Nữ đạo diễn (Bài 4): Nhuệ Giang - Khó khăn vì là phụ nữ

09/10/2009 08:21 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - * Ba chữ “nữ đạo diễn” gợi cho chị nghĩ tới điều gì?

- Công việc đạo diễn là một công việc vất vả, nữ đạo diễn còn gặp nhiều vất vả hơn. Khi làm phim thì lúc nào cũng ở trong tình trạng nước sôi lửa bỏng vì ngoài việc dành hết thời gian cho phim, người ta còn phải lo toan những chuyện khác. Phụ nữ còn thêm gánh nặng gia đình, con cái. Tôi không có con nên có thể dành toàn bộ tâm huyết cho công việc, còn những người khác, tôi nghĩ là họ phải hy sinh một trong hai thứ: công việc hoặc gia đình. Bởi thời gian làm việc đã chiếm trọn mười mấy tiếng một ngày, trở về nhà là lúc sức lực đã kiệt quệ. Khổ tâm lắm. Ngoài ra còn phải có sức khỏe vì cái nghề này nó đòi hỏi phải nỗ lực hơn những nghề khác, phim là sự kết hợp của rất nhiều thứ và lại tiêu tốn rất nhiều tiền nên luôn căng thẳng.


* Vậy cơ duyên nào khiến chị đến với nghề đạo diễn?

- Chẳng có duyên nào cả, chỉ là sự đam mê thôi. Tôi vốn tốt nghiệp đại học Xây dựng. Sinh ra trong gia đình mà bố làm đạo diễn (cha Nhuệ Giang là đạo diễn Phạm Văn Khoa, nổi tiếng với phim Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy - PV), mẹ cũng làm nghệ thuật, bản thân mình cũng yêu nghệ thuật nhưng không hiểu sao lúc trẻ tôi lại không nghĩ nhiều về công việc của mình như thế. Học xong đi làm nghề chẳng bao lâu, tôi thấy mình không yêu cái nghề mình học nên dù đã 25 tuổi, tôi vẫn quyết tâm thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ra trường, trải qua một thời gian làm phó đạo diễn rồi làm đạo diễn đến giờ.

* Đạo diễn là ông vua trường quay trong khi ở Việt Nam không quen “đàn bà làm tướng”. Vậy nữ hoàng trên trường quay sẽ như thế nào thưa chị?

- Sẽ vẫn là tướng vì để làm ra được một bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào ý đồ của đạo diễn. Tuy nhiên, nếu mình thuyết phục được các thành viên khác trong đoàn phim thì mình là tướng mạnh và ngược lại. Chuyện ai mạnh sẽ lấn át được người khác là điều bình thường trong xã hội, một người không giỏi thì dù là nam hay nữ cũng sẽ bị lấn át.


Thung lũng hoang vắng

* Vậy chị có gặp khó khăn gì với đặc thù nghề nghiệp? Xin chị kể lại những kỷ niệm nhớ đời trong nghề có liên quan tới lý do chị là nữ đạo diễn.

- Tôi ra trường năm 1988 và phải làm phó đạo diễn đến năm 1992 mới được giao phim. Đó là “lộ trình” chung của mọi đạo diễn. Tuy nhiên, con đường đó của nam đạo diễn thường ngắn hơn của nữ đạo diễn, có lẽ do họ tự tin, mạnh mẽ hơn. Bộ phim nhựa đầu tiên tôi được nhận là phim thiếu nhi, vì người ta nghĩ phim này đạo diễn sẽ phải làm việc chủ yếu với thiếu nhi nên là đạo diễn nữ sẽ thích hợp. Với cá nhân tôi, tôi thường gặp khó khăn vì không giỏi quan hệ (mặc dù tôi có nhiều mối quan hệ tốt với các lãnh đạo nhưng đấy là do hoàn cảnh chứ không phải do tôi giỏi trong chuyện đó), mà điều này lại rất quan trọng trong việc có được nhận phim hay không dù là phim nhà nước hay phim tư nhân. Nói đơn giản,  tôi không thể ngồi uống rượu để nói chuyện được. Một khó khăn khác là theo “tập quán” của cánh làm phim miền Bắc thì “lính” cũng to ngang với “sĩ quan”, trong một đoàn phim luôn có rất nhiều “kiêu binh”, nếu đạo diễn có kiểu “vênh váo” của đạo diễn thì những thành phần khác cũng có kiểu “vênh váo” của họ. Chúng tôi vẫn truyền nhau những câu đùa: “Đạo cụ là cụ đạo diễn” hay “nếu đạo diễn là nghệ sĩ thì đạo cụ là nghệ nhân”. Nhiều đạo diễn khi đi làm rất cô đơn vì bị cả đoàn phim chống lại. Tôi thì không đến nỗi rơi vào trường hợp đó. Tôi nghĩ trong giới nghệ người ta rất tinh, nếu họ nhìn thấy ở mình năng lực, sự cẩn trọng, lương tâm trong sáng và không coi tiền là quan trọng thì họ sẽ phục.

Có kỷ niệm nhớ đời cũng là do tôi không biết cách “ngoại giao”. Tôi chỉ biết là muốn làm gì thì phải làm bằng được chứ ít biết đến việc người ta sẽ vì nhau do cách nói chuyện. (Cười).

* Có phải vì vậy mà nhiều người nhận xét là chị quyết đoán, mạnh mẽ hơn anh Thanh Vân. Do nghề đạo diễn khiến các nữ đạo diễn trở nên nam tính chăng?

 - Tôi quyết đoán, mạnh mẽ là do tính tôi như vậy từ nhỏ và cả do nghề nghiệp. Tôi nghĩ cả tôi và Vân đều quyết đoán như nhau. Rất riêng biệt. Tôi quyết liệt vì muốn làm mọi cái theo ý mình. Bây giờ đi làm phim, kể cả video - thứ mà người ta thường làm nhanh để kiếm tiền cho nhanh - thì tôi cũng vẫn khó tính. Ai cũng bảo tôi khó tính nhưng khi phim đạt được hiệu quả thì họ lại vui. Cái gì cũng có giá của nó.

* Chị thần tượng nữ đạo diễn nào?

- Jane Campion, người đã làm bộ phim The Piano, nhưng đó là trước kia, khi mình còn ít kiến thức và thiếu thông tin. Còn bây giờ, tôi thấy “nghiêng ngả” với các đạo diễn nam hơn, những người như Thái Minh Lượng, Hồng Hiếu Hiền, họ có con đường sáng tác rất riêng biệt và phim họ chẳng có khán giả, chỉ đi LHP, khán giả trong nước không thích, khán giả quốc tế cũng rất ít, họ chỉ được các đạo diễn ở các LHP quý chứ các nhà sản xuất cũng không thích họ, nhưng họ vẫn đi được con đường của họ.

      Nhuệ Giang là nữ đạo diễn duy nhất của Hãng Phim truyện Việt Nam. Phim truyện nhựa đầu tay Bỏ trốn đã giành được giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996 và giải của Ban giám khảo LHP quốc gia lần thứ 12 năm 1999. Thung lũng hoang vắng đoạt Bông sen bạc tại LHP quốc gia lần 13 và giải Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế tại LHP quốc tế Melbourne năm 2002.

* Theo chị, phim có sự khác biệt khi đạo diễn phim là nữ không? Nếu có thì tại sao?


- Nếu có thì ở khía cạnh tình cảm. Chẳng hạn trong phim của tôi, người đàn bà thường nồng nàn, tình cảm hơn, vì đó chính là tôi, một người yêu nồng nàn, ghét rõ ràng nhưng không cực đoan. Nhân vật trong phim tôi thường thiếu sự căm thù vì tôi cũng không có cảm giác đó, nếu ghét đến độ căm thù thì tôi lại thờ ơ (nếu có thêm nét căm thù thì phim tôi sẽ hay hơn). Các cụ đúc kết là “đàn ông nông nổi giếng khơi...” nhưng tôi thì thấy đàn bà có thể nông cạn trong các vấn đề xã hội nhưng lại rất sâu sắc trong tình cảm, họ có thể hy sinh vì chồng vì con cơ mà. Tất nhiên cũng có những người đàn ông rất sâu sắc, tình cảm. Ngoài đời thì khác, tôi thấy nhiều đạo diễn nam ngoài cuộc sống rất nông cạn nhưng họ lại làm được những phim sâu sắc. Tôi có suy nghĩ như thế vì chồng tôi cũng làm phim như tôi, tôi có thể đặt trên nhiều góc độ để suy nghĩ.

* Cuộc sống lang thang theo đoàn làm phim, theo chị, có bất lợi với nữ đạo diễn không? Điều gì là rào cản thực sự lớn đối với nữ trong nghề này?

- May mà chồng tôi là đạo diễn chứ nếu tôi mà lấy một người chỉn chu thì chắc hôn nhân không thể tồn tại. Tôi phiên phiến, sống bừa bộn, nếu có con chắc cũng không lo được vì đến đi ngủ đầu cũng ám ảnh chuyện làm phim.

Rào cản lớn nhất với nữ đạo diễn có lẽ là lòng tin của xã hội đối với phụ nữ. Phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi đàn ông thì mới được giao phim vì ở nước mình không có ai làm nhiệm vụ nâng niu nghề đạo diễn nên nếu không đam mê, thấy khó khăn là bỏ thì không thể tồn tại.

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm