Chỉ cần một bộ sách giáo khoa là đủ

14/04/2009 10:33 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục, cả nước sẽ có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa (SGK) để thầy giáo, học sinh lựa chọn trong quá trình giảng dạy và học tập. Có cần thiết phải làm như vậy?

Nhiều bộ SGK để làm gì?

Hiện có một số nước ở cấp THPT sử dụng nhiều bộ SGK. Thầy được quyền chọn lưạ bài nào cho là hay để dạy. Thậm chí bài 1 chọn ở quyển A, bài 2 chọn ở quyển B, C…nếu thầy giáo thấy bài đó tốt nhất, kiến thức chuẩn nhất, có lợi cho học sinh nhất. Trò cũng thoải mái tham khảo bày tỏ chính kiến thích thú học bài nào. Ông thầy có trách nhiệm dạy cho học sinh hiểu bài học đến nơi, đến chốn.

Hình minh hoạ truyện “Cô bé bán diêm” trong SGK lớp 8


Để thực hiện được điều này, kèm theo các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, có nhiều biện pháp tích cực, phù hợp. Trước hết là thầy giáo có tay nghề “chất lượng cao”, hết lòng “vì học sinh thân yêu”, cần cù chăm chỉ tự học, đọc sách tham khảo, chuyên môn giỏi, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, đủ năng lực, trình độ thẩm định SGK, dám chịu trách nhiệm trước học sinh, thì mới tự mình chọn sách, chọn bài để dạy học trò. Các nước này có một hệ thống thư viện nhà trường, thư viện công cộng phát triển đồng bộ, đủ đầu sách phục vụ, phòng đọc yên tĩnh, học sinh đọc sách tại chỗ hoặc mượn sách về nhà tham khảo. Đặc biệt thủ thư trông coi thư viện đủ năng lực hướng dẫn, giới thiệu nội dung sách, gợi ý cho trò tiếp cận kiến thức mới…Quan trọng hơn, đối tượng người đọc, tức học trò chăm đến thư viện, ham đọc sách, tìm tòi, sáng tạo. Chính vì xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, tức người đọc cả thầy lẫn trò, người ta mới có nhiều bộ SGK. Họ làm được vì đi con đường “thuận chiều”, hợp lý.

Năm học 1999- 2000 trở về trước, cấp THPT ở nước ta cùng đồng thời có hai bộ SGK. Một bộ do các GS trường ĐHSP tổ chức biên soạn, các địa phương phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra dùng bộ sách này. Các tỉnh phía Nam dùng bộ SGK do tập thể, cá nhân ở TP.HCM thực hiện. Thực ra hai bộ sách này chỉ là ”2 trong 1”, không khác nhau là mấy, vì các thầy soạn sách đều từ “một lò” đào tạo. Hai bộ SGK cứ mặc nhiên song song tồn tại trong một nền giáo dục thống nhất, của một quốc gia thống nhất thật vô lý, có lẽ vì vậy, Quốc hội khóa X quyết định, cả nước dùng một bộ SGK.

Bây giờ Luật Giáo dục bổ sung đề suất, không phải chỉ hai, mà nhiều bộ SGK khác nhau, của nhiều nhà xuất bản (NXB) khác nhau chiếm lĩnh thị trường. Đương nhiên trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh hàng hóa là quy luật tất yếu, việc ra đời nhiều bộ SGK mang ý nghĩa xóa bỏ thế độc quyền xuất bản sách của NXB Giáo dục. Nếu coi SGK chỉ đơn thuần là “hàng hóa” thì người mua thấy sách nào rẻ thì mua. Nhưng SGK là một mặt hàng đặc biệt, là công trình khoa học thực thụ, dùng để dạy học trò những tri thức khoa học cơ bản, mang tính giáo dục cao, không phải NXB nào cũng đủ năng lưc xuất bản. Ngay như NXB Giáo dục có thâm niên làm SGK trên 50 năm, với một lực lượng tác giả biên soạn hùng hậu, toàn các Giáo sư đầu ngành giầu kinh nghiệm nhưng vẫn còn để lại những sai sót nghiêm trọng mà công luận bức xúc, đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Đừng đẩy các NXB vào thế chạy đua

Muốn có một bộ SGK phải có một hội đồng biên soạn gồm nhiều nhà khoa học có uy tín, đứng đầu thường là Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng. Sau khi sách được thẩm định sẽ giao cho NXB được phép xuất bản, ở ta là NXB Giáo Dục. Các NXB khác muốn xuất bản, cứ cho họ được phép, song họ không đủ chức năng thành lập hội đồng biên soạn. Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định?

Khi song song tồn tại nhiều bộ SGK, ai là người có quyền quyết định, bộ nào là bộ chính dạy trong các trường học? Chẳng lẽ là tất cả? Hay “ thả nổi” cho thầy muốn dạy bộ nào thì dạy, trò muốn học bộ nào thì học? Và trò phải có bao nhiêu bộ SGK thì đủ? Hiện ta mới chỉ có một bộ SGK, in ấn còn mắc khá nhiều lỗi cả về kỹ thuật lẫn nội dung, sự chỉ đạo chuyên môn còn những “ lỗ thủng ” thể hiện sự yếu kém trong quản lý. Nếu thị trường loạn SGK, mỗi tỉnh có một bộ riêng viết theo quan điểm của mình, dạy theo kiểu của mình, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo thế nào đây?

Khi Luật GD bật “đèn xanh” cho phép có nhiều bộ SGK, các NXB đua nhau làm SGK, NXB Giáo Dục có Nhà nước tài trợ, các NXB khác phải tự bỏ tiền túi nên họ phải tính, lỗ lãi. Với một bộ phận NXB này, lợi nhuận là cao nhất, chứ không phải quyền lợi của học trò. Và rồi liệu học trò có được tham khảo những cuốn SGK “sạch” không? Không biết chừng các NXB “đánh nhau”, học trò ở giữa… thiệt nhất.

Lại nữa, thực tế học trò của ta, có bao nhiêu phần trăm ham mê mở rộng kiến thức đọc sách tham khảo? Ngay như khi soạn bài thầy giáo yêu cầu đọc SGK trước một lần, cũng chỉ khoảng 30% thực hiện. Học trò của ta chưa có thói quen với văn hóa đọc, thu nạp kiến thức của nhân loại “biến” nó thành của mình. Bởi cũng do cách dạy, cách học “thực dụng”, dạy và học “gò” theo bài mẫu có sẵn, không cần sáng tạo, mở rộng kiến thức vẫn cứ lên lớp 100%. Một số thầy đứng lớp nhưng chân ngoài dài hơn chân trong, lo đủ thứ chuyện “ngoài dạy học”, làm gì còn thời gian làm “tấm gương sáng tự học”? Thầy cũng không cần có thêm bộ SGK nào nữa. Dù có, thầy cũng không đủ bản lĩnh chọn bài “ngoài luồng”, khác phân phối chương trình chỉ đạo của Bộ, vừa mất thời gian soạn bài, khi thi “lệch tủ” thì chắc chắn bị “trên đe, dưới búa”. Ở Hà Nội đã có trường THPT nào có thư viện đủ “chuẩn” để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập chưa? Đầu năm học lo cho con có đủ một bộ SGK, nhiều gia đình cán bộ, công nhân viên cố gắng vượt mức rồi.

Trong bối cảnh hiện tại, ít nhất cho đến năm 2020, theo tôi, chỉ cần một bộ SGK biến soạn cho tinh, phục vụ cho việc dạy và học tối ưu nhất có lẽ vừa sức chúng ta, có hiệu quả hơn. Nếu Bộ Giáo dục muốn có hơn một bộ SGK, thì nên tập trung biên soạn một bộ dành cho đối tượng học sinh ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn nghèo, nội dung sát đối tượng giảng dạy với giá ưu đãi, để ít nhất mỗi học có một bộ SGK làm “đồ dùng học tập” có lẽ thiết thực hơn.

Dù Bộ Giáo dục làm gì thì làm, kỵ nhất đừng đem trẻ thơ ra làm vật thí nghiệm như kiểu Cải cách giáo dục đã làm, quá lâu dài, quá tốn kém, mà hậu quả thì như chúng ta đã biết!

Nhà giáo Lê Sĩ Tứ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm