Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hồi sinh từ… tàu sắt vụn

21/01/2011 15:35 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence có trụ sở tại Hong Kong vừa cho biết quá trình sửa chữa và trang bị lại tàu sân bay loại Varyag mà Trung Quốc mua lại từ Ukraina đã sắp hoàn tất và nước này sẽ có thể đưa nó vào trang bị trong thời gian ngắn sắp tới.

Kanwa Asian Defence cho biết các công việc có liên quan tới quá trình tu sửa và nâng cấp cho Varyag, gồm việc thêm động cơ, hệ thống định vị và dẫn đường, hệ thống cấp phát điện đã hoàn tất.

Hoàn tất toàn bộ việc tu sửa bên trong

Ngoài ra việc bổ sung các khoang dành cho thủy thủ đoàn sống và làm việc, hệ thống ra-đa, hệ thống thang nâng để đưa máy bay từ hầm chứa lên sân bay cũng đã xong. “Hoạt động tu sửa bên trong con tàu đã hoàn tất 100%” - Andrei Chang, lãnh đạo Trung tâm Thông tin Kanwa tuyên bố. Hãng tin AP nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đồng tình với nhận định tàu Varyag đã hoàn thành việc tu sửa và có thể đi vào hoạt động bất cứ lúc nào trong tương lai gần.

Varyag là tàu sân bay đa nhiệm thuộc loại Kuznetsov. Con tàu được hạ thủy lần đầu vào tháng 12/1988 song hoạt động xây dựng dừng lại vào năm 1992 do sự sụp đổ của Liên Xô. Quyền sở hữu tàu được chuyển cho Ukraina. Kể từ đó, con tàu đã nằm trong tình trạng không được bảo dưỡng trước khi bị lột bỏ thiết bị và bán đấu giá.

Trung Quốc mua lại con tàu vào năm 1998. Ban đầu công ty đứng ra mua tàu nói rằng họ sẽ đưa nó về Macau làm khách sạn và sòng bạc. Nhưng khi thương vụ thành công, nó được kéo thẳng về cảng Đại Liên.

Do tình trạng quá kém của vỏ tàu Varyag, ban đầu người ta không nghĩ quân đội Trung Quốc sẽ phục hồi nó. Thay vì thế, người Trung Quốc sẽ xem xét con tàu để lấy dữ liệu chế tạo tàu sân bay nội địa tương lai. Nhưng rồi tất cả các suy đoán đều đã sai lầm.

Suốt thời gian dài qua, hoạt động tu sửa Varyag diễn ra chậm chạp. Nhưng gần đây tốc độ đã tăng lên đáng kể, với việc đầu năm 2009 tàu được kéo lên ụ nổi để thực hiện các công việc liên quan tới lắp đặt động cơ và nhiều trang thiết bị hạng nặng khác. Người ta cũng thấy các hệ thống ra-đa do Trung Quốc sản xuất bắt đầu được lắp trên tàu và hoạt động tu bổ bề mặt tàu được tiến hành.

Tàu sân bay Varyag đang được tu sửa (ảnh trên) và những hình ảnh mới nhất chụp cuối năm ngoái

Tàu sân bay đáng gờm

Theo thiết kế gốc của Nga, Varyag có chiều dài 323 mét. Nó có thể mang khoảng một chục chiếc máy bay Su-27K, phiên bản tối ưu cho tàu sân bay, vẫn được gọi là Su-33, 14 trực thăng chống tàu ngầm Ka-27PL, 2 trực thăng chống chiến tranh điện tử và 2 trực thăng cứu nạn.

Khi cần thiết, con tàu có thể mang tới 36 chiếc Su-33 và 18 trực thăng các loại. Nó có thể mang theo 2.500 tấn nhiên liệu máy bay, đủ để thực hiện từ 500 - 1.000 lượt bay của máy bay chiến đấu và trực thăng. Sức chứa của con tàu là 2.500 người hoặc có thể lên tới 3.000 người. Hiện thế giới chỉ có 2 tàu sân bay thuộc loại này là Kuznetsov, đang trong trang bị của quân đội Nga và chiếc Varyag nằm trong tay người Trung Quốc.

Hồi năm 2003, từng có tin tàu Varyag Trung Quốc sẽ mang các vũ khí hạng nặng như tên lửa chống tàu tầm xa YJ-63, các ống phóng chứa tên lửa đối không tầm trung và pháo phòng thủ tầm gần Type 730 30-mm CIWS. Tháng 11 năm ngoái, hình ảnh xuất hiện trên Internet cho thấy Varyag chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Cụ thể, nó có bệ lắp 4 ụ phóng tên lửa đối không tầm ngắn FL-3000N, tương tự với hệ thống SeaRAM của hãng Raytheon và 2 pháo Type-730 CIWS.

Về trang bị máy bay, nguồn tin từ Internet nói rằng chuyến bay đầu tiên của chiếc J-15 nhái lại mẫu Su- 33 của Trung Quốc diễn ra hồi tháng 8/2009. Tới đầu năm 2010, cộng đồng Internet tiếp tục xác nhận Trung Quốc đã nhái thành công mẫu Su- 33, một chuyện không khó khăn gì do Trung Quốc đã nhái được mẫu Su-27. Phiên bản Su-33 nhái thậm chí còn được đánh giá cao hơn bởi nó trang bị hệ thống ra-đa mới của Trung Quốc và các tên lửa đối không, đối hạm thế hệ 5, ví dụ như mẫu YJ- 63 với tầm bắn trên 600km.

Ngoài trang bị cho Varyag, Trung Quốc cũng tích cực xây dựng các tàu hộ tống cho nó. Tính tới mùa Thu 2009, người ta biết rằng 2 xưởng đóng tàu của Trung Quốc đang âm thầm đóng 2 mẫu khu trục mới. Có tin quân đội Trung Quốc sẽ sản xuất 18 chiếc tàu khu trục Type-065A phục vụ cho việc phòng không và các tàu hỗ trợ khác như tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng nguyên tử Type-093. Khi đi vào hoạt động, Shi Lang và các tàu hộ tống có thể đóng ở một căn cứ hải quân mới được xây dựng gần Sanya trên đảo Hải Nam.

Sẽ có 5 tàu sân bay trong 10 năm tới

Năm 2009, tờ Asahi Shimbun từng dẫn nguồn tin đóng tàu Trung Quốc nói rằng nước này sẽ đóng 2 tàu sân bay trọng tải 50.000 tấn giống con tàu Varyag hiện nay. Những con tàu này sẽ bắt đầu được đóng từ năm 2009. Bắt đầu từ năm 2020 hoặc sớm hơn, 2 tàu sân bay 60.000 tấn chạy bằng năng lượng nguyên tử sẽ ra mắt. Những con tàu này được cho là dựa trên loại tàu Dự án 1143.7 Ulyanovsk do Liên Xô thiết kế, nhưng chưa bao giờ được sản xuất. Như thế có nghĩa Trung Quốc sẽ có khả năng có 5 tàu sân bay vào năm 2020, tính cả chiếc Varyag sắp ra mắt.

Nếu thành công trong việc đưa Varyag vào hoạt động, Trung Quốc sẽ trở thành nước châu Á thứ ba sở hữu tàu sân bay sau Ấn Độ và Thái Lan. Đó là chưa kể tới việc tu sửa và bổ sung thiết bị cho Varyag sẽ giúp Trung Quốc có được những kinh nghiệm quý báu về đóng tàu sân bay.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm