Chạy đua vũ trang ở Bắc cực

19/04/2012 14:26 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Khi Trái đất bắt đầu ấm lên, một cuộc chạy đua mới tới Bắc cực cũng theo đó diễn ra, do người ta tin rằng nơi đây có một kho báu khoáng sản bất tận, bên cạnh giá trị kinh tế khổng lồ nhờ các tuyến đường giao thông huyết mạch được khai thông.

Tuy nhiên cuộc đua này cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng xung đột vũ trang ở vùng cực.

Ngày càng nhiều hoạt động quân sự

Theo các tiêu chuẩn của Bắc cực, khu vực này hiện đang đầy các hành động quân sự và giới phân tích tin rằng chúng sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới đây. Tháng trước, Na Uy đã khép lại một trong những cuộc tập trận lớn nhất ở Bắc cực mang tên Cold Response (Phản ứng lạnh), với sự tham gia của 16.300 binh sĩ từ 14 nước. Họ huấn luyện đủ kiểu chiến đấu trong bôi trường băng tuyết, từ chiến tranh cường độ cao tới chống nguy cơ khủng bố.

Và Na Uy không phải trường hợp cá biệt. Mỹ, Canada cùng Đan Mạch đã tập trận cách đây 2 tháng. Trong động thái bất thường hơn, lãnh đạo quân đội của 8 nước lớn có lợi ích ở Bắc cực, gồm Canada, Mỹ, Nga, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan đã tụ họp tại một căn cứ quân sự Canada hồi tuần trước để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.

Không một điều nào trong số trên có khả năng gây ra chiến tranh ở Bắc cực trong thời gian trước mắt. Nhưng với bối cảnh ngày càng nhiều các công nhân, kỹ sư và tàu bè xuất hiện ở vùng Bắc cực để khai thác dầu và khí đốt, không sớm thì muộn, người ta cũng sẽ phải dùng tới sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích.

Tàu ngầm nguyên tử USS Connecticut của Mỹ chọc thủng băng để nổi lên tại Bắc cực

Kho báu dầu và khí đốt

Các nghiên cứu từ trước tới nay đều khẳng định Bắc cực có trữ lượng dầu không hề thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) từng tiến hành khảo sát và thấy riêng khu vực phía Bắc của vành đai Bắc cực đã chứa lượng dầu tương đương 412 tỉ thùng, gần bằng 1/4 trữ lượng dầu chưa được khai thác của thế giới.

Một lượng lớn dầu có thể khai thác ngay của Bắc cực được cho là nằm ở 3 khu vực chủ yếu, gồm: Alaska khu vực giáp Bắc cực (30 tỉ thùng), lưu vực Amerasia (9,7 tỉ thùng) và khu vực Đông Greeland (8,9 tỉ thùng). Hơn 70% lượng khí đốt chưa được khai thác thuộc về 3 vùng là lưu vực Tây Siberia, lưu vực Đông Barents và Alaska giáp Bắc cực.

Tổng lượng dầu có thể khai thác bằng các kỹ thuật hiện nay có thể lên tới 90 tỉ thùng, lớn hơn toàn bộ lượng dầu dự trữ của Nigeria, Kazakhstan và Mexico cộng lại. Nó có thể đáp ứng nhu cầu dầu của thế giới vào khoảng 86,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 3 năm liên tục.

Băng tan còn giúp mở ra tuyến đường vận tải đường biển Tây Bắc huyền thoại. Cần biết rằng tuyến đường Tây Bắt rút ngắn khoảng cách đi lại giữa thành phố New York (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc) xuống hơn 4.000 km. Cách đây vài năm, để đi qua tuyến đường này, các con tàu vận tải phải có tàu phá băng hộ tống. Việc đó khiến chi phí vận tải trở nên vô cùng đắt đỏ. Nhưng khi băng tan, khó khăn dần không còn nữa.

Năm 2005, chỉ có một số lượng nhỏ các tàu vận tải, chở theo 3 triệu tấn hàng đi qua tuyến đường Tây Bắc. Nhưng con số này sẽ tăng lên khoảng 14 triệu tấn hàng vào năm 2015. Các chuyên gia phân tích hàng hải còn lạc quan hơn khi đánh giá sẽ có tới 77 triệu tấn hàng được vận chuyển qua nơi đây.

Xử lý thảm họa trước chiến tranh

Những lợi ích to lớn này khiến nhiều quốc gia đang muốn tăng cường ảnh hưởng của họ tại Bắc Cực. Nga, với 1/3 lãnh thổ nằm trong Vành đai cực Bắc, đã tích cực nhất trong việc khẳng định ảnh hưởng.

Rob Huebert, một giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Calgary, Canada, nói rằng Nga đã phục hồi tốt so với giai đoạn bất ổn kinh tế trong những năm 1990 để tái xây dựng lại khả năng quân sự tại vùng Bắc cực, vốn là yếu tố chính trong chiến lược tổng quát của Liên Xô thời chiến tranh Lạnh. Hồi năm 2007, Nga từng cắm cờ dưới đáy biển Bắc cực nhằm thể hiện chủ quyền của nước này ở đây. Gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom tầm xa và điều nhiều tàu ngầm tới vùng cực.

Động thái của Nga khiến các nước cận kề với cực Bắc khác như Na Uy, Đan Mạch và Canada phải khôi phục hoạt động quân sự, vốn bị hủy bỏ hoặc cắt giảm ngân sách sau khi Liên Xô sụp đổ. Thậm chí các nước không nằm ở vùng cực như Pháp cũng đã bày tỏ mối quan tâm muốn đưa quân tới Bắc cực.

"Chúng ta đang chứng kiến một khu vực từng đóng cửa với thế giới nay đã khai thông trở lại. Có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng khiến cho việc tập trung đông hoạt động quân sự trong vùng cực và chuyện này sẽ chỉ tăng lên theo thời gian mà không giảm xuống" - ông Huebert nói.

Sự ganh đua của các nước ở Bắc cực bị các tổ chức bảo vệ môi trường như Greenpeace xem là thảm họa cho Trái đất. “Điều nghiệt ngã là thay vì coi sự tan chảy băng ở Bắc cực là tín hiệu báo nguy để nhân loại có hành động bảo vệ môi trường, người ta lại đầu tư vào các trang thiết bị quân sự để chiến đấu giành dầu lửa nằm dưới băng" - Greenpeace nói trong một báo cáo công bố hồi năm ngoái - "Họ đánh nhau để giành lấy thứ nhiên liệu hóa thạch đã gây ra hiện tượng tan băng. Thật chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa".

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm