Thuốc chữa… ngoại tình kiểu mới?

16/06/2011 07:31 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Một CLB có tên Những người vợ Hồi giáo ngoan ngoãn (OWC) vừa được thành lập ở Malaysia như một cách nâng cao những giá trị gia đình và giảm bớt các tệ nạn xã hội. Nhưng, bấy nhiêu có đủ giữ những người đàn ông trong gia đình và song song ấy, có đánh mất đi phần nào giá trị nữ quyền?

Dạ thưa từ cửa đến tận giường

Là một cô dâu mới, Ummu Atirah, 22 tuổi, tin rằng cô biết bí quyết để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đó là luôn biết vâng lời chồng và bảo đảm chồng được thỏa mãn về mặt tình dục. Ummu và khoảng 800 phụ nữ Hồi giáo khác ở Malaysia đang là thành viên của OWC. CLB này đang gây tranh cãi tại Malaysia, một trong những quốc gia Hồi giáo được đánh giá là tiến bộ và hiện đại nhất hiện nay. Cần thêm rằng, ở Malaysia, nhiều phụ nữ Hồi giáo đang giữ những chức vụ cao trong chính phủ và trong lĩnh vực kinh doanh.

Người đàn ông đạo Hồi có tên Ishak Md Nor đang đứng cạnh 2 bà vợ Aishah Abdul Ghafar (trái, 40 tuổi) và Afiratul Abidah Mohd Hanan (25 tuổi) cùng 3 người con. Cả hai người vợ này đều là thành viên của OWC Malaysia vừa được thành lập tuần trước.

OWC chính thức được thành lập ở Malaysia hôm thứ Bảy tuần trước (4/6) bởi một nhóm Hồi giáo cực đoan có tên là Global Ikhwan, một nhánh của phong trào Hồi giáo hiện đã giải thể, Al Arqam. CLB này hiện có khoảng 1.000 thành viên toàn cầu, với 800 người ở Malaysia. OWC xuất hiện lần đầu tiên tại Jordan vào 1/5 vừa qua, Malaysia là chi nhánh thứ 2, chi nhánh thứ 3 của tổ chức này sẽ mở ở Jakarta, Indonesia vào 19/6 tới. Tổ chức này không giấu giếm dự định sẽ mở thêm các chi nhánh ở châu Âu, gồm cả London (Anh) và Rome (Ý) trong tương lai. Thông điệp chính của CLB này là “được thành lập để chữa trị những căn bệnh xã hội như ngoại tình, mại dâm, bạo lực gia đình, nạo phá thai… bằng cách dạy phụ nữ phải biết phục tùng và giữ người đàn ông của mình hạnh phúc trong phòng ngủ”.

“Hồi giáo dạy chúng tôi phải vâng phục chồng mình. Bất cứ điều gì anh ấy nói, tôi phải tuân theo. Sẽ là một tội lỗi nếu tôi không tuân theo và làm cho anh ấy hạnh phúc”, Ummu Atirah, trong chiếc khăn trùm đầu màu vàng, nhẹ nhàng trả lời câu hỏi của báo chí.

Bất chấp nền tảng của OWC được xây dựng bởi một tổ chức Hồi giáo bảo thủ và cực đoan, tiến sĩ Rohaya Mohamed, một trong những người sáng lập ra CLB này vẫn công khai nói về hiệu quả của quan hệ tình dục trong đời sống vợ chồng mặc cho dù nhiều thành viên vẫn ngại ngùng khi nói về điều đó. “Tình dục là một điều cấm kỵ trong xã hội châu Á. Chúng ta đã phớt lờ nó trong hôn nhân nhưng thực chất hôn nhân lại phụ thuộc vào sex. Một người vợ tốt là người phải biết phục vụ tốt chồng mình trong phòng ngủ. Có gì sai nếu chúng ta làm gái làng chơi của chồng mình?”.

“Với cách này, tổ chức gia đình của chúng ta sẽ được bảo vệ và miễn nhiễm với các tệ nạn xã hội,” bà Rohayah nói thêm. Bà Rohayah hiện là phó chủ tịch CLB đồng thời là một bác sĩ được đào tạo bài bản. Theo bà, những người vợ không phải chỉ phải biết nấu ăn ngon, là những người mẹ tốt mà còn phải học cách “vâng lời, phục vụ và làm thỏa mãn chồng” để họ không lầm đường lạc lối hoặc có hành vi bậy bạ bên ngoài. Nói một cách gián tiếp “những người vợ không biết vâng lời là nguyên nhân gây biến động thế giới” bởi những người đàn ông một khi không hài lòng ở gia đình thì tâm trí và linh hồn của sẽ bị xáo trộn, bà Rohayah nói thêm. Có một thực tế, theo các quan chức Malaysia, tỷ lệ ly hôn ở nước này đã tăng lên gấp đôi tính từ 2002 đến 2009, trong số này tỷ lệ ly hôn ở những người Hồi giáo cũng tăng lên nhanh chóng. “Khi người chồng về nhà, những người vợ đã không đón chào họ bằng nụ cười quyến rũ trong những bồ đồ ngủ sexy. Đó là thực tế hiện nay”, bà Rohayah cho biết.

Phản ứng

Đến bao giờ vai trò thấp yếu của phụ nữ
Hồi giáo mới thật sự được nâng cao?

OWC đang vấp phải sự chỉ trích của các chính khách và các nhà hoạt động ở Malaysia. Họ coi CLB này là một bước thụt lùi về thời Trung cổ và là một sự xúc phạm đối với những người phụ nữ Malaysia hiện đại. Tuy nhiên, các hoạt động của nhóm Global Ikhwan cho thấy những ý tưởng Hồi giáo bảo thủ vẫn có đất sống ở Malaysia. Nhóm này trước đó từng thành lập CLB Đa thê.

Những nhóm như Global Ikhwan rất khó có thể giành được sự ủng hộ đủ lớn để có khả năng gây sốc ở Malaysia. Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại rằng những nhóm kiểu này có thể thu hút được nhiều người Hồi giáo đang chiếm tới 60% dân số 28 triệu người của Malaysia. Kết quả là họ sợ phá hủy nhiều thập kỷ Malaysia được hưởng sự hài hòa về mặt tôn giáo. “Không may là thậm chí trong thời buổi này, vẫn có nhiều phụ nữ Hồi giáo không biết quyền của mình”, Shahrizat Abdul Jalil, một nữ bộ trưởng Hồi giáo phụ trách vấn đề chính sách gia đình cho hay. Rõ ràng, tôn chỉ, mục đích của CLB Những người vợ Hồi giáo ngoan ngoãn có lợi cho những người chồng nhưng nó vẫn vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ chính những người được lợi này.

Một người đàn ông Hồi giáo có tên là Amirul Aftar nói thẳng: “Tôi không muốn một người vợ phục tùng tôi về mọi mặt. Tôi muốn một người vợ hiểu tôi… Chúng tôi không phải là ông chủ của họ mà chúng tôi bình đẳng với họ”.

Trong khi đó, một tổ chức phụ nữ có tên Chị em Hồi giáo khẳng định, đạo Hồi ủng hộ các cuộc hôn nhân dựa trên sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. “Giao tiếp, hợp tác với nhau chứ không phải là sự phục tùng là vô cùng quan trọng đối với bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào”, nhóm Chị em Hồi giáo nhấn mạnh thêm.

Truyền thống

Một người vợ tốt là người phải biết phục vụ tốt chồng mình trong phòng ngủ. Có gì sai nếu chúng ta làm gái làng chơi của chồng mình? - "tuyên ngôn" của CLB Những người vợ Hồi giáo ngoan ngoãn

Sự tranh cãi này không biết sẽ kéo dài bao lâu ở Malaysia và cả thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, hiện nay thân phận của một người phụ nữ Hồi giáo có gia đình khá bấp bênh. Mới đây, một phụ nữ đạo Hồi ở Tajikistan đã bị chồng ly hôn bằng cách nhắn tin với nội dung vô cùng ngắn gọn: “Taloq taloq taloq” (Ly hôn, ly hôn, ly hôn). Với 3 từ được lặp lại đó, người phụ nữ này nhanh chóng trở thành thành viên của cộng đồng các phụ nữ Hồi giáo ở Tajikistan bị chồng ly hôn. Do rất nhiều cuộc hôn nhân của người Tajik không đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền nên người ta không thể rõ có bao cặp đã ly hôn bằng tin nhắn như trường hợp của người phụ nữ này. Bên cạnh đó, thực tế Nhà nước đóng vai trò không lớn trong đời sống của dân Tajikistan khiến nhiều cặp vợ chồng không ý thức được việc cần phải đăng ký kết hôn. Sau cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1992 - 1997, người dân đã ngừng đăng ký kết hôn mà thay vào đó hầu hết các cuộc hôn nhân ở Tajikistan chỉ thông qua hội đồng Hồi giáo và một nghi thức tôn giáo gọi là Nikaah. Và vì thế khi ly hôn, người phụ nữ bao giờ cũng thiệt thòi.

Khoảng hai năm trước có thông tin Quốc hội Afghanistan “âm thầm” thông qua một dự luật cho phép người chồng được quyền bỏ đói vợ nếu người vợ từ chối quan hệ tình dục. Theo đó, những người phụ nữ dòng Shia sẽ phải “sex” với chồng tối thiểu 4 ngày/lần (hoặc 4 lần/tuần) và hành động chồng cưỡng hiếp vợ được chấp nhận. Trong dự luật này có điều khoản rõ ràng “người vợ phải sẵn sàng tham gia thú vui tình dục hợp lý với chồng mình. Nếu người vợ vi phạm điều khoản nào trên đây, cô ta bị coi là bất phục tùng”.

Và bây giờ khi CLB Những người vợ Hồi giáo ngoan ngoãn ra đời ngay lập tức nhận khá nhiều lời chỉ trích về nữ quyền nhưng cũng đón nhận không ít những đồng tình. Những tranh cãi vẫn cứ tiếp tục và đến bao giờ vai trò thấp yếu của phụ nữ Hồi giáo mới thật sự được nâng cao?

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm