Ấn Độ: Xôn xao vì vụ bê bối 40 tỷ USD

21/12/2010 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 20/12 nói rằng ông “chẳng có gì để che giấu” và đề nghị được điều trần trước Quốc hội về một vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan tới ngành viễn thông, đang khiến chính phủ của ông lung lay.  

Vụ bê bối bắt đầu từ năm 2008, khi Ấn Độ bán đấu giá giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động thế hệ 2 (2G). Thực tế các giấy phép này đã không được đấu giá như người ta vẫn tưởng. 

Vụ bê bối 40 tỉ USD 

Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán, cựu Bộ trưởng viễn thông Andimuthu Raja đã tự ý thay đổi thời hạn chót của cuộc đấu giá trong một thông báo ngắn. Tiến trình đấu giá diễn ra thiếu minh bạch. Có tới 85 trong tổng số 122 giấy phép cấp năm 2008 được dành cho những công ty không đủ tiêu chuẩn. Chính phủ Ấn Độ chỉ thu được khoảng 340 triệu USD từ cuộc đấu giá.  

Andimuthu Raja, nhân vật chính trong vụ tham nhũng viễn thông  

Số tiền nghe có vẻ lớn. Nhưng nếu xét tới việc có giấy phép để cung cấp dịch vụ tại Ấn Độ, một thị trường viễn thông đang bùng nổ với 550 triệu người dùng điện thoại di động, vốn đã tăng gần gấp đôi từ năm 2008, có thể thấy món tiền chỉ như những xu lẻ mà các công ty phải bỏ ra.  

Tờ Los Angeles Times cho biết một trong công ty đấu giá thắng đã bán lại một nửa giấy phép và thu về 900 triệu USD, dù chưa có lấy một thuê bao nào sử dụng dịch vụ 2G của họ. Khi các giấy phép dịch vụ di động thế hệ 3 (3G) được bán hồi năm nay, chúng đã có giá cao hơn nhiều so với giấy phép 2G. Kết quả là vụ bê bối 2G bị lôi ra xem xét.  

“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng Raja đã nhận hối lộ” - Prashant Bhushan, viên luật sư đã đâm đơn lên Tòa án tối cao để khởi kiện vụ cấp giấy phép, thổ lộ trên báo giới - “Những giấy phép đó trị giá nhiều tỉ USD".  

Theo một số tính toán, Chính phủ Ấn Độ thiệt hại khoảng 39 tỉ USD, tức gần tương đương với ngân sách quốc phòng thường niên của nước này và lớn gấp 3 lần ngân sách giáo dục thường niên. Hoặc số tiền này sẽ đủ để nuôi ăn 10% người nghèo nhất nằm trong tổng dân số Ấn Độ trong khoảng 1 năm.  

Thủ tướng chịu vạ lây 

Chính phủ của Thủ tướng Singh đang vất vả đương đầu với các bê bối tham nhũng

Vụ bê bối khiến Raja phải từ chức Bộ trưởng Viễn thông hồi tháng 11 vừa qua. Nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới Thủ tướng Manmohan Singh, người nổi tiếng trong sạch ở Ấn Độ. Ông đã phải vất vả chiến đấu bảo vệ danh tiếng bản thân, do có những lời cáo buộc rằng ông đã không ra tay ngăn chặn khi Raja có hành động sai trái.  

Không có dấu hiệu nào cho thấy Singh đã tư túi nhưng các nhà bình luận cáo buộc ông đã nhắm mắt làm ngơ để nhận được các lợi ích chính trị. Đảng Quốc đại của ông cần đảng khu vực DMK của Raja để tăng cường sức mạnh trong Quốc hội.  

“Tôi chẳng có gì phải che giấu trước công chúng cả. Thủ tướng phải đứng ngoài mọi sự nghi ngờ và vì lý do này, tôi đã sẵn sàng để xuất hiện trường Ủy ban Kế toán công của Quốc hội” - ông Singh, 78 tuổi, tuyên bố trong cuộc họp của Quốc hội, diễn ra hôm 20/12 - “Là một Thủ tướng, tôi có thể đã mắc sai lầm nhưng tôi đã cố gắng để phục vụ đất nước mình”.  

Singh nói rằng ông hy vọng đề nghị của mình sẽ khiến những người chỉ trích thuộc phe đối lập hài lòng và ngừng phong tỏa hoạt động của Quốc hội. Họ đã yêu cầu mở cuộc điều tra nhằm vào vụ bê bối 2G, điều mà Singh không chấp nhận. Ông nói rằng các cuộc điều tra của cảnh sát và những cơ quan có thẩm quyền khác đã là quá đủ.  

Tuy nhiên Arun Jaitley, lãnh đạo đảng Bharatiya Janata, cũng là đảng cầm đầu phe đối lập, đã bác bỏ đề nghị được điều trần của Singh. “Đất nước đang chờ các câu trả lời và chúng không chỉ được đưa ra tại một diễn đàn nhỏ dưới sự lựa chọn của ông (Singh)” - Jaitley tuyên bố.  

Đối mặt với những cáo buộc  

Nhằm giảm bớt thiệt hại cho chính phủ, Chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi, người chọn Singh vào ghế Thủ tướng hồi năm 2004 đã tích cực bảo vệ ông. Bà coi ông là “hiện thân của sự điềm đạm, lòng tự trọng và tính liêm khiết”. Bà cam kết rằng đảng Quốc đại sẽ chống tham nhũng “một cách trực diện thông qua hành động và không chỉ bằng lời nói”.  

Sau cuộc bầu cử hồi năm 2009, Đảng Quốc đại vẫn nắm được quyền lực nhờ liên minh với một số đảng nhỏ. Song thời gian gần đây, đảng đang phải vật lộn với nhiều bê bối, bao gồm việc chi tiêu vượt ngân sách dự kiến tới 30 lần trong đợt tổ chức Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung hồi tháng 10 năm nay. Ngoài ra, các nhà điều tra còn phát hiện nhiều hợp đồng khuất tất và không ít công trình xây dựng phục vụ đại hội thể thao có chất lượng rất kém.  

Hồi tháng 11 vừa qua, nhiều cán bộ cấp cao trong hệ thống tài chính ngân hàng của nước này cũng bị cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. Theo giới phân tích, những bê bối tham nhũng kể trên có thể khiến hình ảnh Ấn Độ bị xấu đi, đồng thời xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư vào hệ thống điều hành, quản lý ở nước này. 

Tường Linh 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm