Sống lúc nào cũng khó hơn là chết

14/06/2008 17:31 GMT+7 | Đọc - Xem

 (TT&VH Online) - (Đọc tiểu thuyết “Sống khó hơn là chết”, Trung Trung Đỉnh, NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành, 5/2008)
 
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
 
Loài người, từ khi biết nghĩ suy, đã bước vào cuộc giành giật miếng ăn, sự sống, đã bắt đầu biết nuông chiều bản thân bằng những tham vọng không ngừng. Cũng loài người, sống trong một xã hội nhiều biến động, cái mới sau phủ nhận cái mới trước, khiến những thang bậc giá trị đổi thay nhanh chóng, mọi thứ trở nên bất thường. Con người đi vào những nghịch cảnh không ngờ tới, vì niềm tin lầm lạc, vì những nông nổi thói thường, vì cả những cuộc tranh giành vị trí và thói mê hư danh. Và loài người, qua con mắt của tờ tiền 1.000 đồng, trở nên đáng thương và đầy phi lý. Đó có thể coi là một góc nhìn nhỏ về “Sống khó hơn là chết, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Trung Trung Đỉnh.
 
 Đồng tiền kể với nhà văn rằng, một phụ nữ, vốn là công nhân lâm trường, cơ may hạnh phúc đến trong hoàn cảnh oái oăm rồi vuột mất trong tủi nhục. Những người đàn ông trong đời chị, khi thì hèn nhát, lúc nhu nhược, cuối cùng, chị bế đứa con nhỏ trên tay đi ăn xin. Và rồi chị được một ông già cho đồng tiền 1000 và dắt ở cạp quần như tài sản lớn. Chị gặp gã say dưới mái hiên mưa trong một đêm tối trời. Và cứ từ đó, chị ám ảnh giấc mơ hạnh phúc, dù giấc mơ đó mong manh hơn gió.

Đồng tiền kể cho nhà văn nghe rằng, một trí thức, một người lính từ chiến trường về, lòng nặng những ký ức về cuộc chiến, người vẫn mang niềm tin ngây thơ vào lòng tốt của con người, bỗng trở thành kẻ lạc thời. Trong viện nghiên cứu anh làm, người ta chỉ có nhu cầu làm công trình, thành tiến sỹ, thạc sỹ để tiến lên chức vị nào đó, để mặc công trình thành những hoa văn trên chiếc mũ tiến sỹ. Không có khao khát nào, ước mơ nào cho một nền học thuật. Anh, một người nghiên cứu về lòng tốt của con người, trở thành kẻ tâm thần trong mắt các đồng nghiệp. Người ta đẩy anh vào viện tâm thần…

Đồng tiền theo nhà văn vào viện tâm thần để gặp nhân vật. Và cuộc đời cuộn chảy qua những dòng hồi ức, qua những dấu vết nghiệt ngã của số phận được hiện dần qua ngòi bút sắc lạnh. Đồng tiền, như chứng nhân, như người dẫn đường và như người kết luận. Đồng tiền, qua bao dâu bể cũng thành hư vô. Con người qua bao giành giật, cũng đi vào cõi im lặng. Tiểu thuyết đột ngột ngưng trong một khoảnh khắc không ai ngờ tới. Và Trung Trung Đỉnh nói, cần có cõi lặng im ấy, nếu không cõi thực sẽ nổ tung...
Tác phẩm của Trung Trung Đỉnh

Gần ba chục năm cho một cuốn sách chưa đầy 200 trang, có thể thấy sự đứt đoạn trong sáng tác của nhà văn với đứa con tinh thần này. Nhưng nó không phải là sự rời rạc trong cảm xúc. Trung Trung Đỉnh vẫn đau đáu về Tây Nguyên và những năm tháng chiến tranh thuộc về ông đã không bao giờ rời bỏ những trang giấy mà ông viết, dù ông không cố tình. Đây không phải là một thành công cỡ Lạc rừng, cũng khác nhiều so với Ngược chiều cái chết, Ngõ lỗ thủng , Tiễn biệt những ngày buồn. Sống khó hơn là chết đi vào sự tinh giản, tưởng nhẹ mà rất buồn, tưởng giản đơn mà không phải vậy. Như cuộc sống, cái chết có thể là một sự giải thoát, cắt đứt mình với phần còn lại của thế giới. Chết là đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng sống thế nào, sống sao cho ra sống, mới là khó lắm thay…

Nhân vật đồng tiền không phải là nhân vật mới trong văn học nghệ thuật, có thể gặp đây đó trong những tác phẩm văn học nước ngoài hay những bộ phim Hollywood. Nhưng nhân vật đồng tiền của Trung Trung Đỉnh chỉ như một cái cớ để ông đi vào những phận người.

Ám ảnh nhiều trên những trang viết của Trung Trung Đỉnh là sự trằn trọc về nhân tình thế thái của nhà văn. Dường như chính ông cũng đang phân vân vào sự “lạc chốn thị thành” của mình.

Dương Bình Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm