Tuk tuk sẽ thay xe ôm ở ngoại thành?

12/09/2012 11:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT nên cho phép nhập khẩu các loại xe tuk tuk tương tự như của Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Malaysia… để góp phần hạn chế xe máy lưu thông vào trung tâm thành phố.

Ngay lập tức, đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của dư luận và nhiều ý kiến trái chiều. TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, tác giả của đề xuất gây tranh cãi này.

Tại sao ông lại có đề xuất nhập xe tuk tuk để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân vào nội thành?

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội

Đề xuất này là một trong những văn bản góp ý cho dự thảo Đề án hạn chế phương tiện xe cá nhân áp dụng tại các thành phố lớn gửi Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội. Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng ngoài việc đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống xe buýt công cộng và đường sắt đô thị, cần phải có giải pháp xe tuk tuk.

Xe này sẽ có nhiệm vụ “gom” hành khách đưa ra các điểm xe buýt từ ngoại thành, từ đó người dân sẽ vào làm việc, kinh doanh trong nội thành bằng xe buýt mà không cần dùng tới xe máy hay các xe cá nhân khác. Điều này phù hợp với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ GTVT, ưu tiên phát triển vận tải công cộng. Xe chỉ được lưu thông trên các tuyến đường liên xã, liên huyện ở ngoại thành, không được tham gia giao thông trên các tuyến đường quốc lộ và đường phố.

Chúng ta vẫn theo đuổi mục tiêu lớn là hạn chế xe cá nhân, nhưng chúng ta không cấm xe máy, mà tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu vào nội thành Hà Nội nhưng không cần phải đi bằng xe máy.

Ông hãy phân tích rõ hơn về cơ chế hoạt động của xe tuk tuk theo đề xuất này?

Hiện xe buýt không thể phủ kín các làng xã mà chỉ có thể tham gia giao thông trên đường quốc lộ. Vậy người dân ngoại thành phải di chuyển từ nhà ra bến xe buýt, nếu xa vài cây số thì họ sẽ đi bằng xe máy vào trung tâm luôn. Nếu có phương tiện trung chuyển từ làng xã, ngõ xóm ra điểm xe buýt thì họ sẽ đi xe buýt.

Đây là phương tiện giá thành thấp, cơ động, phù hợp với đường nông thôn. Đây không phải là phương án triệt để mà chỉ là góp phần hạn chế xe máy vào nội đô. Vừa qua, thông tin trên các báo nói chưa rõ, khiến người dân tưởng đây là phương án để người dân nội thành di chuyển ra các bến xe hằng ngày. Tôi xin khẳng định phương án gom người ở các ngõ nhỏ ra bến xe buýt ở nội thành không khả thi. Bởi không chỉ ở Việt Nam, ngay ở các nước có hệ thống giao thông hiện đại, người dân vẫn phải đi bộ ra các trạm xe buýt và các ga tàu điện ngầm. Đây là thói quen mà người dân các đô thị hiện đại phải có. Phương án của chúng tôi là hạn chế xe máy từ gốc, tức là từ các huyện xã ngoại thành Hà Nội vào nội thành.

Vậy đề xuất xuất phát từ nghiên cứu thực tế nào? Số lượng xe máy từ ngoại thành vào nội thành hằng ngày có thực sự gây áp lực lớn như vậy?

Về danh nghĩa, đề xuất này là của hiệp hội, nhưng hiệp hội cũng thông qua ý kiến các cá nhân, tôi chính là người đề xuất ra phương án đó. Tôi có thực tế, như xe buýt chỉ đi từ ga Hà Nội đến bến xe Thường Tín là điểm cuối cùng, nhưng ai muốn đến Đỗ Xá (Thường Tín) vẫn yên tâm ngay cả khi đi chuyến xe buýt cuối ngày, vì khi đến Thường Tín đã có dịch vụ xe lam đợi sẵn. Chỉ mất vài nghìn để đi về Đỗ Xá. Các vùng ngoại thành khác cũng vậy.

Đề xuất của chúng tôi không phải đề tài khoa học, nghiên cứu cụ thể cần có cơ quan thẩm quyền khảo sát tính toán cụ thể. Hơn nữa, không khó để nhận thấy hằng ngày, người dân đi làm từ ngoại thành vào nội thành rất nhiều. Giờ cao điểm, các tuyến đường hướng tâm như quốc lộ 6, quốc lộ 1A cũ, đường Gia Lâm, thường bị tắc nghẽn vì lượng xe từ ngoại thành vào. Từ thực tế nhu cầu đi lại từ làng xóm ngoại thành vào Hà Nội là có thật và các trạm xe buýt cũng chỉ chạy trên quốc lộ gần các làng xã.

Tôi nghĩ rằng, các đề xuất chỉ có thể giúp cho các cơ quan nghiên cứu tham khảo, tham mưu cho Nhà nước chứ không hi vọng nó thành công ngay. Nhưng dù sao mỗi người đưa ra một giải pháp sẽ tốt hơn, làm cách này không được thì làm cách khác…

Vậy nếu được xem xét, việc thực hiện quản lý sẽ thế nào?

Xe tuk tuk phải cấp phép, lái xe phải có giấp phép, xe có kiểm định định kì và cơ quan quản lý là cấp quận huyện. Các quận huyện phải xây dựng kế hoạch cụ thể, địa bàn của xã, huyện cần bao nhiêu xe, lộ trình cho xe chạy, mỗi ngày chạy bao nhiêu chuyến. Quyền sở hữu phải là tập thể, HTX hoặc doanh nghiệp vận tải, không thể sở hữu cá nhân mạnh ai nấy chạy. Chúng tôi có thể làm việc để tìm nguồn vốn hỗ trợ cho địa phương góp phần phát triển giao thông nông thôn.

Xe tuk tuk cũng phải được nhập khẩu, qua đấu thầu xe nào đạt chất lượng tốt, giá thành hạ sẽ được chọn và phân bổ cho các địa phương theo kế hoạch đã xây dựng. Tuk tuk không được phép lên đường quốc lộ mà chỉ chạy trong đường liên huyện, liên xã nông thôn. Tôi đã tham vấn một đơn vị Hàn Quốc, sau này nếu cho phát triển tuk tuk thì đơn vị này có thể giới thiệu những nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật, môi trường…

Xin cảm ơn ông!

Thảo Vy (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm