Nhớ nhà văn Trần Đình Vân: Chạm bách niên, cả đời 'Sống như Anh'

19/04/2024 06:48 GMT+7 | Văn hoá

Nhà văn Trần Đình Vân đã phiêu du miền mây trắng gửi lại cõi tạm tuổi 99 vào hồi 20h56 ngày 14/4/2024 trong nỗi tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp, bạn đọc yêu mến gần xa. Tên thật của ông là Trần Duy Tấn với hai bút danh: gắn với nghề báo là Thái Duy và gắn với nghề văn là Trần Đình Vân.  

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bồi hồi nhớ lại: "Tôi đã đọc tác phẩm Sống như Anh nhiều lần khi còn trẻ. Ông là tác giả cuốn sách có lượng bạn đọc đặc biệt... Cả cuộc đời ông viết bênh vực người nông dân. Ông là người đằng sau sự nho nhã, lịch thiệp, là sự chính trực, công minh, khôn ngoan và không sợ hãi trước bất cứ thế lực nào. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông".

Nhà văn Hữu Việt đánh giá cao tài năng và nhân cách của nhà báo Thái Duy "Ông luôn là tấm gương sáng để các thế hệ làm báo soi vào, tự răn mình và phấn đấu cho lý tưởng cùng thiên chức nghề nghiệp cao quý. Những tâm huyết và những điều ông chưa làm được, chắc chắn sẽ có người tiếp nối, như một sự trao truyền ông gửi lại. Xin ông yên nghỉ".

Nhớ nhà văn Trần Đình Vân: Chạm bách niên, cả đời 'Sống như Anh' - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Đình Vân qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân

Theo nhà văn Hữu Việt: "Sống như Anh là tác phẩm văn chương đầu tiên và duy nhất của ông. Trần Đình Vân đã quyết định gác lại văn chương để làm nhà báo Thái Duy, toàn tâm toàn ý cho nghề báo, nguyện suốt đời làm báo để đấu tranh cho công bằng và lẽ phải bởi, như lời ông nói: Nếu tôi trở thành nhà văn thì tôi lo nông dân sẽ chịu khổ".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ hai bức chân dung cùng lời chia buồn thống thiết "Vô cùng thương tiếc nhà báo Thái Duy. Xin vĩnh biệt ông"...

Tác phẩm văn chương đầu tiên và duy nhất

Bút danh Trần Đình Vân gắn với truyện ký Sống như Anh, tác phẩm văn chương đầu tiên và duy nhất của ông. Vì thế, nhắc đến Sống như Anh là nhắc đến nhà văn Trần Đình Vân.

Sống như anh viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Anh hùng LLVTND - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi: "Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người từ chân lý sinh ra" (Hãy nhớ lấy lời tôi - thơ Tố Hữu)... Theo lời kể của chị Phan Thị Quyên - vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - ông viết Sống như Anh theo thể loại truyện ký kết hợp với ngôn ngữ văn chương chân thành, mộc mạc, giản dị. Được nhà xuất bản Văn học xuất bản đầu tiên năm 1965, Sống như Anh đã nhanh chóng trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế thế hệ, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 Sống như Anh dựa trên sự kiện có thật về anh Nguyễn Văn Trỗi và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ gài mìn tại cầu Công Lý nhằm tiêu diệt đoàn xe chở phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào năm 1964... Nhưng không may, sự việc bị bại lộ, hai chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị bắt lúc 22 giờ ngày 9/5/1964... Ngày 10/8/1964, chính quyền Sài Gòn đưa anh Trỗi ra tòa quân sự kết án tử hình nhằm uy hiếp tinh thần chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Vào lúc 9h45 ngày 15/10/1964, anh Trỗi bị bắn tại pháp trường thuộc Khám Chí Hòa (Sài Gòn)...

Khoảng thời gian ấy, nhà báo Thái Duy là phóng viên báo Giải phóng đóng ở tỉnh Tây Ninh. Ông cho biết sự kiện trên báo chí của chế độ Sài Gòn hầu như ít đề cập. Cho đến trước thời điểm chúng đưa anh Trỗi ra xử bắn 10 ngày, báo chí ngụy quyền mới rộ lên.

Nhà văn Trần Đình Vân chia sẻ cơ duyên này: "Khi đó, tôi đang ở tỉnh Long An, cách Sài Gòn 30 km. Qua theo dõi từ các tờ báo địch, chúng tôi biết tấm gương chiến đấu dũng cảm của anh Trỗi đã làm cho du kích Venezuela xúc động. Cách xa Việt Nam nửa quả địa cầu, khi bắt được trung tá Mỹ Smolen giữa thủ đô Caracas, du kích Venezuela đã tuyên bố: "Nếu Mỹ và Nguyễn Khánh giết anh Trỗi thì một giờ sau, Mặt trận giải phóng dân tộc Venezuela sẽ hạ lệnh bắn trung tá Mỹ Smolen". Việc trao đổi đã được thỏa thuận, nhưng trung tá Mỹ vừa được thả thì... chính quyền Sài Gòn trở mặt, hèn hạ tử hình anh Trỗi..."

Nhớ nhà văn Trần Đình Vân: Chạm bách niên, cả đời 'Sống như Anh' - Ảnh 2.

Bìa cuốn “Sống như anh” do NXB Văn học xuất bản đầu tiên năm 1965

Sau chuyến công tác từ Long An về tòa soạn, ông được biết chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) đã được đưa về căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam (2/1965), sự kiện chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành hình tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương sáng trong muôn vàn tấm gương chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Nhận nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục viết về tấm gương hy sinh của anh Trỗi, ông đã gặp gỡ, nghe chị Phan Thị Quyên kể chuyện và viết ngay bài Những lần gặp gỡ cuối cùng đăng báo Giải phóng.

Nhưng khi nhận được bức điện từ Hà Nội của của Ban Tuyên huấn Trung ương yêu cầu cần có một số cuốn sách về anh Trỗi, ông đã đi tìm tư liệu sống để viết truyện ký. Ngoài ghi chép qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, ông đã đến Củ Chi tìm gặp những nhân chứng sống là cán bộ chiến sĩ trong đội biệt động Sài Gòn; những tù nhân đã từng ở tù với anh Trỗi... để hoàn thành bản thảo Những lần gặp gỡ cuối cùng.

 Ông kể: "Tôi vừa viết xong thì một phóng viên Liên Xô đã chuyển (bản thảo) qua đường hàng không từ Phnôm Pênh ra Hà Nội. Tôi rất vui khi được biết các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất quan tâm đến tác phẩm này. Các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… đã đọc bản thảo và chỉnh sửa. Và anh Phạm Văn Đồng đã đặt lại tiêu đề cho cuốn sách là Sống như Anh. Bác Hồ khen ngợi, chỉ đạo in thành sách".

Cuốn sách Sống như Anh được xuất bản hàng triệu cuốn và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tên tuổi Trần Đình Vân với tư cách nhà văn bắt đầu từ đó.

Tác phẩm Sống như Anh của Trần Đình Vân được tái bản nhiều lần và năm 2002 được bạn đọc bình chọn là một trong ba cuốn sách có nội dung hay nhất...

Sức lan tỏa thật kỳ diệu

Phần thưởng học sinh giỏi văn của tôi chính là cuốn Sống như Anh. Tôi đã đọc cuốn sách nhiều lần và nhớ ngay trang đầu sách có bút tích của Bác Hồ: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập".

Tháng 3/1966, nhà văn Trần Đình Vân và nhà văn Phan Tứ ra Bắc để tham dự Hội nghị Nhà văn Á Phi tổ chức tại Bắc Kinh. Niềm vinh dự, xúc động tràn trào khi dự xong Hội nghị, hai nhà văn được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Ngày 1/5/1975, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, nhà văn Trần Đình Vân đã đến thăm và viếng mộ anh Nguyễn Văn Trỗi...

 Sống như Anh ra đời năm 1965 là cuốn sách nổi tiếng, truyền cảm hứng mạnh mẽ, khích lệ ý chí, tinh thần yêu nước cho người dân Việt Nam nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về hình tượng lẫm liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ các nguồn tư liệu chân thực, vừa với tư cách nhà báo xử lý nguồn tư liệu sự kiện, vừa với tư cách nhà văn, ông đã thổi hồn vào trang viết, tạo nên những hình ảnh sống động, chân thật, gần gũi với tình yêu trong sáng, nhiệt tình cách mạng và lòng can đảm…

Nhớ nhà văn Trần Đình Vân: Chạm bách niên, cả đời 'Sống như Anh' - Ảnh 4.

“Sống như Anh” được tái bản nhiều lần

Tác phẩm Sống như Anh gần gũi, chân thật, nằm lòng của bao thế hệ bạn đọc... Chi tiết qua lời kể của chị Quyên vào thăm chồng ở khám Chí Hòa rất xúc động:

"Chúng tôi vẫn tắm nhờ hàng xóm. Thấy anh ăn vội vội vàng vàng, chiều thứ Bảy rồi mà lại không ở nhà, tôi nói xẵng với anh: "Thôi, anh bận thì cứ đi đi, lát nữa em mang nước sang tắm cũng được"; "Không, mấy cái bậc cửa buồng tắm cao quá, anh sợ em té"...

Tôi cầm tay anh, hình như có mập, bàn tay không còn nổi hằn lên những đường gân xanh như dạo còn ở trong nhà thương. Anh nắn nắn ngón tay trước kia đeo nhẫn cưới, bảo tôi:

- Anh bán mất nhẫn cưới rồi. Hôm đi chôn mìn thiếu mất ít dây điện. Liên lạc với tổ chức không kịp, tiền không có. Trong người lúc ấy chỉ còn có cái nhẫn là bán ra tiền. Anh đành bán mua dây điện...

Tôi úp mặt vào hai bàn tay anh, tôi khóc, tôi xin với anh:

- Anh đừng nhắc lại những chuyện đó nữa… Giá em được anh tin cậy thì việc tìm mua dây điện cho anh làm gì em không giúp nổi..."

Sống như Anh có sức lan tỏa thật kỳ diệu ngay sau khi ra đời. Chỉ sau một năm, năm 1966 dựa theo truyện ký Sống như Anh, nhà văn Trần Đình Vân cùng nhà văn Bùi Đức Ái tham gia viết kịch bản cho bộ phim truyện điện ảnh Nguyễn Văn Trỗi (Đạo diễn: Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo). Phim đoạt Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ nhất.

Những câu chuyện cảm động về người anh hùng kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi như một sử ký bằng thơ 9 phút lẫm liệt "làm nên lịch sử" của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Lê Anh Xuân viết Trường ca Nguyễn Văn Trỗi:

Kể từ khi gặp anh Hai

Gặp người cách mạng bỗng thay đổi đời

Dạy Anh làm thợ, làm người

Chân trời rộng mở... sáng ngời ước mơ

Đã từng làm thợ đốt lò

Từng đi bộ đội Cụ Hồ đánh Tây

...Nhưng ngày đã loé tương lai

Cuộc đời Anh có anh Hai dắt dìu

Và Anh đã gặp người yêu

Gặp Quyên, cô thợ cũng nghèo như Anh

Như hai dòng suối biếc xanh

Gặp nhau trong nắng bỗng thành đại dương...

Nhạc sĩ Vũ Thanh đã sáng tác ca khúc nổi tiếng Lời anh vọng mãi ngàn năm với ca từ da diết: "Sáng mãi tên anh người con của đất nước/ Sông núi reo ca người anh hùng Thành đồng bất khuất/ Nguyễn Văn Trỗi… Nguyễn Văn Trỗi…".

Một số đoạn trích trong tác phẩm "Sống như Anh" được đưa vào sách giáo khoa phổ thông mấy thập niên. Tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu viết: Sống như Anh - Một bài ca lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng (Tố Hữu); Sống như Anh - Tình ca của thời đại (Nguyễn Nghiệp); Nhân đọc Sống như Anh, nghệ thuật và cũng là sự sống (Nguyễn Văn Hạnh); Về khả năng phản ánh hiện thực của hồi ký nhân đọc Sống như Anh (Hà Minh Đức)...

Ở Việt Nam, tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được dựng lên ở một số công viên, trường học...và tên anh được đặt cho nhiều con đường, cây cầu, trường học, giải thưởng... Ở nước ngoài, có một sân vận động ở Cuba mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Toàn tâm với nghề báo

Ông sinh ngày 18/6/1926 tại Bắc Giang, quê ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhà báo Thái Duy là phóng viên báo Cứu quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) từ năm 1948; được kết nạp Đảng tại Chi bộ báo Cứu quốc ở chiến khu Việt Bắc cùng năm đó. Đầu năm 1964, ông đi B vào chiến trường miền Nam; thành lập báo Giải Phóng cùng hai nhà báo Trần Phong (Tổng biên tập) và nhà báo Tâm Trí. Báo Giải phóng thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Báo Cứu quốc và báo Giải Phóng được sáp nhập thành báo Đại Đoàn Kết và nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết cho đến khi nghỉ hưu (1995).

Ông là tác giả của những cuốn sách đã được xuất bản, như: Sống như anh, Người tử tù khám lớn, Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội, Hải Phòng anh dũng, Khoán chui hay là chết, Đổi mới ở Việt Nam - Nhớ lại và suy ngẫm...

Ông là nhà báo giỏi với hàng ngàn tác phẩm báo chí xuất sắc.

Ông từng tâm sự về nghề viết: Tôi chuyên viết phóng sự, bút ký sau này chuyên viết bình luận, chính luận, cho đến nay tôi vẫn viết chủ yếu cho báo Đại đoàn kết. Tôi chuyên bàn các vấn đề thời sự, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân đối với chủ trương chính sách cảu Đảng và Nhà nước. Thường xuyên tham gia vào các cuộc chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Cả cuộc đời chuyên tâm với nghề báo, nhà báo Thái Duy đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông được ghi nhận, tôn vinh bằng những phần thưởng xứng đáng là: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu do Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam (1965), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp Đại Đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; vinh danh tại Hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu" (năm 2020)...

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm