Bóng đá Anh có thể học được gì từ Olympic London?

18/08/2012 15:00 GMT+7 | Bóng đá Olympic

(TT&VH Online) - Chưa bao giờ người hâm mộ bóng đá Anh cảm thấy bớt nhiệt tình trước một mùa giải mới bắt đầu, dẫu cho mùa Hè không thành công của bóng đá với việc đội tuyển Anh thua bạc nhược tại EURO, đội Olympics vương quốc Anh bị loại bởi Hàn Quốc. Hình ảnh những cầu thủ chuyên nghiệp trước người hâm mộ cũng ít nhiều tổn hại khi đội trưởng cũ của Arsenal sử dụng trang cá nhân để nộp đơn xin chuyển nhượng, biểu tượng của Chelsea bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Những điều đó được đem ra so sánh với vinh quang của hàng chục tấm huy chương quý giá tại Thế vận hội London 2012.

Những gì mà bóng đá có thể học được từ Olympics?. Là câu hỏi mà báo giới Anh đang đặt ra trước thềm giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh ngay sau Thế vận hội mùa hè đầy thành công diễn ra trên đất nước này.

Trong tháng tới tại Manchester, các cầu thủ như John Terry, Nemanja Vidic và Jamie Carragher sẽ tham dự một cuộc họp với các quan chức Premier League để thảo luận những gì họ có thể học hỏi từ London 2012.

1. Giám đốc điều hành Premier League Richard Scudamore tin rằng bóng đá đã có nhiều điều đáng tự hào, tuy nhiên từ những gì diễn ra tại Thế vận hội, các cầu thủ chuyên nghiệp phải chấp nhận và học hỏi rất nhiều từ những vận động viên Olympic. Các quan chức tại Premier League và Liên đoàn bóng đá Anh từ lâu lo ngại hình ảnh cầu thủ trong mắt những người dân bình thường đang thay đổi theo chiều hướng xấu đối với thể thao. Nhiều người quan niệm các cầu thủ chuyên nghiệp giờ đây như những nhà triệu phú có quyền kiêu ngạo và lạnh lùng trước công chúng, những cầu thủ với khoản khoản thu nhập nhiều triệu bảng đang sống tách ra khỏi phần còn lại của thế giới bời bóng đá cho họ tất cả từ tiền bạc, sự kính trọng và địa vị xã hội.  

Gần đây, Paolo Di Canio trên một chương trình truyền hình đã nói về nguyên nhân hình ảnh cầu thủ bóng đá hiện tại đang bị hủy hoại bởi một thực tế rằng sự thành công tối thiểu vẫn có thể dẫn đến sự giàu có đáng kinh ngạc. “ Họ mong một chiếc đồng hồ bằng vàng gắn kim cương hơn bất kỳ tấm huy chương nào” “Tất cả chỉ vì tiền và tiền”, cựu danh thủ West Ham United tiếp tục phàn nàn.

Một dẫn chứng so sánh về mặt tài chính để thấy được sự chênh lệch đầu tư cho bóng đá và các môn thể thao khác. 26 triệu bảng là toàn bộ số tiền đoàn đua xe đạp của Anh nhận được trong 4 năm đem về thành công rực rỡ với tổng cộng 12 tấm huy chương cho nước chủ nhà, số tiền này vẫn ít hơn 6 triệu so với việc Chelsea mua Eden Hazard. Số tiền này có thể đem lại sự thành công cho riêng một câu lạc bộ chứ không phải của cả một nền thể thao nước Anh. “ Bóng đá hiện nay như một vỏ bọc an toàn, những cầu thủ được bảo vệ trong những điều kiện tuyệt vời hơn bất cứ vận động viên thể thao khác”, trích lời một phát ngôn viên của Premier League. “Thế vận hội mới là nơi chúng tôi đã thấy những người bình thường làm những điều phi thường”.

2.  Cầu thủ bóng đá mãi mãi được nhắc nhở trách nhiệm của mình, đặc biệt là những người đại diện cho đội tuyển Anh. Roy Hodgson đã lấy tinh thần thi đấu của những vận động viên Olympic để căn dặn các cầu thủ của mình trong một cuộc họp vào đêm thứ hai vừa qua.

"Rất nhiều những phẩm chất mà chúng tôi thấy tự hào ở Anh, chúng tôi luôn luôn có thể học hỏi từ thái độ thi đấu hết mình cũng như sự khiêm nhường các vận động viên Olympic, họ đã cho chúng tôi thấy những hình ảnh tuyệt vời của thể thao kể cả trong chiến thắng lẫn thất bại.

Hodgson cũng đồng ý rằng một số ít các cầu thủ bóng đá từ chối các cơ hội để đại diện cho đất nước của họ đó là những điều làm ảnh hưởng xấu đến bóng đá như Micah Richards đã làm trước EURO 2012. Thế nhưng cũng như có rất nhiều cầu thủ với tinh thần thi đấu và cống hiến đã nâng cao hình ảnh của bóng đá như Steven Gerrard và Scott Parker, James Milner và Frank Lampard.

Lampard tự hào khi được trao băng đội trưởng tại Thụy Sỹ. Cũng như Hodgson anh cho rằng bóng Thế vận hội có thể đem lại điều gì đó tích cực cho bóng đá Anh. "Olympic là tuyệt vời. Bầu không khí trong sân vận động, sự tương tác giữa các vận động viên từ các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, bóng đá và Thế vận hội rất khác nhau. Bầu không khí rất khác, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều yêu bóng đá bởi tất cả những gì thuộc về nó”

Lampard hoàn toàn đúng, tôi hay tất cả những người hâm mộ bóng đá và thể thao yêu môn thể thao vua này bởi tính cạnh tranh và sự máu lửa. Giả sử tại mùa bóng này, Van Persie ghi bàn vào lưới Arsenal tại Emirates, không ai trong chúng ta muốn thấy cảnh toàn sân vận động đứng dậy vỗ tay tán thưởng  và gọi tên anh như khi Usain Bolt và đồng đội phá kỷ lục thế giới tại Olympics. Chính tính kình địch, dữ dội và ganh đua giữa các đội bóng đã làm nên sự hấp dẫn của túc cầu giáo.

Không một vận động viên Olympic nào phải chịu đựng sự theo dõi của camera và những tay săn ảnh phiền hà như những gì mà cầu thủ bóng đá bắt buộc phải chấp nhận như một phần của cuộc sống. Cũng rất khó cho giới cầu khi bị nghĩ là kẻ kiêu ngạo bởi ai cũng muốn có những thứ cho riêng mình.

Tựu chung lại, Olympic 2012 và giải ngoại hạng Anh sắp tới đều có những nét đẹp riêng. Thế vận hội thành công hơn bất cứ ai có thể tưởng tượng. Với một mùa bóng mới đang đến gần, vậy điều gì có thể học được từ Olympic vừa qua.  Không phải là những kỷ lục thế giới bị xô đổ mà đó là từ những con người thi đấu với tinh thần thể thao bằng đam mê và niềm vui. London 2012 ghi dấu sự hiện diện của vận động viên chèo thuyền Hamadou Djibo Isaka đến từ Nigeria, người chưa từng ngồi trên một chiếc thuyền thi đấu hiện đại , không có bất kỳ kỹ thuật gì và chỉ bắt đầu tập luyện trong 3 tháng, nhưng giờ đây có rất nhiều người ngưỡng mộ anh khi cán đích và bỏ xa 2 phút so với người xếp thứ 2. Điều gì khiến bạn nhớ về Usain Bolt tại London lần này, đối với tôi đó không phải việc anh ta vẫn chạy nhanh và phá kỷ lục, mà là hình ảnh một người đàn ông hài hước, anh ta nhảy, tạo dáng chụp  và nụ cười luôn nở trên mỗi mỗi khi camera chiếu đến. Nó rất khác với Rooney năm 2010 quay về phía ống kính và trách móc cổ động viên đội nhà. Bóng đá và thể thao hiện đại chấp nhận tất cả mọi người, tất cả màu da, quốc tịch hay chủng tộc, các vận động viên đủ mọi màu da hát dưới lá cờ Olympic cũng sẽ là một bài học cho giải ngoại hạng sắp tới.

Hưng Khánh (từ Newcastle)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm