Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn

17/07/2023 18:45 GMT+7 | Văn hoá

Khi tiến hành điều tra nghiên cứu căn cứ Cần Vương, một số nhà nghiên cứu tỉnh Quảng Trị đã sưu tầm được thông tin về một trận đánh bất lợi với quân Pháp, dẫn đến việc quân Cần Vương phải lánh sang lưu trú trong một số làng bản bên đất Lào hiện nay. Những làng bản này đã lưu giữ đồ đạc được cho là của hoàng tộc triều Nguyễn gần 150 năm qua, phân bố ở vùng Asớp, MuangSamoyay, tỉnh Savannakhet.

1. Ngược dòng Thạch Hãn (Quảng Trị) sẽ đến những đỉnh phân sơn giữa Tây và Đông Trường Sơn. Nửa Đông dồn nước cho sông Gianh, Nhật Lệ (Quảng Bình), Hiền Lương, Thạch Hãn đổ ra cửa Tùng, cửa Việt (Quảng Trị), sông Hương (Huế)… Nửa Tây dồn nước vào khe nứt tạo sông Xepon (còn viết là Sê Pôn) của Lào.

Trong lịch sử, người dân ở đây đa số là Kơ Tu, Bru, Vân Kiều, Chứt, Poong, Rục…sống ăn rừng và trồng lúa ở các thung lũng ven sông.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn - Ảnh 1.

Vua Hàm Nghi - vị vua phát động phong trào Cần Vương chống Pháp

Thời chiến tranh chống Mỹ, vùng này chia sẻ tuyến hành quân tiếp tế huyết mạch Đông/Tây Trường Sơn. Chuyến xe chở phóng viên G10 (Thông tấn xã Giải phóng) có rất nhiều bạn học của tôi đã bị tai nạn tháng 4/1973 ở vùng này, trên đất Lào.

Điều này giúp chúng ta dễ hiểu hơn tại sao có một làng người dân tộc thuộc nửa Tây Trường Sơn, sống sát sông Xepon của Lào, chỉ cách biên giới Việt Lào hiện nay theo đường chim bay chừng 10km, lại đang gìn giữ gần như nguyên vẹn một kho đồ dùng, của cải, vũ khí hoàng tộc nhà Nguyễn từ khoảng 150 năm nay.

Phong trào Cần Vương chống Pháp do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi sự từ giữa những năm 1880, đã dùng vùng núi hiểm trở Đông Tây Trường Sơn - từ Thanh Hóa vào đến Huế - làm ATK (an toàn khu) từ cuối thế kỷ 19.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn - Ảnh 2.

Một chiếc áo của hoàng tộc triều Nguyễn lưu giữ tại làng Asớp, Muang Samoyay

2. Số lượng đồ dùng, vũ khí, sách vở, vàng bạc được cho là do các hoàng tộc Cần Vương "gửi" lại bà con ở những bản làng quanh đây khá nhiều. Gặp gỡ, trao đổi với các già làng vùng này, họ vẫn nhớ câu chuyện được truyền lại từ các đời trước rằng người nhà vua đến ở nhờ và gửi lại những đồ dùng, của cải, vũ khí cho làng giữ hộ. Các thế hệ già làng truyền nhau bảo vệ và giữ gìn những đồ hoàng tộc đó cho đến tận ngày nay.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn - Ảnh 3.

Một sách Hán - Nôm được lưu giữ khá tốt

Tôi nhận được tin này từ một số anh chị em làm du lịch ở Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Ngoài chuyện nhiều người dân các tỉnh phía Đông Trường Sơn thuộc đất Bình Trị Thiên (cũ) đến Thanh Nghệ loan truyền nhau việc tìm được đồ cổ, vàng bạc trong vùng núi Cần Vương, cũng đã có nhiều người có ý thức lần tìm một cách khoa học con đường và dấu tích còn lại của cuộc Cần Vương xưa.

Từ lâu tôi đã nhận được lẻ tẻ những hiện vật bà con vùng này sưu tầm được, nhưng chỉ đến gần đây, được cung cấp những bằng chứng, địa danh và ảnh, video về các hiện vật có hệ thống và nguồn gốc rõ ràng, tôi mới bắt tay viết. Tôi muốn tái hiện lại sự thực về một vùng đất đã từng che chở cho các thủ lĩnh Cần Vương tránh khỏi truy lùng của quân Pháp cách đây chừng 150 năm.

3. Hiện vật được phân thành nhiều nhóm và do nhiều gia đình vai vế trong vùng chia nhau gìn giữ. Những đồ vật này chỉ được đưa ra thờ cúng như báu vật trong mỗi dịp lễ hội của làng. Chúng gồm: Vũ khí (chủ yếu là gươm và một số súng hỏa mai), y phục và trang sức triều đình, bạc thỏi, nồi, mâm đồng, bình lọ âu hũ sứ và quan trọng là một số sách và giấy tờ văn bản chữ Hán, Nôm…

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn - Ảnh 5.

Vũ khí hoàng tộc thời Cần Vương được lưu giữ tại Lào

Thống kê sơ bộ, số hiện vật lên đến hàng trăm món. Những thanh kiếm chuôi khảm tam khí, có khắc tên, đi cùng những bộ xiêm áo gấm lụa, khuy bạc đính ngọc trai, thêu rồng phượng bằng sợi nhũ vàng bạc rất cầu kỳ cho thấy đây là một sưu tập cung đình cao cấp,có khả năng là của chính vua Hàm Nghi và thuộc hạ theo hầu mình trong thời gian Cần Vương.

Trên một áo gấm kiểu long bào, tôi còn nhận ra một vệt đỏ giống như máu, to bằng ngón chân cái, còn thấm lại. Những vết sờn rách lâu ngày không được vá víu, tu sửa.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn - Ảnh 6.

Ở một quyển sách còn khá nguyên vẹn là hàng trăm trang giấy bản chép tay những dòng thơ thất ngôn trường thiên tự sự lên tới hàng ngàn câu, chữ viết khá đẹp, phảng phất khí chất cung đình: "Khiếu ngã Nam Triều tú hợp lục/ Sắc tại tân hao bình lạc hương"

Trong những phần tới tôi sẽ mô tả chi tiết phục trang hoàng tộc, vũ khí, sách vở và các đồ dùng quan trọng còn lưu giữ được từ những kho này.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 1): Một 'kho báu' của nhà Nguyễn giữa núi rừng Tây Trường Sơn - Ảnh 7.

Hy vọng khi nghiên cứu hoàn chỉnh các đồ vật cũng như khi đã dịch toàn bộ các văn bản này sẽ giúp ta có cái nhìn chân xác hơn về những đồ vật cung đình nói trên, hé thêm ánh sáng rọi vào cuộc Cần Vương kháng Pháp nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt - Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm