NSƯT Tạ Minh Tâm: Nhạc hàn lâm sẽ có chỗ đứng!

20/04/2010 07:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - 11h trưa, Sài Gòn nắng như đổ lửa, trong một phòng học của khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM, NSƯT Tạ Minh Tâm, nhân vật chính của live show Tình ca đỏ sẽ diễn ra tối ngày 24/4 tới đây tại Nhà hát Thành phố, đang luyện thanh, nhưng là luyện thanh cho một sinh viên của anh. Ở chiếc bàn to gần đó, vài sinh viên khác đang chờ đến lượt. Ngoài cửa cũng hai, ba sinh viên đang tự tập một trích đoạn opera trước khi vào tập với thầy. Không còn thời gian rảnh, ca sĩ-thầy giáo kiêm cả MC game show truyền hình đành hẹn chúng tôi ngay tại lớp học.

* Năm 2007 anh đã tổ chức thành công live show đầu tiên Tình ca đỏ. Nhưng vì sao phải đợi tới 3 năm anh mới “dám” làm tiếp Tình ca đỏ tập hai?

- Tôi làm chương trình thứ nhất đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả, đó như tiền đề cho lần tổ chức này. Ý muốn của tôi là làm thêm nhiều chương trình như thế, không chỉ vào dịp lễ, nhưng tổ chức một chương trình không phải là việc đơn giản. Với chương trình năm nay, thực hiện đúng vào dịp lễ kỉ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, về tính thời điểm thì đúng lúc, nhưng không chỉ có thế, tôi muốn góp vào hoạt động âm nhạc của thành phố một chương trình nghệ thuật cao bên cạnh những chương trình nhạc teen, nhạc pop hay nhạc rock…


NSƯT Tạ Minh Tâm
* Làm live show, lại là live show “nhạc đỏ” trong tháng Tư lịch sử, anh có e ngại người xem sẽ cảm thấy nhàm khi chắc chắn sẽ có bạt ngàn “nhạc đỏ” trên các sân khấu, trên truyền hình trong dịp kỷ niệm này?

- Đây là một chương trình có nội dung độc đáo. Nhạc đỏ, theo tôi, quen thuộc nhưng không hề cũ, cho dù đề tài là cuộc chiến đã qua cách đây tới 35 năm, bởi lịch sử có giá trị lâu dài. Những bài hát hay thể hiện được tầm vóc, giá trị của bản thân nó về mặt âm nhạc chứ không chỉ là kỉ niệm. Chương trình lần này sẽ trình diễn 21 bài, tôi thể hiện cùng với đồng nghiệp và các học trò của tôi: NSƯT Ánh Tuyết, Thế Vỹ, Võ Hạ Trâm, Ngọc Mai và đặc biệt là nữ ca sĩ opera người Hàn Quốc Cho Hae Ryong.

* Được biết chương trình được tổ chức bởi một công ty truyền thông, như vậy là anh không phải lo về vấn đề tài chính rồi…

- Đương nhiên, vì thế tôi mới làm được chứ. Tôi chỉ đủ sức biên tập và thực hiện thôi, mọi thứ khác thì công ty lo. Tôi nghĩ rằng ở giai đoạn này, tài trợ rất quan trọng đối với việc tổ chức và thực hiện một chương trình. Trừ trường hợp những ca sĩ tiềm lực kinh tế dồi dào, họ tung tiền ra để đánh dấu một sự kiện trong đời hoạt động nghệ thuật của mình, chứ để thu lãi thì rất khó. Với số chỗ ngồi ở Nhà hát Thành phố, cho dù có bán 1 triệu đồng/ vé thì cũng không thể lấy được hết vốn chứ đừng nói là thu lãi. Tuy nhiên ở đây tôi nghĩ, tài trợ không hẳn chỉ là sự hỗ trợ về tài chính, mà còn là sự quan tâm của các mạnh thường quân đến nền ca khúc có giá trị.

* Là một ca sĩ có thể xem là hàng ngôi sao ở dòng ca khúc có giá trị, nhưng dường như cái tên Tạ Minh Tâm trở nên nổi tiếng hơn, “nhà nhà đều biết” kể từ khi anh trở thành MC của game show Chung sức? 7 năm đã qua, có thể nói đó là game show hiếm hoi mà MC và chương trình “chung sức” từ đầu đến cuối chứ không “thay ngựa giữa dòng” như tình trạng của không ít game show hiện nay.

- Nghệ sĩ hoạt động càng nhiều càng vui, vấn đề là người ta có mời mình làm hay không, và chỉ sợ mình làm không tốt thôi. Thật ra tôi không quan tâm đến việc kiếm thêm việc làm cho thời gian của mình thêm eo hẹp, làm cho mình bận rộn hơn, tôi chỉ quan tâm đến việc thử sức ở các lĩnh vực. Tôi cũng không bon chen trong chuyện làm thêm nghề tay trái này mà công việc tự tìm đến nên tôi làm thôi.

* Nhưng chắc thu nhập từ vị trí “ngôi sao MC game show” ăn đứt cát- sê của “ngôi sao nhạc đỏ”?

- Thu nhập từ nghề MC đáng kể bằng thu nhập từ ca hát đấy, nhưng đó không phải điều quyết định vì cơ hội đến thì nhiều nhưng vấn đề là mình có nắm được hay không. Tôi nắm được cơ hội và phát huy nó để vừa có thu nhập đáng kể, vừa… tự tin hơn trong cuộc sống.


NSƯT Tạ Minh Tâm luyện thanh cho học trò - Ảnh: V.A
* Anh làm nhiều việc một lúc, thế với công việc chính là giảng dạy thanh nhạc và còn là Trưởng khoa, anh dành bao nhiêu thời gian cho nó?

- 4 tiếng cho giảng dạy và 4-6 tiếng cho công việc quản lý. Một tuần có khoảng từ 1-2 buổi diễn nữa.

* Các học trò của anh có thường xuyên bị thầy lỡ hẹn vì đang bận làm MC không?

- Thường xuyên. (Cười). Nhưng môi trường đào tạo nghệ thuật dù sao cũng thoáng hơn nên thầy trò chúng tôi có thể thu xếp thời gian với nhau sao cho hợp lí. Chúng tôi thường tập luyện vào giữa trưa như thế này đấy.

* Học trò của anh khá nhiều người không theo đuổi hết con đường hàn lâm như thầy mà rẽ ngang với nhạc trẻ, nhạc teen, anh thấy điều đó thế nào?

- Không thể trách họ được vì sức hút của thị trường quá lớn, tôi chỉ có thể khuyên họ nên kỹ khi chọn bài hát. Khuyên thì khuyên chứ họ nghe hay không là quyền của họ. Cha mẹ còn chẳng bảo được con cái chứ nữa là… Tôi cũng nghĩ các sinh viên của tôi khi ra trường làm được nghề liên quan đến âm nhạc đã là tốt lắm rồi, cứ thử nhìn sang những ngành nghề khác xem, có phải cứ học trường y ra là làm được bác sĩ đâu. Học xong là họ đã tự làm được cái việc nâng cao dân trí cũng như thẩm mĩ của mình, trở thành người am hiểu trong lĩnh vực này. Tổ chức các chương trình nghiêm túc, có tính hàn lâm cũng là một việc góp phần nâng cao dân trí cho công chúng.

* Anh nói đến vấn đề nâng cao dân trí và thẩm mỹ trong lĩnh vực âm nhạc, tôi nhìn thấy trong số những học trò của anh ngồi đây có người cũng hoạt động trong lĩnh vực nhạc teen, anh có thể nói gì về dòng nhạc đang rất được săn đón này?

- Trước tiên, tôi rất ghét cái chữ “nhạc teen”. Nhạc teen bản thân nó là tốt, nó chỉ là loại nhạc thiếu nhi, thiếu niên, nhạc dành cho các bạn trẻ, thế tại sao không dùng từ nhạc thiếu nhi hay thiếu niên mà cứ phải dùng chữ nhạc teen? Chúng ta có nhạc thiếu niên từ lâu rồi với những nhạc sĩ như Trương Quang Lục, Phạm Trọng Cầu…, và đó là những tác phẩm nghiêm túc. Bây giờ, đi cùng với chữ “nhạc teen” là những bài hát nhảm nhí, được sáng tác theo kiểu vô tội vạ.

* Điều đó không chỉ xuất hiện ở dòng nhạc thiếu niên (theo cách gọi của anh)…

- Đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng cái gì cũng có quá trình. Ca khúc Việt Nam thời kì này có thể nói là khủng hoảng, là chững lại nhưng đó là một giai đoạn phát triển tất yếu, báo chí cần phải thể hiện sự trăn trở nhưng đừng có nóng vội. Giải thưởng Cống hiến của báo TT&VH như thế cũng đã làm được một việc tốt, đó là khuyến khích những người làm việc nghiêm túc, những người “tử vì đạo” trên con đường xây dựng tên tuổi nói riêng và nâng cao dân trí nói chung. Nhưng theo tôi, cần phải có những việc làm mang tính đón đầu hơn, song song với ghi nhận phải là sự định hướng, để ngày càng nhiều người tiến tới việc “chơi” với giao hưởng như Đức Tuấn đã làm cho dù việc chơi đó đã “ra gì” hay chưa thì còn phải bàn. Tôi dự đoán rằng chỉ 5-10 năm nữa, các ca sĩ Việt Nam sẽ ồ ạt đi theo con đường âm nhạc hàn lâm, và đến lúc ấy, chủ đề để báo chí tranh cãi sẽ là ai làm đúng, ai làm chưa được…

* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này, xin trả anh về cho các sinh viên đang chờ anh lên lớp.

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm