Họa sĩ Văn Sáng: Lo cho "văn hóa bìa sách"

23/03/2009 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 20 năm làm bìa sách, thiết kế cả chục ngàn ấn phẩm, trong đó có bộ Kim Bình Mai (in năm 1999), họa sĩ Văn Sáng tỏ ra hết sức ngạc nhiên trước hình cô gái tóc hung đỏ trên bìa bộ Kim Bình Mai mới (do NXB VH-TT ấn hành năm 2008). Anh cho rằng bìa sách này chưa thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm. Và đó cũng chỉ là một trong muôn vàn ví dụ về những bất cập trong “văn hóa bìa sách” hiện nay.
 

Kim Bình Mai tóc hung đỏ

* Với tư cách là một độc giả, và là một họa sĩ ông đánh giá như thế nào về chất lượng thẩm mỹ của tấm bìa cuốn Kim Bình Mai này, mà theo lý giải của người làm sách là sử dụng tranh truyện Trung Quốc hiện đại…

Họa sĩ Văn Sáng  
- Hình của 3 cô gái trong bìa này, có thể hình dung là 3 nhân vật chính trong truyện Kim Bình Mai (Kim Liên - Bình Nhi - Xuân Mai), nhưng cách vẽ ở đây thì theo lối của truyện tranh mới bây giờ. Đặc biệt, khuôn mặt của cô gái ở bên trên rất hiện đại “tây” (mắt to, mũi cao, miệng rộng), không phải là khuôn mặt đặc trưng của người phụ nữ Trung hoa cổ. Màu tóc hung đỏ lại càng không hợp. Về mặt tinh thần thì khuôn mặt này không gợi liên tưởng đến bộ cổ thư Kim Bình Mai.

2 cô gái bên dưới có những nét cách điệu thì còn đỡ hơn, và tạm có thể chấp nhận được, nhưng họa tiết trang phục như đai áo, trang phục áo bó thì đã hơi “modern rồi”, cách tô son, đánh lông mày… cũng không hợp với thời cổ… Nhìn chung, hình vẽ có thể cách điệu nhưng vẫn phải nằm trong bối cảnh của tác phẩm, chứ không thể phóng tác một cách thoải mái.

* Thế còn bộ Kim Bình Mai năm 1999 do anh thiết kế bìa?

- Tôi sử dụng hình ảnh sẵn có về người phụ nữ Trung Quốc thời xưa - nếu tôi nhớ không nhầm thì chính là hình ảnh trên bản in cuốn Kim Bình Mai gốc - rồi có sửa sang đôi chút cho phù hợp chứ không phải do tôi vẽ ra. Nếu gọi một cách chính xác thì là tôi trình bày bìa, chứ không phải vẽ bìa.
 
Bìa trước và sau của bản in Kim Bình Mai (năm 1999)
với hình ảnh lấy từ bản in gốc của Trung Quốc

* Anh có cho rằng đang có xu hướng vẽ bìa theo hình truyện tranh, vì đây là thứ đang “hot” trong giới trẻ?

- Thực ra sử dụng hình ảnh truyện tranh hay ảnh chụp hay tranh do họa sĩ tự vẽ ra cũng không quan trọng. Mà điều quan trọng là tinh thần của những hình ảnh ấy và cách thể hiện có phù hợp với ấn phẩm hay không, có mang lại giá trị thẩm mỹ và hỗ trợ cho phần nội dung hay không. Bìa và phần nội dung sách phải “ăn nhập” với nhau để trở thành một ấn phẩm hoàn chỉnh. Đó mới là mấu chốt. Sử dụng những hình vẽ truyện tranh theo phong cách như thế này trong trường hợp cụ thể của bộ Kim Bình Mai, theo tôi là chưa phù hợp, nhưng ở cuốn khác có khi lại là đắc địa.

Và những chuyện khó tưởng tượng

* Anh có hay gặp những trường hợp thiết kế bìa không “chuẩn” về mặt thẩm mỹ so với nội dung của ấn phẩm?

Bìa Kim Bình Mai
(NXB VH-TT, 2008) 
- Cách làm bìa bây giờ rất ẩu, kể cả sách văn học trong nước hay nước ngoài. Tôi từng cầm một cuốn thơ về đường Trường Sơn, nhưng hình ảnh in trên bìa là một con đường như ở miền Tây nước Mỹ. Liều thật! Chưa hết, ai cũng biết cuốn Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng, không phải là cuốn sách hướng dẫn nấu ăn. Đó là sách văn học hẳn hoi. Nhưng trong một lần in cuốn này thì cái bìa lại giống hệt sách hướng dẫn nấu ăn, vì in luôn một bát mì tôm bốc khói, trên đó có một cái đùi gà to tướng và mấy cọng hành, và xa xa là cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Có lẽ anh thiết kế bìa chỉ đọc tên sách (Miếng ngon Hà Nội) nên làm ra một cái bìa “kinh khủng” như thế. Mà giả dụ như có tưởng lầm đây là cuốn sách dạy nấu ăn thì thời ông Vũ Bằng viết Miếng ngon Hà Nội cũng chưa có mì tôm, sao lại lấy nguyên cả một hình ảnh quảng cáo mì tôm “dán” vào bìa sách như vậy?

* 20 năm thiết kế bìa, anh có suy nghĩ gì về “văn hóa bìa sách” hiện nay?

- Tôi thấy cách thức làm của nhiều NXB hiện nay là rất ẩu, nhất là những NXB tham gia liên doanh liên kết. Tư nhân tự mang bản thảo đi in, cho nên thẩm mỹ của bìa cũng bị buông luôn. Đúng ra NXB là đơn vị chịu trách nhiệm về ấn phẩm, thì phải có quyền kiểm soát về nội dung cũng như hình thức của ấn phẩm. Thế nhưng NXB bây giờ nhiều khi tự đánh mất quyền của mình.

Việc thiết kế bìa của một số đơn vị tham gia làm sách là như thế này: Bỏ vài chục triệu mua các thiết bị điện tử, tin học về, tuyển một vài nhân viên kỹ thuật vi tính (đồng thời làm khâu đánh máy, chế bản)… là có thể làm tất cả công đoạn, kể cả vẽ bìa. Tất nhiên là làm lâu thì cũng quen, chẳng may cũng có thể được cái bìa tàm tạm, nhưng thường thì nó không đạt yêu cầu vì không có căn bản. Họ có thể hiểu được thị trường và tâm lý người đọc, có thể có chút ít ý tưởng, nhưng họ không thể chuyển tải thành ngôn ngữ đồ họa cho bìa sách được.

* Thật ra, đối với các sách liên doanh liên kết, thì làm bìa theo thẩm mỹ nào còn phụ thuộc vào “gu” của từng nhà sách. Chỉ mong là sách của các NXB “xịn” sẽ chú ý đến “văn hóa” bìa hơn…

- Có NXB hiện nay thậm chí còn không có họa sĩ. Nhưng với những NXB có họa sĩ thì đôi khi lại không trao cho họ cái quyền được tư vấn về mặt thẩm mỹ (bìa). Lẽ ra họa sĩ NXB phải là người chịu trách nhiệm về mặt thẩm mỹ của tất cả các ấn phẩm trước giám đốc. Các ấn phẩm của NXB đó, có thể họa sĩ NXB không tham gia, nhưng cần phải được hỏi đến để có những sự tư vấn, đóng góp, định hướng cần thiết. Có như vậy mới phát huy được vai trò của họa sĩ. Họa sĩ trình bày ở nhiều NXB bây giờ trở nên nhàn rỗi vì các công việc nói trên không đến tay, trong khi đó chất lượng thẩm mỹ của sách thì lại kém.

* Xin cảm ơn anh
 
Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm