểu về chương trình vũ khí phi quy ước của Syria, kể cả những tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Ban Kimoon, cho tới nay đều là phỏng đoán. Ông Ban từng nói với các phóng viên hồi tháng 7 năm nay rằng: “Thông tin ít ỏi mà tôi đọc được cho thấy Syria có khả năng sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng tôi không thể xác nhận việc Syria có một lượng đáng kể loại vũ khí này”.


Khả năng quân Chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học hiện không đáng ngại bằng việc các vũ khí này rơi vào tay khủng bố

Cá nhân Leonard S. Spector, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Monterey về việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Mỹ, tin rằng Syria có lượng đáng kể các loại vũ khí hóa học. “Họ có các loại khí từng được sử dụng trong Thế chiến I, như mù tạt và cyanide. Họ cũng có cả khí độc thần kinh hiện đại nữa” - ông nói.

Những người có quan điểm giống ông tin rằng chính quyền Syria có trong tay hàng trăm tấn khí độc thần kinh sarin, một lượng lớn khí Tabon và VX hết sức nguy hiểm, có khả năng giết người hàng loạt. Theo tờ Daily Mail, các chất độc này hiện đang được chứa ở 37 địa điểm khác nhau trên khắp đất nước và có ít nhất 4 nhà máy sản xuất vũ khí hóa học đặt ở các thành phố Homs, Hama, Latakia, Palmyra và al-Safira. Vũ khí hủy diệt còn được để ở các thị trấn Khan Abu Shamat và Furqlus.

Spector không chắc lắm về việc Syria có phát triển vũ khí sinh học hay không, nhưng cho biết Syria hoàn toàn có khả năng nghiên cứu, sản xuất vũ khí sinh học. Hồi năm 2004, Cơ quan Phòng vệ Thụy Điển từng đưa ra báo cáo kết luận rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Syria “chứa chấp một chương trình vũ khí sinh học phục vụ việc tấn công kẻ thù”. Nhưng các tác giả đánh giá Syria có một ngành công nghiệp dược rất phát triển, tới mức đáng nghi. Báo cáo kết luận rằng ngành công nghiệp dược có thể được sử dụng để cho ra đời vũ khí sinh học tấn công nếu cần.

Sợ thất lạc hơn bị sử dụng

Nhưng dù có vũ khí sinh hóa, Syria mới chỉ nắm được nửa lá bài. Lá bài còn lại là các hệ thống đưa vũ khí này tới quân thù. Dù Syria có chương trình tên lửa đạn đạo bắt nguồn từ những năm 1970, nước này lại không có khả năng tự sản xuất tên lửa và phải dựa vào sự hỗ trợ trang thiết bị, công nghệ từ Iran, Nga. Theo ước tính của trang web Globalsecurity.org, tới năm 2003 Syria đã mua được hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud và SS-21, được trang bị khoảng 200 đầu đạn hóa học. Các tên lửa này có khả năng bắn tới mọi nơi trên đất hàng xóm của Syria, bao gồm cả Israel.

Nhưng khả năng tấn công sinh hóa của Syria vẫn không được đánh giá cao. Tướng Syria về hưu Akil Hashem giờ đang sống lưu vong ở Pháp nói rằng cộng đồng quốc tế không phải quá lo lắng về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Syria. Ông khẳng định mình có thể nắm được chân tơ kẽ tóc chương trình này cho tới tận đầu năm 2011 và tuyên bố: “Chương trình còn sơ khai lắm”.

Tờ The Economist dẫn lời Emile Hokayem, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết các chính quyền phương Tây hiện đang lo lắng về một số kịch bản liên quan tới kho vũ khí hủy diệt của Syria. Khả năng đầu tiên, đã được bà Clinton nhắc tới, là việc ông Assad sẽ cho phép dùng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy. Song khả năng này rất khó xảy ra bởi dù đạn pháo và tên lửa mang vũ khí hóa học rất nguy hiểm khi chống lại các điểm phòng thủ tập trung, chúng lại thường không thu nhiều hiệu quả với các lực lượng không chính quy, chiến đấu theo kiểu du kích. Ngoài ra, việc bắn các vũ khí hủy diệt này vào điểm giao tranh nằm trong một thành phố đông dân thường sẽ mang tới hậu quả là sự ủng hộ cho Assad giảm nhanh chóng và đó là điều ông không mong muốn.

Kịch bản dùng vũ khí hóa học tấn công vào Israel cũng được đặt ra, nhưng nó sẽ chẳng mang lại tác dụng gì. Nguyên nhân do các tên lửa Scud vốn không chính xác và có thể không gây nhiều thiệt hại cho Israel, trong khi Syria sẽ vấp phải những đòn trả đũa dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn từ quốc gia Do Thái.

Hướng kịch bản khiến nhiều người lo lắng nhất là việc vũ khí hóa học có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố đã xuất hiện trong cuộc nội chiến ở Syria. Al Qaeda đã liên tục đe dọa sẽ dùng vũ khí hủy diệt nếu có được nó và thủ lĩnh tổ chức này là Ayman al- Zawahiri đã liên tục kêu gọi người ủng hộ tham gia phe đối lập Syria.

Bà Esfandiary nói rằng việc vận chuyển một số lượng lớn vũ khí hóa học sẽ rất khó để che giấu, việc pha chế chúng đòi hỏi kiến thức tốt và đồ bảo hộ chuyên dụng, và việc phát tán chúng ra đám đông cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, bà đánh giá chỉ riêng tác động tâm lý từ việc Al Qaeda có vũ khí hủy diệt đã đủ để đánh gục phương Tây, những rủi ro liên quan tới kịch bản này là cực lớn và người ta cần phải làm hết sức để ngăn chặn, không cho nó diễn ra.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm