Liên hoan phim Việt Nam 2015: Cần cú hích cho phim tài liệu

08/12/2015 06:51 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại lịch sử, phim tài liệu gần như mặc nhiên phải giữ trọng trách lưu trữ ký ức nhân loại, nhưng không phải khi nào các sản phẩm thuộc dòng phim này cũng giữ được vị thế đó. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX, có một phim tài liệu được trao Bông sen Vàng, hai phim được Bông sen Bạc, ba phim được giải của BGK, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.

Bộ phim Đỉnh cao chiến thắng (tổng thời lượng: 120 phút) ngược thời gian về trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, do Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) đặt hàng nhà làm phim độc lập Phong Lan thực hiện. Phim không chỉ xoáy vào 12 ngày đêm B52 ném bom tại Hà Nội, mà còn lùi về tận những năm 1954, khi Mỹ đang muốn thế chân Pháp ở Việt Nam, rồi sự kiện vịnh Bắc bộ (1964)…

Vậy là cả hai phim đặt hàng tư nhân đều đoạt Bông sen Vàng lần này (phim kia là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), một tín hiệu vui trong hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam. Bởi các cách thức làm phim trước đây đã dần đi vào lối mòn, thường kém hiệu quả, nên cần cách làm mới hơn. Phim này còn đoạt giải Thiết kế âm thanh xuất sắc, trao cho Trần Kiên.


Phim “Đỉnh cao chiến thắng” (Bông sen Vàng) rất hoành tráng, vì đã dựa rất nhiều vào các tư liệu cũ

Trong hai phim đoạt Bông sen Bạc, thì Cỏ xanh im lặng (KB: Lê Thị Thiện Đoan, 52 phút) của đạo diễn - NSND Nguyễn Thước có vẻ được nhiều người biết hơn, vì nhân vật chính là Hồ Giáo (tỉnh Quảng Ngãi), người suốt đời gắn bó với việc chăn bò, đã hai lần được phong Anh hùng lao động.

Phim còn lại, Triết gia Trần Đức Thảo suy tư cùng thế kỷ (45 phút) của đạo diễn Đào Thanh Tùng thì khá im ắng. Những ngày này, nếu tìm kiếm trên mạng, gần như chỉ có thông tin về chuyện phim đoạt giải Bông sen Bạc; và Đào Thanh Tùng đoạt giải Đạo diễn phim tài liệu xuất sắc. Có lẽ do phim đề cập đến một cuộc đời quá phức tạp, vấn đề quá khó, nên ít thu hút.

Trong lời bình, đạo diễn Đào Thanh Tùng dẫn: “Giáo sư Trần Đức Thảo lặng lẽ đi qua cuộc đời, không một lời than phiền trách móc. Có cảm giác như nếu dừng lại ông sẽ trở thành tro bụi. Ẩn giấu đằng sau sự tĩnh lặng là sức suy ngẫm phi thường về sự tồn tại và phát triển con người trước mọi sự biến động xã hội. Những sự kiện như cải cách mở cửa ở Trung Quốc, bức tường Berlin, sự tan rã của nhà nước Xô Viết… không làm ông ngạc nhiên”.

Cả ba phim này được làm với thủ pháp tài liệu khá quen thuộc, đôi khi lối mòn nên khó thu hút người xem. Cả ba phim đều dựa khá nhiều vào tư liệu đồng nghiệp đi trước - điển hình như Đỉnh cao chiến thắng, có tập dùng từ 1/4 đến 1/3 tư liệu - thành ra người xem khó phân biệt được nguồn tư liệu cũ mới, trước sau.

Trong khi đó, những phim tài liệu có nhiều người xem (ví dụ Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - vắng mặt tại LHP lần này, rất tiếc) thì được làm với tư duy và cách kể khác. Ở đó, kịch bản và lời bình chỉ còn là cái cớ rất mỏng, còn tự nhân vật, tự câu chuyện làm nên một kịch bản và lời bình khác, bất ngờ ngay với người làm ra phim đó.

Cũng như một bài thơ hay thì cần có “mắt thơ” (từ hay, câu hay, hoặc ý đặc biệt), người làm phim tài liệu cần có những thước phim đặc biệt của riêng mình. Thế nhưng trong các phim vừa kể, nhất là phim Bông sen Vàng, những thước phim đó lại rơi vào tư liệu đồng nghiệp quá nhiều.

Bởi không phải ai cũng được phép, hoặc có cơ hội quay phim về chiến tranh, nhất là những thước phim chuyên dụng về khí tài, đạn dược, Phong Lan dựa quá nhiều vào đây thành ra làm lu mờ câu chuyện riêng của mình…

Cho nên, không chỉ các giải thưởng có tính khích lệ như Bông sen Vàng, mà bản thân của phim tài liệu cũng cần thay đổi để tạo ra những điểm nhấn, những cú hích mới. Điều mà trong quá khứ, Chuyện tử tế (năm 1985) đã làm rất xuất sắc.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm