Thể thao VN sau Olympic London 2012: Đã đến lúc phải cải tổ triệt để?!

13/08/2012 06:18 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

(TT&VH)- Ở SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia, đoàn thể thao VN giành được 289 huy chương, trong đó có 96 HCV, xếp thứ 3 chung cuộc sau Indonesia (476 huy chương, 182 HCV) và Thái Lan (329 huy chương, 109 HCV), đứng trên Malaysia (thứ 4, 190 huy chương, 59 HCV), Singapore (thứ 5, 160 huy chương, 42 HCV). Nếu lấy thành tích ở SEA Games 26 để luận anh hùng thì ở khu vực Đông Nam Á, thể thao VN chỉ xếp sau Indonesia với Thái Lan, nhưng lại đứng trên Malaysia và Singapore với khoảng cách rõ rệt.

Thế nhưng, nếu lấy thành tích ở Olympic London 2012 làm thước đo thì thể thao VN lại thua kém hoàn toàn so với cả Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng như Singapore. Trong khi thể thao VN kết thúc Olympic London 2012 mà không giành lấy nổi một chiếc huy chương thì Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều có một HCB và một HCĐ, Singapore kém hơn một chút cũng có 2 HCĐ.

Lúc này mới thấy mặt trái của chiến lược thể thao “đi tắt đón đầu” mà thể thao VN theo đuổi trong nhiều năm qua, khiến chúng ta luôn có thứ hạng cao ở các kỳ SEA Games, nhưng đến với các đấu trường lớn thực sự như Asian Games hay Olympic thì chúng ta lại thua chị kém em rất nhiều. Có thể có người sẽ cho rằng Olympic là sân chơi quá lớn, vượt quá khả năng của chúng ta nhiều lần nên nếu lấy thành tích ở Olympic để so đọ năng lực cạnh tranh của các nền thể thao Đông Nam Á thì không thực sự thuyết phục.



Tại Olympic London, không phải VĐV nào của Đoàn TTVN cũng vượt qua được chính mình như Nguyễn Thị Thanh Phúc

Nếu thế thì lý giải như thế nào về bảng tổng sắp huy chương ở Asian Games 2010, khi thể thao VN chỉ xếp thứ 24 với vỏn vẹn một HCV, thua cả Myanmar (thứ 22, 2 HCV), Philippines (thứ 19, 3 HCV), và càng không thể là đối thủ của những Singapore (thứ 16, 4 HCV), Indonesia (thứ 15, 4 HCV), Malaysia (thứ 10, 9 HCV) và Thái Lan (thứ 9, 11 HCV). Thậm chí, nếu tính chi li hơn rằng cả Thái Lan lẫn Indonesia đều đã từng có HCV Olympic, mà không phải chỉ một chiếc, thì mới thấy giữa thể thao VN và các nền thể thao hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á có một khoảng cách không nhỏ.

Chiến lược “đi tắt đón đầu”, mà nội dung chủ yếu là du nhập những môn thể thao mới, có thời gian đầu tư không dài nhưng có cơ hội sớm giành huy chương, từng giúp thể thao VN lên ngôi số một ở kỳ SEA Games 22 năm 2003 cũng như duy trì một vị trí đều đặn trong top 4 hoặc top 3 ở các kỳ SEA Games tiếp theo có lẽ chỉ thích hợp khi thể thao VN mới hoà nhập trở lại với sân chơi quốc tế, còn về lâu về dài thì các môn thể thao cơ bản nằm trong hệ thống Olympic mới là kim chỉ nam mà chúng ta nên lấy làm định hướng cho sự phát triển lâu dài của ngành thể thao.

Những lúc trắng tay ra về ở sân chơi Olympic thế này mới thấy cái thứ hạng “nhất chị nhì em” ở SEA Games thực ra chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa, bởi trên thế giới có bao nhiêu quốc gia, khu vực, những giải thể thao có quy mô nhỏ như SEA Games thì hầu như chẳng có tiếng tăm gì mà chỉ có sân chơi như Olympic hay Asian Games mới thực sự là nơi để tỏ mặt anh tài. Tất nhiên, với tầm vóc và thể lực của người Việt, chúng ta khó có hy vọng cạnh tranh về thể hình thể lực với các đối thủ to khoẻ hơn nhiều ở Asian Games hay Olympic, nhưng nếu biết cách lựa chọn từng “phân khúc” thích hợp để tập trung đầu tư thì không phải thể thaoVN không có hy vọng giành huy chương.

Những chiếc huy chương Olympic hiếm hoi của Trần Hiếu Ngân hay Hoàng Anh Tuấn có phải chính là những gợi ý thiết thực nhất cho chiến lược phát triển của thể thao VN, tức là bám sát vào các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic, nhưng lựa chọn những hạng cân hoặc những môn phù hợp với điều kiện thể chất của người Việt, chẳng hạn như cử tạ, taekwondo ở các hạng cân nhỏ, bắn súng, TDDC hoặc cầu lông.

Sau thất bại của thể thao VN ở Asian Games 2010, đã có rất nhiều ý kiến nêu ra vấn đề cần cải tổ triệt để nền thể thao của chúng ta, nhưng có vẻ như lời nói chỉ để mà nói, song đến kỳ Olympic trắng tay tuyệt đối này thì phải chăng đã đến lúc không thể nói chung chung mà cần phải hành động quyết liệt hơn, cụ thể hơn. Nếu không, chẳng ai dám chắc ở kỳ Asian Games hay Olympic kế tiếp, chúng ta lại không phải trải qua cảnh khắc khoải chờ đợi huy chương rồi cuối cùng kết thúc trong sự thất vọng đến tột cùng.

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm