Nga muốn bán Su-35 cho Trung Quốc

18/11/2010 11:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 16/11 vừa qua, báo chí Nga nói rằng Nga đã bật đèn xanh cho việc bán các máy bay Su-35 cho Trung Quốc. Su-35 hiện là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới, vẫn được xem như “máy bay thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ 5”.

Trang tin Ria Novosti dẫn nguồn công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport nói hôm 16/11 rằng họ đã sẵn sàng để đàm phán với Trung Quốc về việc bán những chiếc Su-35.

Chiếc máy bay Trung Quốc quan tâm

“Chúng tôi đã sẵn sàng để làm việc với các đối tác Trung Quốc về hợp đồng này (bán các máy bay Su-35)” - Phó Tổng giám đốc Rosoboronexport, ông Alexander Mikheyev, tuyên bố trong hội chợ hàng không Airshow China 2010, hiện đang được tổ chức ở Chu Hải, Trung Quốc.


Được biết Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm tới máy bay tiêm kích đa năng Su-35 của Nga ngay từ triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2007. Trong cuộc triển lãm, vốn được tổ chức ở Căn cứ Không quân Zhukovsky gần Moskva vào tháng 8/2007, đoàn đại biểu của Trung Quốc đã chụp ảnh và quay phim những chiếc Su-35 gần như mỗi ngày. “Vài đại biểu Trung Quốc đã tới thăm gian hàng Sukhoi và đặt một số câu hỏi liên quan tới kỹ thuật” - một đại diện giấu tên của Sukhoi cho biết vào năm 2007.

Thời điểm đó, vị đại diện trên đã tuyên bố một cách tin tưởng rằng trong tương lai gần, “công nghệ hàng không nội địa của Trung Quốc sẽ chưa thể sản xuất chiếc máy bay chiến đấu với tính năng tương đương với chiếc Su-35”. Ông này cũng cho biết quan điểm của người Nga trong thương vụ Su-35 giống như với thương vụ Su-33, nghĩa là Nga sẽ chỉ xuất khẩu toàn bộ chiếc máy bay, không phải những bộ phận nhỏ mà Trung Quốc hy vọng sẽ mua được như hệ thống ra đa hoặc động cơ.

Vũ khí chiến đấu đa nhiệm

Sukhoi Su-35 (NATO gọi là Flanker-E) là một chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng, đa nhiệm, tầm xa, thuộc thế hệ 4++. Mẫu máy bay này được phát triển từ nguyên mẫu là chiếc chiến đấu cơ Su-27. Do các đặc điểm khá tương đương và sự giống nhau của những cấu kiện bên trong nên Su-35 còn được xem là “người bà con gần” của chiếc Su-30MKI, một biến thể Su-30 đã được hiện đại hóa.

Việc phát triển chiếc Su-35 bắt đầu từ đầu những năm 1980. Phiên bản thử nghiệm đầu tiên cất cánh vào năm 1988. Các thay đổi của Su-35 so với Su-27 gồm có động cơ mạnh hơn, ra đa tốt hơn và hệ thống điều khiển bay điện tử. Các thay đổi khác gồm kính buồng lái, mấu tiếp nhiên liệu trên không, tăng khả năng chứa nhiên liệu, cánh đuôi lớn hơn...

Mẫu Su-35 đầu tiên được trưng bày công khai tại Hội chợ Hàng không Farnborough vào năm 1992. Tổng cộng có 15 chiếc Su- 35 được Nga sản xuất để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả thử nghiệm công nghệ. Các kết quả thử nghiệm thu được đã ứng dụng trên mẫu Su-30MKI. Tuy nhiên không quân Nga không được sử dụng các biến thể hiện đại hơn và vẫn phải dùng mẫu Su-27 có từ thời Liên Xô bởi những chiếc Su- 35 không được sản xuất hàng loạt. Giữa những năm 2000, Sukhoi đã hồi sinh ý tưởng Su-35 và bắt đầu hiện đại hóa nó bằng các công nghệ hiện đại. Phiên bản hiện đại hóa lần này được gọi là Su-35BM (chữ BM có nghĩa được hiện đại hóa rất nhiều) và Su-35 được xếp vào hàng máy bay thế hệ 4++.

Các đặc điểm mới được bổ sung vào máy bay gồm động cơ đẩy vector 117S, mang tới khả năng cơ động cao hơn, giúp bay nhanh hơn (tốc độ tối đa 2.390km/h), trần bay lớn hơn (18km), và tầm hoạt động rộng hơn (3.600km).

Nó cũng được lắp ra đa mới tốt hơn. Đây là ra đa quét mảng pha điện tử Irbis-E cung cấp khả năng không chiến với nhiều mục tiêu cùng lúc, cung cấp kênh dẫn hướng cho 8 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc, radar phía trước được hỗ trợ bởi một ra đa phía sau đặt trong khoảng trống giữa hai động cơ.

Giống những chiếc Su-27, Su-35 có thể mang 8.000kg đạn được treo tại 12 mấu cứng trên máy bay. Nó có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn R-73 và R-74M, tên lửa tầm trung R-77 và R-77M và cả loại tầm xa K- 100-1 với tầm bắn 300-400km và tốc độ bay 4.000km/h. Nó cũng có thể dùng các tên lửa chống tàu Kh-29T/L AGM, Kh-31A AShM, Kh-31P ARM, các vũ khí đối hạm, bom dẫn đường và không dẫn đường. Với những thông số kể trên, Su-35 được xem là một trong những chiếc máy bay chiến đấu uy lực nhất hiện nay, có lẽ chỉ đứng sau chiếc F-22 thuộc thế hệ 5 của Mỹ.

Mẫu Su-35 mới bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 2/2008. Tới tháng 8/2009, Bộ Quốc phòng Nga chính thức đặt mua 48 chiếc Su-35 và hàng sẽ được chuyển giao trong năm 2015.

Đã hết e ngại vấn đề “hàng nhái”?

Được biết từ năm 2008, Nga đã đề nghị bán Su-35 cho Ấn Độ, Malaysia và Algeria. Tuy nhiên việc Nga muốn bán Su-35 cho Trung Quốc đã khiến không ít người ngạc nhiên bởi lâu nay các nhà thiết kế quân sự của Nga luôn đau đầu với nạn sao chép công nghệ của Trung Quốc.

Ông Mikheyev cho biết Nga và Trung Quốc đã cam kết sẽ giải quyết tận gốc vấn đề sản xuất trái phép vũ khí Nga ở quốc gia đông dân nhất thế giới. "Chúng tôi đã có những bước tiến trong việc đạt các thỏa thuận liên quan tới vấn đề này" - ông Mikheyev nói và cho biết toàn bộ các văn bản liên quan tới việc bảo vệ tác quyền trí tuệ đã được ký kết. ‘’Trung Quốc không ngại thảo luận các vấn đề đó (bản quyền trí tuệ) vốn là mối quan tâm lớn ở Nga” - ông Mikheyev tuyên bố.

Với tổng giá trị các hợp đồng buôn bán vũ khí trị giá 34 tỷ USD, Nga hiện là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, và hiện vẫn đang từng bước mở rộng thị phần quốc tế. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết nạn xuất khẩu vũ khí nhái của Nga đã khiến nước này thiệt hại 6 tỷ USD mỗi năm, đồng thời gây tổn hại không nhỏ tới uy tín kinh doanh và hình ảnh chính trị của Nga.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm