Cuốn sách '12 Years A Slave': 100 năm trong quên lãng

17/09/2013 15:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - 12 Years A Slave (12 năm nô lệ), nguyên tác của bộ phim cùng tên đoạt giải lớn tại LHP Toronto năm nay, là cuốn sách có giá trị lịch sử và cá nhân nhưng lại không được biết đến trong suốt gần một thế kỷ qua.

12 năm nô lệ là hồi ký của Solomon Northup, một nông dân tự do ở New York bị bắt cóc vào năm 1841 và bị ép làm nô lệ trong vòng 12 năm.

Cùng thời với Túp lều bác Tôm và 100 năm quên lãng

Cuốn 12 năm nô lệ phát hành năm 1853, chỉ một năm sau cuốn Uncle Tom's Cabin (Túp lều bác Tôm) của Harriet Beecher Stowe. 12 năm nô lệ bán được 30.000 bản, được coi là bán chạy.

Khi mới phát hành, cuốn sách được coi là quả bom ném thẳng vào cuộc tranh luận quy mô quốc gia về chế độ nô lệ, một trong những lý do dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ và khiến dư luận nghiêng về ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ.


Bìa cuốn 12 Years A Slave bản năm 1855

Sau đó, trong thế kỷ 19, sách ra thêm vài phiên bản nữa rồi ngưng hẳn. Cuốn sách bị lãng quên trong vòng gần 100 năm, cho đến năm 1968 mới được sử gia tìm thấy và phát hành trở lại.

Cuốn sách có một tiêu đề đơn giản tưởng như khái quái được tất cả nội dung, nhưng điều khiến 12 năm nô lệ là một cuốn sách khó quên nằm ở những chi tiết rất cụ thể và nghiệt ngã.

Solomon Northup buộc độc giả phải nhìn thẳng vào quãng đời nô lệ bắt buộc của ông: Những trải nghiệm bị áp bức kinh hoàng, sự đảo lộn vai trò nghiệt ngã khi ông bị ép phải trừng phạt các nô lệ khác, và cuối cùng, cái giá của tự do.

Một cốt truyện khái quát luôn là thứ dễ kể, nhưng những tác phẩm chân thực khiến người đọc rùng mình vì các chi tiết. Northup làm tất cả để thể hiện rõ mục tiêu của mình: Cung cấp một bức tranh đầy đủ về cuộc sống của một nô lệ, thu thập nhiều tài liệu gốc để tránh mọi hiểu lầm.

"Cho đến lúc đó cuộc đời tôi không có gì bất thường - không có gì ngoài những hy vọng bình thường, tình yêu, lao động như một người đàn ông da màu tầm thường và góp những đóng góp khiêm tốn của mình cho thế giới" - Northup kể về giai đoạn trước khi bị bắt làm nô lệ.

Lúc đó là tháng 3/1841, trước khi bước ngoặt cuộc đời ông ập đến.

Nên được đặt ngang tầm với Nhật ký Anne Frank

Cuốn sách được chính đạo diễn của bộ phim chuyển thể là Steve McQueen (cũng là một người da đen) khuyên công chúng nên tìm đọc.

Theo đạo diễn, 12 Years A Slave nên được trân trọng như cuốn sách nổi tiếng The Diary Of Anne Frank (Nhật ký Anne Frank - hồi ký của một cô gái Do Thái thời Đức Quốc xã) và nên được đưa vào chương trình giáo khoa của Mỹ.

"Đây là một Anne Frank khác, nhưng ra đời trước 100 năm. Tại sao tôi lại không biết về nó sớm hơn?" – đạo diễn McQueen hồi tưởng lại khi mới đọc cuốn sách. "Sau đó tôi phát hiện ra là rất hiếm người biết đến cuốn sách. Thực ra, tất cả những ai tôi hỏi đều không biết đến sự tồn tại của nó. Vì thế tôi quyết định sẽ làm phim".

Đã được xuất bản lại

Năm ngoái, sách được NXB danh tiếng Penguin phát hành lại, xếp trong nhóm sách kinh điển. GS lịch sử Henry Louis Gates của Đại học Harvard chính là người biên tập.

Theo GS Gates, cuốn sách không hoàn toàn bị lãng quên mà vẫn được lấy làm tham khảo cho sinh viên và nghiên cứu sinh ngành văn học Mỹ Phi. Mặc dù vậy, sự phổ biến này còn quá ít ỏi so với giá trị của tác phẩm.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm