Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và Bài văn bị điểm không

05/07/2009 15:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nói đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong SGK, hẳn nhiên nhiều thế hệ học trò biết đến Chiếc lược ngà, Quán rượu người câm… Những tác phẩm đó viết trong chiến tranh về thân phận con người trong bom đạn, loạn lạc. Nhưng Bài văn bị điểm không của Nguyễn Quang Sáng trong SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 thì lại khác.

Bài học về lòng trung thực

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể, Bài văn bị điểm không ông viết khoảng năm 1985: “Nếu nhớ không lầm, tôi viết tác phẩm này khi thằng Dũng (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng con ông - PV) vào lớp 1”.Bài văn bị điểm không được Nguyễn Quang Sáng viết theo đơn đặt hàng của nhà văn “chuyên đi bộ” Hoài Anh. Lúc đó, nhà văn Hoài Anh đang “chạy show” lo tổ chức bài vở ở một tờ tạp chí dành cho thiếu nhi. Ông Hoài Anh đã đặt hàng ông Nguyễn Quang Sáng viết cái gì đó giúp mình. Hỏi ông Sáng tờ tạp chí nào, ông bảo không nhớ. Hỏi ông Hoài Anh, ông bảo cũng quên rồi.

Hai ông nhà văn thuộc hàng lão làng của văn giới Việt Nam đều không nhớ Bài văn bị điểm không in lúc nào, ở đâu… nhưng SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 thì nhớ. Chỉ có điều, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không biết tác phẩm này vào SGK khi nào?!

Ông Sáng nói: “In trong SGK khi nào làm sao tui biết, vì NXB có thông báo cho biết hay gửi nhuận bút gì đâu”.

Đây là một tác phẩm ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục của Nguyễn Quang Sáng, xin trích nguyên văn: “- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba? Tôi ngạc nhiên: - Đề bài khó lắm sao? - Không. Cô chỉ yêu cầu “Tả bố em đang đọc báo”. Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo, nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm. Tôi thở dài: - Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào? - Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: “Sao trò không chịu làm bài?”. Nó cứ làm thinh. Mãi sau nó mới bảo: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hy sinh từ khi nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: “Sao mày không tả ba của đứa khác?”. Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kết thúc câu chuyện: “Chuyện về cậu học trò có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực”.

Bài văn bị điểm không thể hiện xuyên suốt quan điểm sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Cái gì biết mình viết mới hay, không biết mà bịa chuyện thì trật lất”. Chẳng thể mà, văn giới lâu nay vẫn gọi Nguyễn Quang Sáng là nhà văn kể chuyện mộc mạc. Chính nhờ những câu chuyện mắt thấy, tai nghe của mình, đã làm nên một thương hiệu Nguyễn Quang Sáng không lẫn với bất kỳ ai. Trong Bài văn bị điểm không, ngoài ý nghĩa về lòng trung thực của con người, ông Sáng còn mong muốn cách dạy văn trong nhà trường cũng cần trung thực với thực tế. Nghĩa là tùy lứa tuổi học sinh, dựa vào thực tế hiểu biết của các em mà có cách dạy phù hợp. Chứ lâu nay, đề văn ra một nẻo trong khi học sinh lại hiểu biết một đằng thì càng “bắt” các em học, các em càng chán, ngán và sợ môn văn. Thậm chí, bắt các em nghĩ và cảm về một vấn đề xa lạ với mình, để rồi phải làm bài không như hiểu biết của các em, từ đó vô tình chúng ta “dạy” các em “nói láo”.

Trẻ con “trực quan sinh động” lắm!

Bài văn bị điểm không không biết có ảnh hưởng gì đến các cây bút thế hệ 7X, 8X lúc mới tập tành viết văn hay không? Chỉ biết rằng cấu trúc câu chuyện của Bài văn bị điểm không trở thành một môtip trong nhiều sáng tác của các cây bút trẻ in rải rác trên sách báo dành cho tuổi học trò. Chẳng hạn như truyện thuở ban đầu của một cây bút 7X mà người viết bài này được đọc. Xin tóm lượt: “Cô giáo hỏi cả lớp “hai bàn tay có mấy ngón”. Cả lớp đều bảo 10 ngón. Riêng một cậu học trò cứ khăng khăng là 11 ngón. Khi cậu học trò giơ hai bàn tay của mình lên thì cô giáo ngỡ ngàng vì em có 11 ngón thật”. Đem kể chuyện này cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng nghe, ông trầm ngâm rồi nói: “Trẻ em nó trực quan sinh động lắm, không có lý thuyết hay công thức gì ráo. Rõ ràng 2 bàn tay nó có 11 ngón, cũng như đứa trẻ trong Bài văn bị điểm không không có ba… thì các em phải nói và hành động như vậy. Chỉ có người lớn chúng ta mới giáo điều”.

Với Bài văn bị điểm không, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có thêm một độc giả đặc biệt, đó là ông Nguyễn Tiến Toàn - Giám đốc doanh nghiệp xe lăn Kiến Tường. Ông Toàn là bạn nhậu thân thiết với Nguyễn Quang Sáng, trong vô số tác phẩm của ông Sáng, ông Toàn thuộc nằm lòng Bài văn bị điểm không. Hỏi ông Nguyễn Tiến Toàn sao thuộc lòng tác phẩm dành cho thiếu nhi này, ông khẳng khái: “Tôi làm kinh doanh, mà kinh doanh lâu nay vẫn bị mang tiếng là buôn gian bán lận, miệng lưỡi nhà buôn… Tôi không thích người ta suy nghĩ như thế về nghề của mình. Nghề chúng tôi đâu phải ai cũng chăm chú kiếm lợi cho mình, chúng tôi có rất nhiều người trung thực chứ. Chẳng hạn như thà không đầu tư làm việc đó còn hơn làm mà chỉ có lợi cho mình, còn cộng đồng thì bất lợi. Tôi học được sự trung thực này qua Bài văn bị điểm không của anh Sáng”.

Hoàng Nhân

Hình: (nqs) – Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm