Nobel Văn chương 2011: Người Thụy Điển trao cho người Thụy Điển

07/10/2011 10:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trái ngược với sự phỏng đoán và “đặt cược” của dư luận rằng giải Nobel Văn chương 2011 có khả năng thuộc về châu Á, hôm 6/11, người thực sự chiến thắng lại là một nhà thơ tới từ châu Âu, mà cụ thể là Thụy Điển, với các tác phẩm được đánh giá là giúp độc giả có một sự tiếp xúc mới mẻ với thực tại.

Nhân vật giành giải Nobel Văn chương năm nay là nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtroemer, 80 tuổi. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói rằng họ chọn Transtromer vì “thông qua những hình ảnh mờ ảo, súc tích, ông mang đến cho chúng ta sự tiếp cận tươi mới với hiện thực”

Một tượng đài thi ca

“Tôi muốn nói rằng ông ấy là một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất trong thế giới hiện đại” - Peter Englund, Thư ký thường trực tại Viện Hàn lâm nói trong lễ công bố giải thưởng, vốn đi kèm với số tiền trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (1,45 triệu USD). Theo Englund, các tác phẩm của Transtroemer đã làm khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ ở người đọc. “Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bé nhỏ sau khi đọc thơ của Tomas Transtroemer” - ông đánh giá.

Tomas Transtroemer là người châu Âu thứ 8 nhận giải
Nobel Văn chương trong 10 năm qua

Hãng tin AFP nói rằng thơ của Englund luôn chứa đầy sự tưởng tượng và cảm xúc. Nhưng nó cũng có cả những chi tiết gây ngạc nhiên, khiến tác phẩm của ông vừa khó đoán bắt, vừa tươi mới. Ông còn được xem là bậc thầy của thuyết thần bí, thường khiến thời gian trôi chậm lại trong tác phẩm của mình để phân tích, mổ xẻ mối quan hệ giữa nội tại bản thân và thế giới xung quanh.

Còn Neil Astley, biên tập viên của Nhà xuất bản Bloodaxe Books đã thường cho ra mắt các tập thơ mới của Transtroemer, thì cho rằng ông là một nhà thơ với tầm nhìn rất xa. Astley đánh giá các tác phẩm của Transtroemer chứa đầy “những cái nhìn sâu thẳm bên trong tâm hồn con người và sự diễn giải siêu hình về thế giới”.

Đặc điểm thơ của Transtroemer được tạp chí Publishers Weekly đánh giá là “huyền bí và chứa đựng nỗi buồn”. Nó tương phản với cuộc đời của ông, vốn liên tục hoạt động vì một thế giới tốt đẹp hơn, thông qua nhiều việc làm chứ không chỉ mỗi sáng tác thơ.

Ảnh hưởng lan tỏa toàn cầu

Sinh năm 1931 tại Stockholm, Transtroemer tốt nghiệp ngành tâm lý năm 1956 và sau đó làm việc tại một tổ chức từ thiện dành cho những người phạm tội lứa tuổi vị thành niên. Trong sự nghiệp, ông đã từng tiếp xúc với người tật nguyền, tội phạm và con nghiện. Những trải nghiệm ấy đã giúp ông cho ra đời một lượng lớn các tác phẩm thơ ca.

Tập thơ đầu tiên của Transtroemer xuất bản hồi năm 23 tuổi. Sau khi xuất bản 10 tập thơ, ông đã bị đột quy  vào năm 1990, khiến khả năng nói và điều khiển phần cơ thể bên phải của ông bị suy giảm. Nhưng Transtroemer vẫn cử động tốt tay trái và ông tiếp tục dùng nó để sáng tác thơ.

Những tập thơ nổi tiếng của ông bao gồm The Great Enigma: New Collected Poems - 2006 (tạm dịch Bí ẩn vĩ đại: Tập thơ mới), The Half-Finished Heaven - 2001 (Thiên đường dở dang), New Collected Poems - 1997 (Tập thơ mới); For the Living and the Dead - 1995 (Cho người sống và người chết); Baltics -1975; Windows and Stones - 1972 (Những khung cửa sổ và những hòn đá).

Được biết Transtroemer đã bán hàng ngàn tập thơ ở Thụy Điển. Là một trong những cây viết xuất sắc nhất tại vùng Bắc Âu kể từ Thế chiến II, các tập thơ của ông đã được dịch ra hơn 60 thứ tiếng và có ảnh hưởng tới các nhà thơ khắp toàn cầu, đặc biệt tại Bắc Mỹ.

Do nhận được sự đánh giá cao từ giới phê bình, Transtroemer đã được đề cử nhận giải Nobel đều đặn mỗi năm kể từ năm 1993. Vợ ông, bà Monica, cho hãng tin Thụy Điển TT biết rằng chồng mình đã ngạc nhiên khi biết tin trúng giải. “Ông ấy không nghĩ mình có thể được trao giải. Ông ấy cũng rất vui trước những người tới chúc mừng và chụp ảnh mình” - bà thổ lộ trước cánh phóng viên.

Giải Nobel Văn chương vẫn quá cục bộ?

Với việc đoạt giải năm nay, Transtroemer cũng là người Thuỵ Điển thứ 7 giành giải Nobel. Giải thưởng Nobel Văn chương gần đây nhất được trao cho Thụy Điển là vào năm 1974, cho hai tác giả Eyvind Johnson và Harry Martinson. Nhưng việc cả 2 là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã gây rất nhiều tranh cãi.

Transtroemer cũng là người châu Âu thứ 8 giành giải Nobel Văn chương trong 10 năm qua. Điều này từng khiến Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bị chỉ trích là hẹp hòi và cục bộ. Từ trước giải Nobel, nhiều người dự đoán năm nay giải sẽ thuộc về châu Á và vùng Trung Đông. Những cái tên lớn ở các khu vực này đã được xướng lên như nhà thơ Hàn Quốc Ko Un và nhà văn Syria Adonis. Cả hai đã được đề cử trong rất nhiều năm. Tương tự là nhà thơ Algeria Assia Djebar và nhà văn Israel Amos Oz.

“Tôi biết rằng Viện Hàn lâm không tư duy theo lối phân bổ đều cho các châu lục, nhưng tôi vẫn cho rằng đã tới lúc thích hợp để trao giải thưởng cho một nhà thơ Syria, trong bối cảnh các cuộc nổi dậy đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi” - Maria Schottenius, một chuyên gia văn chương thổ lộ trên tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển trước lễ công bố giải thưởng. Bà cũng chọn Adonis là người có nhiều cơ hội trúng giải nhất và Oz đứng thứ 2. Trong khi đó Goran Sommardal, một nhà phê bình văn hóa nổi tiếng ở Thụy Điển bày tỏ hy vọng tác giả Can Xue hoặc nhà thơ Bei Dao của Trung Quốc sẽ giành giải. Nhưng cuối cùng sự lựa chọn của viện Hàn lâm lại trái ngược với mọi dự đoán của dư luận.

Gia Bảo (theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm