Ngày thi đấu thứ 14 Olympic 2008: Nhà vô địch không biểu tượng

24/08/2008 10:16 GMT+7 | Olympic 2008

* Nga trở lại tốp 3
* Một võ sĩ Cuba bị cấm thi đấu suốt đời
 
(TT&VH) - Giữ khoảng cách 16 HCV với Mỹ, trong khi ngày thi đấu cuối cùng diễn ra hôm nay chỉ còn 12 nội dung thi đấu chung kết nữa, chủ nhà Trung Quốc đã chính thức trở thành đoàn thể thao số một của TVH.

Cần phải thán phục những gì người Trung Quốc đã làm được ở Thế vận hội lần này. Từ công tác tổ chức cho tới số lượng HCV vượt trội (gấp rưỡi so với đoàn thứ nhì Mỹ). Rõ ràng Trung Quốc đã có một sách lược hợp lý từ tuyển chọn và đào tạo VĐV đến sử dụng quyền lợi chủ nhà để có thể tận dụng tối đa những thế mạnh của mình. Nhưng niềm vui ấy không thực sự trọn vẹn bởi họ khó có thể chọn ra một người làm một biểu tượng thực sự cho sự thành công.

4 năm trước, khi Mỹ giành chức vô địch toàn đoàn ở Athens 2004, Michael Phelps chính là VĐV số một của họ với 6 HCV bơi lội. Năm nay, Mỹ chỉ xếp thứ nhì, nhưng Phelps thì thậm chí còn tỏa sáng hơn thế với 8 HCV, 7 KLTG và trở thành VĐV thành công nhất trong lịch sử Thế vận hội. Dù không thể đuổi kịp Trung Quốc về số lượng HCV, Mỹ vẫn tự hào bởi họ có một ngôi sao chói sáng ở đường đua xanh, mà bơi lội vốn là một môn thể thao cơ bản của Thế vận hội.
 
Các VĐV Mỹ đứng đầu nội dung điền kinh với 7 HCV sau khi cả đội nam lẫn nữ đều giành HCV ở cự li tiếp sức 4x400m
 
Tương tự, Jamaica cũng rất đỗi tự hào dù rằng họ chỉ đứng thứ 13 ở bảng tổng sắp song các VĐV nước này đã thống trị những đường chạy cự li ngắn, trong đó riêng Usain Bolt cũng giành 3 HCV đồng thời phá 3 KLTG. Những nội dung mà Bolt dành HCV đều được coi là tâm điểm của các kỳ TVH.

Trong khi đó, phần lớn số HCV mà Trung Quốc giành được là nằm ở các môn Nhảy cầu (7/8 bộ), Thể dục dụng cụ (11/17), Cử tạ (8/15), và Bóng bàn (4/4). Nhưng tất cả những tấm huy chương ấy đều khó có thể sánh được với màn trình diễn mà Bolt và Phelps đã thể hiện, nhất là khi các VĐV TDDC của họ đang bị nghi ngờ là gian lận tuổi. Đó cũng là lý do cả Bắc Kinh đã khóc khi Lưu Tường, niềm hy vọng duy nhất của họ ở môn điền kinh, gặp chấn thương. Trung Quốc chắc chắn đứng số 1 toàn đoàn, nhưng sẽ không VĐV nào của họ có mặt trong nhóm các VĐV xuất sắt nhất TVH.

Trong khi đó, sau cùng thì Mỹ cũng đã vớt vát được danh dự ở môn điền kinh khi các VĐV cả nam lẫn nữ đều giành HCV ở cự li tiếp sức 4x400m. Dù đã tụt hậu rất nhiều, song đoàn Nga cũng đã giành thêm 4 HCV trong ngày thi đấu hôm qua và trở lại vị trí số 3 trên BXH toàn đoàn. Dù số HCV của Nga chưa bằng một nửa so với Trung Quốc, song họ cũng tự hào khi giành tới 6 HCV điền kinh, trong đó có chiếc HCV kèm KLTG của nữ VĐV nhảy sào Isinbayeva, một điểm sáng của TVH.
 
Ngày buồn của Cuba

Được đánh giá rất cao ở môn quyền Anh nhưng các võ sĩ Cuba đã trải qua một ngày buồn khi trắng tay ở cả 5 hạng cân: từ hạng lông đến hạng nặng. Trong khi đó, tại môn taekwondo, võ sĩ Valodia Matos đã bị cấm thi đấu suốt đời sau khi tung một cú song phi vào trọng tài chính sau trận tranh huy chương đồng hạng cân trên 80 kg (thua Chilmanov).
32 HCV trong ngày thi đấu thứ 14

Chạy 800m nam: Wilfred Bungei (Kenya)
5000m nam: Kenenisa Bekele (Ethiopia)
4x400m tiếp sức nam: ĐT Mỹ
Ném lao nam: Andreas Thorkildsen (Na Uy)
1500m nữ: Nancy Jebet Lagat (Kenya)
4 x 400 m tự do: ĐT Mỹ
Nhảy cao nữ: Tia Hellebaut (Bỉ)
Bóng chày nam: ĐT Hàn Quốc
Bóng rổ nữ:
Quyền Anh hạng ruồi: Somjit Jongjohor (Thái Lan)
hạng lông: Vasyl Lomachenko (Ukraina)
hạng bán trung: Félix Díaz (Dominica)
hạng trung: James DeGale (Anh)
hạng nặng: Rakhim Chakhiev (Nga)
Canoe C-1 500m nam: Maxim Opalev (Nga)
K-1 500m nam: Ken Wallace (Australia)
C-2 500m nam: Meng Guanliang/Yang Wenjun (Trung Quốc)
K-2 500m nam: Craviotto/Carlos Pérez (TBN)
K-1 500m nữ: Radomska (Ukraina)
K-2 500m nữ: Kovács/Natasa Janics (Hungary)
Xe đạp băng đồng nam: Julien Absalon (Pháp)
Xe đạp băng đồng nữ: Sabine Spitz (Đức)
Nhảy cầu ván cứng 10m nam: Mathew Mitcham (Australia)
Hockey trên cỏ nam: ĐT Đức
Bóng đá nam: ĐT Argentina
Thể dục nhịp điệu toàn năng nữ: Evgeniya Kanaeva (Nga)
Bóng ném nữ: ĐT Na Uy
Bơi nghệ thuật: ĐT Nga
Bóng bàn đơn nam: Ma Lin (Trung Quốc)
Taekwondo nam hạng trên 80 kg: Cha Dong-min (Hàn Quốc)
Taekwondo nữ hạng trên 67 kg: Maria Espinoza (Mexico)
Bóng chuyền nữ: ĐT Brazil

Các nội dung chung kết trong ngày thi đấu cuối cùng (12 HCV): Điền kinh (1), Bóng rổ (1), Quyền Anh (6), Thể dục dụng cụ (1), bóng ném (1), Bóng chuyển (1), Bóng nước (1).

T.C

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm