Jose Mourinho: Cái bắt tay với người Tây Ban Nha

25/08/2015 05:58 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Ba cầu thủ ghi bàn cho Chelsea trong trận thắng 3-2 trước West Brom đều là người Tây Ban Nha: Cesar Azpilicueta, Diego Costa và Pedro Rodriguez. Dấu ấn Tây Ban Nha rõ rệt ở Chelsea càng chứng tỏ Jose Mourinho là “nô lệ” của chiến thắng.

1. Với bóng đá TBN, Mourinho có nhiều kẻ thù hơn bạn. Ba năm dẫn dắt Real Madrid là ba năm ông đẩy CLB vốn nổi tiếng lịch lãm này đến giới hạn của sức chịu đựng, sau các mâu thuẫn trong phòng thay đồ. Nổi tiếng nhất, hẳn nhiên, “big bang” Iker Casillas với Mourinho. Sergio Ramos đứng về phe Casillas và cũng là phe của những Xavi Hernandez, Andres Iniesta của kẻ thù Barcelona. Chỉ vì nghi ngờ Casillas bí mật nhắn tin “làm lành” với Xavi sau va chạm ở một trận “Kinh điển”, Mourinho đày ải thủ môn này đến tận cùng đau khổ.

Trên đỉnh cao, bóng đá Tây Ban Nha qua miệng lưỡi Mourinho cũng chỉ là “giải đấu mà tôi có thể vừa nghỉ ngơi vừa thắng trận (nói sau khi vô địch Premier League 2015 với Chelsea): “Ở Premier League, tôi cho vài cầu thủ nghỉ trước Bradford, Chelsea thua ngay Bradford. Bóng đá Anh là thế đấy, rất căng thẳng. Khác biệt giữa Premier League với Liga rất lớn. Tôi không chắc Barcelona hay Real Madrid đủ trình độ vô địch Premier League”.

Câu trả lời cho Mou: Bóng đá Tây Ban Nha có 30 đội góp mặt ở 33 vòng knock-out cúp châu Âu gần nhất và mùa 2012-13, Mourinho trắng tay với Real. Sai lè ra nhưng ông vẫn chửi. Chửi Liga nghĩa là chửi bóng đá Tây Ban Nha. Chửi xong giải đấu, ông chửi đến đội tuyển quốc gia, sau khi Sergio Ramos bóng gió Cesc Fabregas và Diego Costa không lên tập trung đội tuyển hồi tháng 11/2014 là “mánh khóe gian lận”.

Rồi Mourinho móc máy tiki-taka vào năm 2012, khi Real đánh bại Barcelona trong cuộc đua vô địch Liga: “Chúng tôi hạ gục đội bóng xuất sắc, nhưng một số “danh nhân” (ám chỉ Pep Guardiola) cho rằng cách chơi bóng của họ là duy nhất, giúp bóng đá tồn tại”. Chuyện Mourinho mâu thuẫn với Pep thì khỏi phải kể lại. Andres Iniesta thì bảo: “Mourinho hủy hoại bóng đá Tây Ban Nha”.

2. Thế mà bây giờ, đội 1 của Chelsea có 4 người TBN, nhiều hơn cả đội hình xuất phát Real Madrid hôm đá với Sporting Gijon (3 người: Ramos, Isco, và Jese). 4 người TBN đá chính rải đều ở 3 tuyến và đều là trụ cột. Trong số họ, có 3 người ghi bàn trước West Brom, còn Cesc Fabregas là đạo diễn thế trận đóng vai trò quan trọng.

Mourinho chửi tiki-taka, chửi Barcelona nhưng ông lại mua 2 biểu tượng tiki-taka của Barca. Năm ngoái, là Fabregas, năm nay là Pedro. Đó là một mâu thuẫn với riêng cá nhân Mourinho, người mà chúng ta cần nhớ khi bắt đầu sự nghiệp cầm quân chỉ quen mang theo “đệ tử ruột” chứ không phải “kẻ thù”: Mùa 2004-05, Mou mang 4 cầu thủ đã quen ở BĐN đến Chelsea. Ở Real, ông yêu cầu mua Fabio Coentrao dù cánh trái đã có Marcelo. Mùa 2013, "đệ tử cũ" ở Chelsea là Michael Essien đến cùng Diego Lopez được chiêu mộ làm đối trọng với Casillas. Mùa cuối ở Real, cả đội có tổng cộng 5 người cùng người đại diện Jorge Mendes nếu tính cả Mourinho.  

3. Mâu thuẫn không? Lần này thì không. Hoặc đúng hơn, có thể nói mọi điều phi lý phát sinh từ Jose Mourinho đều hợp lý.

Vây cánh ở một CLB kiểu Real là quan trọng, nhưng chiến thắng mới là thứ giúp Mourinho tồn tại. Ở Chelsea, nếu Mourinho đã thay cả John Terry giữa chừng trong trận gặp Man City mới đây như để tuyên bố “Các anh không đá tử tế, tôi loại hết”; hoặc đẩy tội cho nữ bác sĩ Eva Carneiro sau trận hòa Swansea với lời gửi gắm: “Ngồi ghế dự bị cũng phải hiểu trận đấu”, thì nghĩa là quyền lực của Mourinho ở Chelsea là tối thượng, lớn hơn tại Real rất nhiều.

Pedro hay ai đó từng là “kẻ thù” với ông cũng chỉ như Cristiano Ronaldo đã hợp tác với Mourinho  dù giai đoạn ở Man United, có lần anh bị Mou ám chỉ là “đồ vô học”.

Vì chiến thắng, ngay cả kẻ thù cũng thành bạn hữu, thì quốc tịch có quan trọng gì.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm