Khoan sâu đến tận địa ngục

19/08/2011 07:10 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Ở một xã hội có đến 50% dân cư dưới 25 tuổi như Việt Nam thì khái niệm “Chiến tranh lạnh“ dễ gây ra thi vị... cổ tích, nhưng chính vì thời ấy đã lùi xa vào quá khứ nên đôi khi cũng mang nét khôi hài bất đắc dĩ, ví dụ như mũi khoan sâu nhất thế giới ở miền Bắc nước Nga trong thập kỷ 1970 - vừa mang kỳ vọng kỹ nghệ, vừa liên quan tới chạy đua vũ trang, lại dính dáng đến cả tôn giáo!

Vượt mặt đối thủ

Người Mỹ có nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật đáng tự hào, khỏi phải bàn. Họ cũng là quốc gia đầu tiên đưa người lên mặt trăng, dù rằng chẳng có mục đích nào lớn hơn là đến đích sớm hơn người Nga bằng mọi giá (nói vậy cũng hơi oan, vì sau này người Mỹ có cho ra một sản phẩm phụ của ngành nghiên cứu vũ trụ: chảo rán không dính, niềm vui của người ăn kiêng và các bà nội trợ thiếu mỡ!).

Cuối năm 1972, công ty GHK & Lone Star bắt tay vào một công trình khoan tìm khí đốt ở Washita County (thuộc bang Oklahoma). Sau ngót 2 năm và tốn khoảng 7 triệu USD, công trình đành bỏ dở vì không tìm được tài nguyên nào bõ công khai thác, bù lại thì người Mỹ cũng đã có một công trình để đời: mũi khoan “Bertha Rogers“ 9.583 mét ấy là một kỷ lục thế giới về khoan sâu vào lòng đất. Âu cũng là một giá trị tinh thần lớn lao, vì như ta biết, cuộc Chiến tranh lạnh không để đọ gươm súng mà chỉ ganh đua nhau bằng những con số (lắm khi) khá vô bổ.

Kỷ lục của người Mỹ trụ được đúng 5 năm thì bị Nga xô đổ. 1970, khi cuộc cạnh tranh lên vũ trụ đang nóng thì đồng thời cũng diễn ra một trận đua theo chiều ngược lại, để rồi vào ngày 6/6/1979 đội khoan địa chất của Liên Xô trên bán đảo Kola gần biên giới Phần Lan và Na Uy được phép nổ sâm-banh mừng sự kiện trọng đại: họ đã khoan sâu 9.584 mét, hơn người Mỹ đúng... 1 mét! Sau những ngày tưng bừng trong dòng Vodka như suối, người Nga đi tiếp vào lòng đất, để rồi sau lễ Giáng sinh 1983 đạt đến độ sâu 12.000 mét. Giờ thì đã đến lúc xả hơi đôi chút, hay đúng hơn là họ nghỉ tay hẳn 1 năm vì thực ra chẳng có lý do gì mà phải vội vàng: ngoài phát hiện khoa học là ở độ sâu kỷ lục ấy không có nhiệt độ 100 độ C như lực lượng bàn giấy dự tính - mà 180 độ C - thì dự án dài hai thập kỷ này cũng không đưa lại tác dụng kinh tế nào.

Dưới tháp khoan là một lỗ sâu nhất thế giới, hút lên hàng nghìn tấn đất đá
bằng bộ mũi khoan đường kính 21 phân nặng tới 200 tấn

Kỹ nghệ và xác tín

Hôm nay nếu có ai lạc bước đến công trường của đội khoan SG-3 vào lúc nhập nhoạng sẽ gặp một hình ảnh đáng giật mình: giữa chốn hoang vu không người trên bán đảo Kola có một loạt nhà ở kiểu container bỏ hoang bám dày bụi, máy móc hoen gỉ, một tháp khoan khổng lồ chọc lên nền trời với phần đỉnh bị thuốc nổ đốn cụt đầu, trông như đài kiểm soát không lưu của một phi trường mới bị khủng bố. Thực tế thì ngược lại: ở đây người ta không cất cánh chinh phục không gian, mà chui vào lòng đất. Dưới tháp khoan đó là một lỗ mở toang hoác - lỗ sâu nhất thế giới, hút lên hàng nghìn tấn đất đá bằng bộ mũi khoan đường kính 21 phân nặng tới 200 tấn.

Như đã nói, đội khoan được nghỉ hẳn 1 năm trước khi quay lại khoan tiếp. Nhưng niềm vui đến quá sớm: nhiệt độ trong lòng đất cao hơn dự đoán rất nhiều khiến tốc độ khoan ngày càng chậm đi. Viễn cảnh đi sâu thêm vào trung tâm hành tinh xanh đến 15.000 mét (như tên mũi khoan Uralmash-15000 tiết lộ) ngày càng mờ mịt. Cái lỗ siêu hạng ấy ngày càng tỏ ra đắt đỏ hơn. Ở độ sâu chừng 9.000 mét người ta tìm được ít quặng vàng ngoài dự kiến, song chẳng bù cho đầu tư tốn kém.

14.000 mét: đột nhiên mũi khoan quay tròn tại chỗ như lốp ô tô sa vào vũng lầy, đồng nghĩa với hiện tượng khoan vào một khoảng trống đâu đó. Nhiệt độ lúc này đã đo được trên 1.000 độ C. Các nhà khoa học nín thở vì sửng sốt. Người ta thòng một chiếc micro chịu nhiệt vào lỗ khoan để thu âm, và những gì có vẻ như âm thanh nhiễu loạn, sau khi đưa vào phân tích trong phòng thí nghiệm chợt được xác định là tiếng của hàng nghìn người đồng thanh gào thét rên rỉ.

Dự án khoa học đột nhiên nhường chỗ cho một sự kiện mang tính tôn giáo, và nhân vật chính bây giờ là một ông giáo làng và một thầy tu người Mỹ.

Cảnh mừng vui vào ngày khoan tới độ sâu 12.000 mét (27/12/1983 - ảnh trên) và tương phản
là cảnh buồn bã đìu hiu của đội khoan địa chất Kola (ảnh dưới)

Quái vật cánh dơi

Hôm nay khó dựng lại con đường quanh co đẻ ra câu chuyện huyền bí nói trên. Nhà báo người Mỹ Rich Buhler đã bỏ công phỏng vấn mọi nhân vật ít nhiều liên quan đến dự án SG-3 và kể lại rằng, tờ báo truyền giáo Phần Lan Vaeltajat đăng lại tin nhận được từ một độc giả, và độc giả ấy cũng chỉ đọc được trong một tờ báo Thiên Chúa giáo của Mỹ. Tin này lại được một nhật báo Phần Lan khác, tờ Etela Soumen chép lại. Nhân vật thứ tư trong cuộc là nguyệt san tôn giáo Ammenusastia háo tin lạ. Và điểm chốt là kênh truyền hình tôn giáo lớn nhất Hoa Kỳ, Trinity Broadcasting Network (TBN) lăng-xê sự kiện sốt dẻo: đã tìm ra được địa ngục!

Một ông giáo làng người Na Uy tên là Age Rendalen có “công“ lớn nhất trong vụ này. Trước lễ Giáng sinh 1989 Rendalen qua California thăm bạn ngày xưa ở trường dòng là Rick Kuykendall. Bạn ông tuy đã trở lại với đời thường nhưng họ vẫn ưa hàn huyên về chủ đề tín ngưỡng. Kuykendall vừa cười vừa kể cho Rendalen tiết mục do TBN phát sóng tối hôm trước về một nhóm nghiên cứu tình cờ khoan phải địa ngục. Cả hai cùng cười đứt ruột. Riêng ông giáo Rendalen nảy ra một ý: “Tôi quyết tâm thử xem con người cả tin đến mức nào“. Hết dịp nghỉ lễ, Rendalen viết một thư cho kênh TBN, tự xưng là cố vấn đặc trách của Bộ Tư pháp Na Uy và muốn bổ sung thêm vài chi tiết: sau khi ghi âm xong, đêm hôm đó có một luồng khí lân tinh phụt lên từ lỗ khoan, tụ thành đám mây, và trên đó ngự một quái vật có cánh dơi, còn trên trời hiện ra dòng chữ “Ta là người chinh phục“. Để “chứng minh“ cho thông tin trên, Rendalen gửi kèm một mẩu xé từ tờ báo Na Uy Asker Baerums Budstikke kèm bản tiếng Anh do ông tự dịch.

Dỡ bỏ cổng địa ngục

Có lẽ chẳng ma nào học tiếng Na Uy, đất nước chưa đầy 5 triệu dân, vì vậy TBN không kiểm tra được bản chính - có nội dung khác hẳn! Bản “dịch“ kể về một kỹ sư chỉ huy dàn khoan người Na Uy, ông này không chỉ khẳng định thông tin của Rendalen, mà còn tiết lộ rằng Chính phủ Liên Xô hối lộ và dọa thủ tiêu nếu công nhân dàn khoan để lộ chuyện này. Sau đó nhân viên y tế đi phát thuốc lú để xóa trí nhớ ngắn hạn của những nhân chứng liên quan.

TBN không chỉ tin vào truyện cổ tích qua bản dịch của Rendalen, mà còn chuyển thư ấy cho R.W.Shambach, một thầy tu Mỹ trên màn ảnh nhỏ, và từ mồm ông này chẳng mấy chốc cả triệu con chiên biết chuyện tìm ra hỏa ngục. Từ báo Cơ đốc giáo Christianity Today cho đến hàng loạt nhật báo vô thần như Birmingham News hay Weekly World News tưng bừng copy lại tin nóng hổi trên. Internet - cho dù còn chưa có tốc độ như hôm nay - phụ trách nốt đoạn cuối của mạng lưới “truyền thông“. Rendalen và Kuykendall phát hoảng, ra sức cải chính nhưng đã quá muộn. “Hôm nọ một học sinh truyền cho tôi đường link của thầy tu tên là Creflo“, Rendalen kể, “cha này dẫn đề cho bài giảng đạo bằng chuyện khoan vào hỏa ngục mà ông ta được nghe hồi 1985 - 5 năm trước khi chính tôi bịa ra!“.

Trái với thành công hoành tráng của Rendalen, dự án SG-3 chấm dứt không kèn trống vì quá tốn kém.

Thậm chí không còn cả tiền mua thuốc nổ phá cả tháp khoan. Sau khi nổ đoạn chóp, công nhân buộc dây vào chân tháp rồi lấy xe tải kéo mà không đổ. Họ đành bỏ đi, sau khi chúc cả dự án bị đày xuống địa ngục...

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm