Động đất có vượt mức thiết kế?

04/10/2012 09:58 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo các nhà khoa học Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam thì động đất cực đại tại khu vực đập chính và vùng hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể lên tới 6,1 độ richter.

Trong khi đó, theo Viện Vật lý Địa cầu, động đất cực đại của khu vực chỉ là 5,5 độ richter. Điều đáng lưu ý là, khi xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, tư vấn thiết kế đã sử dụng số liệu của Viện Vật lý Địa cầu để thiết kế đập.

Trong khi các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi về mức động đất cực đại, thì Sông Tranh 2 vấn liên tục xảy ra rung chấn, và người dân vẫn phải sống dưới một túi nước khổng lồ với tâm trạng rối bời.



TS Lê Huy Minh: "Động đất cực đại tại Sông Tranh 2 là 5,5 độ richter"

Động đất cực đại 6,1 độ richter

6,1 độ richter là con số khẳng định chắc nịch được công bố ngày 3/10, trong kết quả Đề án "Đánh giá tình hình động đất Thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại" do PGS-TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam thực hiện, với sự tham gia của một số nhà khoa học.

Đề án này là kết quả chương trình nghiên cứu độc lập kéo dài gần 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2012, với mục tiêu đánh giá tình hình động đất khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp phòng tránh thiệt hại khi có động đất mạnh xảy ra.

Theo PGS Cao Đình Triều, Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy Trà My. Động đất xảy ra tại khu vực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công trình đập và lòng hồ thủy điện. Việc tích nước lòng hồ gây nên động đất kích thích dọc theo đới đứt gãy cấp Trà My và một số đứt gãy cấp nhỏ hơn trong phạm vi lòng hồ và vùng lân cận.

PGS Cao Đình Triều nhận định: Hiện đới đứt gãy Trà My, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đang hoạt động, nên khi tích nước hồ chứa thì động đất kích thích xảy ra liên tục trong khu vực hoạt động của đới đứt gãy. Động đất cực đại xảy ra trong khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và các vùng lân cận có thể đạt cấp độ 6,0 độ richter, độ sâu chấn tiêu cao nhất là 15km. Cụ thể, mức độ mạnh của động đất được dự báo có thể xảy ra tại khu vực lòng hồ là 5,9 độ richter, tại khu vực đập chính và vùng hạ lưu là 6,1 độ richter.

Những bài học đắt giá

PGS.TS Cao Đình Triều: "Động đất tại Sông Tranh 2 có thể tới 6,1 độ richter". Ảnh Vietnam+

Theo PGS Cao Đình Triều, động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra tại vùng mà trước đó các tài liệu nghiên cứu chưa bao giờ ghi nhận xuất hiện động đất. Tuy nhiên, trước đó trên thế giới cũng từng có những hiện tượng tương tự.

PGS Cao Đình Triều nhắc lại bài học đã xảy ra tại những đập lớn khi tích nước như đập Kremasta (Hy Lạp) năm 1966 với dung tích hồ chứa 4,8 tỷ m3 và đặc biệt là đập Koyna (Ấn Độ) với dung tích hồ chứa 2,7 tỷ m3.

Thủy điện sông Tranh 2 có biểu hiện hoạt động khá giống với đập Koyna, Ấn Độ. Hồ chứa đập Koyna cũng là một trong những vùng địa chất được cho là rất ổn định. Cho đến thời điểm hồ chứa tiến hành tích nước năm 1962, không có một dấu hiệu nào về các trận động đất khu vực đập Koyna. Nhưng sau đó, các rung chấn kèm theo tiếng động bắt đầu xuất hiện và tăng dần tần suất. Điều không ai ngờ đã đến, trận động đất lịch sử tháng 12 năm1967 xảy ra trong vùng hồ làm tràn đập khiến 200 người chết, hơn 1.500 người bị thương, 80% ngôi nhà của địa phương bị phá hủy. Đây là bài học mà chúng ta phải lưu ý.

GS Cao Đình Triều cũng nhấn mạnh, cơ chế hoạt động và diễn biến của động đất kích thích hồ chứa hết sức phức tạp, động đất có thể xảy ra bất kỳ trong quá trình tích nước và điều tiết nước hồ chứa. Trong quá trình tích nước cần theo dõi sát sao diễn biến của hoạt động động đất. Nếu thấy xảy ra các trận động đất nhỏ liên tiếp đi kèm việc dâng lên của mực nước hồ thì phải đề phòng động đất mạnh hơn có thể sắp xảy ra để có biện pháp ứng cứu.

Ông cũng lưu ý, việc tích nước đột ngột hồ chứa đến cao trình tối đa có thể gây ra sự thay đổi môi trường sinh chấn nhanh dẫn đến hoạt động động đất gia tăng. Vì vậy, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý kiến nghị, cần hạn chế tối đa sự biến động, thay đổi nhanh của mực nước hồ vì điều này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện động đất. Đồng thời, lắp đặt mạng lưới quan trắc địa chất để có thể ghi nhận được đầy đủ các trận động đất từ 1 độ richter trở lên.

Ngoài ra, địa chất khu vực Bắc Trà My chủ yếu là đá granit đã bị cà nát, dập vỡ mạnh dọc đới đứt gãy tạo nên nguy cơ trượt lở đất rất cao, có thể gây ảnh hưởng tới các công trình dân sinh, nhà dân và hoạt động an toàn của đập.

Hay chỉ là 5,5 độ richter?

Không có mặt tham dự hội nghị công bố kết quả nghiên cứu Đề án, trao đổi với TT&VH, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu chưa đồng tình với kết quả trên.



Đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Theo TS Lê Huy Minh, các trận động đất kích thích do xây dựng đập thủy điện xảy ra khi hội đủ 3 điều kiện: thứ nhất là vị trí của đập nằm trong khu vực có đới đứt gãy hoạt động; thứ hai là độ cao của đập (thường từ 80m trở lên) và thứ ba là dung lượng của hồ đập phải lớn hơn 1 tỷ m3. Động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa tích nước được một thời gian, làm biến đổi ứng suất, lộ rỗng của đất đá trong đới đứt gãy đó, nước sẽ thấm vào đới đứt gãy này làm thay đổi ứng suất vỏ trái đất của khu vực đó nên xảy ra động đất
kích thích.

Về cơ sở để xác định giá trị động đất cực đại tại thủy điện Sông Tranh 2, TS Lê Huy Minh lý giải: “Viện Vật lý Địa cầu là đơn vị khảo sát số liệu về hoạt động động đất để phục vụ thiết kế đập Sông Tranh 2. Chúng tôi đã khảo sát toàn bộ khu vực và xác định các nguồn phát sinh động đất, các điểm đứt gãy, cộng với kết quả các tài liệu nghiên cứu đã công bố của Viện từ trước đó để làm cơ sở xác định động đất cực đại có thể xảy ra tại Sông Tranh 2 là 5,5 độ richter. Trường hợp xảy ra động đất vượt quá giá trị cực đại 5,5 độ richter (theo ký hiệu khoa học động đất cấp 7 (MSK64) và amax= 150cm/s2”) là rất nhỏ, ứng với chu kỳ hơn 4.750 năm mới lặp lại một lần”.

“Ý kiến về việc động đất lên tới 6,1 độ richter của PGS Cao Đình Triều chưa thực sự thuyết phục, nó phải được Hội đồng Khoa học của Viện Vật lý địa cầu thông qua" (TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu)

Về độ chênh giữa kết quả 5,5 độ richter và 6,1 độ richter mà PGS Cao Đình Triều đưa ra, TS Lê Huy Minh cho biết: "Những nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu đã được hội đồng khoa học nghiệm thu, dựa trên các kết quả cụ thể.

Còn ý kiến về việc động đất lên tới 6,1 độ richter của PGS Cao Đình Triều chưa thực sự thuyết phục, nó phải được Hội đồng Khoa học của Viện Vật Lý địa cầu thông qua. Tôi vẫn cho đó cũng là ý kiến cá nhân của một số ít nhà khoa học".

Ngay tại hội nghị, trước các số liệu được đưa ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng con số 6,1 độ richter chưa thực sự thuyết phục. TSKH Phạm Văn Quýnh (ĐHQG Hà Nội) thẳng thắn: "Viện Vật lý địa cầu khẳng định động đất cực đại là 5,5 độ richter, trong khi Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý lại cho rằng động đất cực đại tới 6,1 độ richter. Vì vậy cần tiếp tục làm rõ phương pháp phân tích để cho ra kết quả 6,1 độ richter, vì đây là những con số liên quan đến sự an toàn của hồ, đập và hàng vạn người dân sống quanh hồ thủy điện".

Trong khi các nhà khoa học chưa thống nhất về cường độ động đất, người dân Bắc Trà My vẫn nơm nớp sống dưới cái bóng quá lớn của hồ chứa thủy điện phía trên cao. Và con đập khổng lồ thỉnh thoảng lại bất chợt rung chấn mạnh kéo theo bao nỗi lo sợ.

Di dời 7 hộ dân khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2

Ngày 3/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định hỗ trợ di dời nhà ở cho 7 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất và nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 dâng cao tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ban quản lý dự án thủy điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ 845,5 triệu đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó chi phí xây dựng nhà ở là 683 triệu đồng, chi phí xây nhà vệ sinh 100 triệu đồng; chi phí mua đất để xây dựng nhà ở là 48 triệu đồng…

Nguyễn Sơn

Mạnh Cường - Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm