31/07/2016 07:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “Không phải chúng tôi muốn ăn theo cái tên Lưu Quang Vũ như một vài người vẫn nói. Đó đơn giản là sự đồng cảm với những thông điệp không bao giờ cũ, trong bối cảnh sân khấu đang có quá ít những kịch bản hay và quá nhiều những kịch bản tầm tầm” - NSƯT Chí Trung chia sẻ về vở Lời nói dối cuối cùng đang được dàn dựng.
NSƯT Chí Trung nói:
- Chúng tôi được gia đình anh Vũ tin tưởng và cho phép chủ động lựa chọn dựng bất cứ kịch bản nào trong di sản để lại. Chủ trương chung của Nhà hát là lựa chọn, để mỗi năm gắng dựng một vở diễn như vậy. Với cá nhân tôi, một chút thành công trong 3 vở diễn vừa qua cũng xuất phát từ sự hào hứng và yêu quý những kịch bản của anh.
Nhưng, cũng phải thừa nhận, có những kịch bản của anh Vũ theo thời gian đã phần nào “trượt đi” so với thực tế. Những Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Chết cho điều chưa có… là ví dụ điển hình. Còn lại, để vượt qua khoảng cách mấy chục năm, nhiều kịch bản khác cũng cần tìm một cách tiếp cận hợp lý cho chiều sâu của thông điệp.
Chẳng hạn, Lời thề thứ 9 là chuyện của mấy anh bộ đội, nhưng thông điệp cuối cùng lại là sự băn khoăn về tính công bằng trong xã hội. Mùa Hạ cuối cùng mượn “lớp vỏ” chống tiêu cực trong giáo dục, nhưng ẩn sâu trong nó là sự ngơ ngác của thế hệ trẻ khi nhìn cách sống, cách lựa chọn của cha anh. Với Ai là thủ phạm, vụ án diễn ra trong khuôn khổ một khu tập thể cũng chỉ là nguyên cớ cho câu hỏi về “thủ phạm đích thực” của những bất công trong cuộc sống.
* Còn với "Lời nói dối cuối cùng", điều gì ở kịch bản hấp dẫn anh?
- Câu chuyện của những con người tại làng quê như Cuội, Bờm, Lụa… gắn với một thông điệp đơn giản: không thể bắt đầu mọi thứ bằng sự giả dối - cho dù là giả dối để hướng tới những mục đích tốt đẹp. Bởi, khi xây dựng nền móng trên sự thiếu trung thực ấy, tự chúng ta đã khiến mọi người đánh mất đi một thứ vô cùng quý giá: lòng tin.
Đơn giản vậy thôi, nhưng tôi tin vẫn đủ hấp dẫn với khán giả, bởi thời đại nào cũng sợ sự giả dối cả (cười). Giống như trong vở diễn, dù chàng Cuội thật lòng muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho mọi người xung quanh, nhưng những Bờm, Lụa, hay bé Nha bán bánh đa lại không thể chấp nhận thứ hạnh phúc được xây dựng từ một lời nói dối, để rồi từ đó không được sống với đúng con người mình…
* Nhưng thông điệp ấy gắn với một câu chuyện mang màu sắc dân gian, nghĩa là có phần nào hơi “cũ” so với nhu cầu của khán giả trẻ bây giờ?
Theo kế hoạch, vở diễn Lời nói dối cuối cùng của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ được hoàn thành vào 25/8 và chính thức ra mắt khán giả vào 29/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội), nhân kỷ niệm 28 năm ngày mất của Lưu Quang vũ. |
Tất nhiên, bài toán nào cũng có đáp số, cho dù bây giờ tôi vẫn đang đau đầu để ép diễn viên có thể “cảm” được hết từng con chữ trong lời thoại của anh Vũ. Và đau đầu vì cầu toàn nữa, chẳng hạn như việc “cưỡng chế” Quốc Trung bằng được để lo phần âm nhạc cho vở diễn. Chia sẻ một chút nhé: tôi muốn âm nhạc, bài trí cũng như âm hưởng của vở diễn giúp chúng ta có sự liên tưởng gần gũi giữa Hà Nội bây giờ với đất Kẻ Chợ của ngàn năm trước, nơi câu chuyện diễn ra.
* Gần 30 năm trước, trong bản dựng Lời nói dối cuối cùng của đạo diễn Phạm Thị Thành, anh là một trong 2 diễn viên vào vai công tử Lãn. Bây giờ, nhìn những gương mặt mới vào vai diễn ấy, anh có chút hoài niệm nào không?
- Cũng có, bởi những vở diễn từ kịch bản của Lưu Quang Vũ là những mốc son của thế hệ chúng tôi. Nhưng theo thời gian, cũng tới lúc chúng ta phải biết chấp nhận một câu chuyện mới của những con người mới.
Chí Trung, Lê Khanh, Ngọc Huyền, Minh Hằng bây giờ chỉ còn cách đóng… ông bà của Bờm, Lụa, Cuội, Lãn thôi (cười). Đó cũng là lý do trong vở diễn này, các NSƯT Ngọc Huyền, Đức Khuê hay Tú Oanh cũng chỉ vào một số vai “thấp thoáng” như quan Ngự y, Hoàng hậu…
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất